Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Afghanistan: Năm 2010, năm tồi tệ nhất đối với lính Mỹ-NATO
Chủ nhật: 09:53 ngày 19/12/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 9 năm qua đã có ít nhất 2.270 binh lính nước ngoài bị giết ở Afghanistan, trong đó lính Mỹ chiếm 2/3.

Bất chấp việc Mỹ đổ thêm 30.000 quân cho chiến trường Afghanistan, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình an ninh được cải thiện. Lực lượng Taliban ngày càng trở nên khó đối phó và bắt đầu đánh dấu việc trở lại Kabul bằng những vụ tấn công đẫm máu.

Hôm 19.12, hai tay súng Taliban mang đai đeo bom tấn công một chiếc xe buýt chở binh lính quân đội đang chuẩn bị rời khỏi Kabul hướng về TP. Jalalabad. Một tay súng kích nổ đai bom ngay trước đầu xe, tay súng còn lại bị cảnh sát bắn chết ngay tại chỗ. Đây là vụ tấn công đầu tiên của Taliban tại Kabul kể từ tháng 5.2010 đến nay, đã làm ít nhất 5 người chết, 9 người bị thương, chủ yếu là quân nhân.

Xác chiếc xe buýt bị đánh bom hôm 19.12 tại Kabul. Ảnh: Getty

Cùng lúc, tại TP. Kunduz – nơi Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đến thăm một ngày trước đó, 5 binh lính và cảnh sát bị giết trong vụ đụng độ với 4 tay súng liều chết ở một trung tâm huấn luyện quân sự. Hai tay súng kích nổ đai bom ngay lối vào cổng, hai tay súng khác lọt vào được bên trong nhưng đã bị chặn lại. Sau một cuộc giao tranh suốt buổi sáng 19.12, hai tay súng Taliban mới bị tiêu diệt. 

Tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Hamid Karzai nhấn mạnh “đây là những tội ác nghiêm trọng và không thể dung tha”.

Trong khi đó, cái chết của một binh sĩ thuộc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế của NATO (ISAF) đêm 18, rạng 19.12 nâng tổng số binh lính nước ngoài thiệt mạng từ đầu đến nay lên 700 người, tăng 179 người so với năm 2009, cao nhất kể từ khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001. Theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters và website www.iCasualties.org, 9 năm qua đã có ít nhất 2.270 binh lính nước ngoài bị giết ở Afghanistan, trong đó lính Mỹ chiếm 2/3. Số thương vong của quân đội và cảnh sát Afghanistan cao hơn gấp nhiều lần, nhưng chính quyền Kabul chưa bao giờ cung cấp số liệu này.     

Thương vong là vậy, nhưng báo cáo “sơ kết” việc triển khai chiến lược mới tại Afghanistan kể từ khi ông Barack Obama lên nắm quyền tại Washington cho rằng, cuộc chiến chống Taliban đã có những tiến bộ nhất định. Thực tế, năm 2010 được xem là năm Taliban mạnh nhất kể từ khi bị Mỹ lật đổ. Họ không chỉ tăng cường hoạt động ở những vùng “căn cứ địa” ở miền Nam và miền Đông, mà còn mở rộng hoạt động ở một số khu vực phía Bắc và phía Tây. Dù Mỹ và NATO đã mở các chiến dịch quân sự với quy mô lớn nhưng Taliban luôn tìm cách tránh đối đầu trực diện, họ sử dụng chiến thuật phá hoại ở khắp nơi, đặc biệt là việc tấn công vào tuyến đường tiếp vận chính ở miền Bắc, buộc Mỹ và NATO phải dàn mỏng đội hình để đối phó.

Tại cuộc họp thượng đỉnh khối quân sự NATO diễn ra ở Lisbon hồi tháng rồi, các nhà lãnh đạo NATO đồng ý chấm dứt các hoạt động “tham chiến” và chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho chính phủ Afghanistan vào cuối năm 2014. Mỹ cũng tuyên bố sẽ bắt đầu rút quân khỏi nước này vào tháng 7.2011.

Các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu 2014 là quá sức đối với chính quyền Karzai, quân đội và cảnh sát Afghanistan phải mất nhiều năm mới thật sự có thể tiếp nhận được việc duy trì an ninh trước một đối thủ như Taliban.

Đặng Hoàng Thái

(tổng hợp)

 

 

 

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục