Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Gần 300.000 lính Afghanistan và các thành viên Lực lượng Trợ giúp An ninh Quốc tế do Nato dẫn đầu đã được triển khai tại các điểm bỏ phiếu để bảo vệ các cử tri.

![]() |
Các cử tri đi bầu tại thủ đô Kabul giữa lo ngại an ninh. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp đe doạ của lực lượng phiến quân Taliban và một số cuộc tấn công đã xảy ra khắp đất nước, hôm 20.8, hàng triệu người dân Afghanistan đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương.
Gần 300.000 lính Afghanistan và các thành viên Lực lượng Trợ giúp An ninh Quốc tế do Nato dẫn đầu đã được triển khai tại các điểm bỏ phiếu để bảo vệ các cử tri. Khoảng 17 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bỏ phiếu tại 29.000 hòm phiếu trên cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo số cử tri đi bỏ phiếu có thể sẽ thấp do lo ngại xảy ra các cuộc tấn công.
Trước đó, trong một tuyên bố đăng trên trang web www.alemara.org, lực lượng Taliban tuyên bố có 20 người đánh bom liều chết trà trộn vào thủ đô Kabul để sẵn sàng phá hoại cuộc bầu cử diễn ra trong ngày 20.8 và cảnh báo cử tri nên ở nhà. Bộ trưởng nội vụ Afghanistan cũng cho biết, khoảng 1/3 điểm bầu cử của nước này nằm trong khu vực "nguy cơ tấn công cao" và không có một điểm bầu cả nào hoạt động tại tám quận dưới sự kiểm soát của Taliban.
Theo lịch trình, các điểm bầu cử đóng cửa lúc 16 giờ (giờ địa phương), nhưng các quan chức đã tiếp tục “chờ” thay vì đóng cửa đúng giờ vì số lượng cử tri đi bầu thấp hơn so với dự kiến. Tại một điểm bỏ phiếu ở đền thờ Abu Fazl, thủ đô Kabul các quan chức lúc đầu đã định đóng cửa, nhưng sau đó họ mở cửa trở lại. Trong khi đó, ở miền nam Kandahar, nơi hứng chịu các cuộc tấn công của Taliban trong ngày, một thông tín viên của hãng tin Reuters chứng kiến rất đông cử tri đi bầu vào cuối ngày.
Tổng thống Hamid Karzai cũng đã bỏ một phiếu cho mình trong sự bảo vệ an ninh chặt chẽ của các vệ sĩ tại một trường trung học gần dinh thự của ông tại thủ đô Kabul. Tổng thống Hamid Karzai đang đối mặt với một đối thủ đáng gườm trong cuộc chạy đua nhiệm kỳ hai này, đó là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, ông Karzai có thể không đủ số phiếu ủng hộ để tránh bước vào vòng hai của cuộc bầu cử, dự kiến tổ chức vào tháng 10.2009.
TÙNG LÂM
(Theo AP, Reuters)