Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau 8 năm bị lật đổ, Taliban lại hồi sinh một cách mạnh mẽ, thậm chí còn thiết lập cả hệ thống chính quyền, toà án ở một số khu vực tại miền Nam Afghanistan.

Cho đến bây giờ, các nhà quân sự Mỹ vẫn không thể hiểu được tại sao sau 8 năm bị lật đổ, Taliban lại hồi sinh một cách mạnh mẽ, thậm chí còn thiết lập cả hệ thống chính quyền, toà án ở một số khu vực tại miền Nam Afghanistan.
Tháng 12.2001, lãnh đạo tối cao Taliban Mullah Omar một mình trên chiếc xe gắn máy, thoát khỏi vòng vây của binh lính Mỹ tại Kandahar. Hiện tại, vị thủ lĩnh “độc nhãn” này lẩn trốn ở khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, thường xuyên di chuyển qua lại gữa thị trấn Quetta và Zob ở sa mạc Baluchistan hiểm trở. Tuy nhiên, ít ai ngờ được, Taliban lại lớn mạnh và ngày càng trở nên khó đối phó.
Theo các chuyên gia, hiện nay Taliban tại Afghanistan có rất nhiều phe nhóm: lực lượng cốt cán do Mullah Omar lãnh đạo, hoạt động ở khu vực biên giới, và vẫn duy trì mối quan hệ gắn kết với cơ quan tình báo Pakistan ISI (dù chính quyền Islamabad bác bỏ thông tin này); lực lượng các nhóm Hồi giáo có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda với nhiều tay súng đến từ các quốc gia Ả-rập, Uzbekistan và Chechnya… hoạt động chủ yếu ở mạn đông bắc. Và lực lượng cuối cùng, lớn nhất, chính là các lực lượng bộ tộc. Lực lượng này, có lúc đã từng “ngã” theo chính phủ của ông Hamid Karzai, nhưng càng về sau họ càng bất mãn trước tình trạng tham nhũng của chính phủ, sự bất công của hệ thống tư pháp, có nơi người dân còn khẳng định rằng: “Toà án của chính phủ chỉ dành cho người giàu, toà án của Taliban mới dành cho người nghèo”. Mặt khác, người dân các bộ tộc gia nhập Taliban vì họ căm thù bom đạn Mỹ đã tàn sát dân thường.
![]() |
Các tân binh Taliban đang được huấn luyện sử dụng súng. Ảnh: Reuters. |
Theo các chuyên gia quân sự, các nhà ngoại giao phương Tây và Afghanistan, dân chúng đất nước này đã trải qua nhiều cuộc chiến trong hơn 30 năm qua nên gần như họ đã tạo ra cho mình một “giác quan” rất nhạy cảm trước tình hình, sẵn sàng ứng phó để tồn tại. Ở các bộ tộc người Pashtun tại miền Nam Afghanistan, dù không mấy ưa học thuyết Hồi giáo cứng rắn của Taliban, nhưng họ nhận thấy rằng Mỹ và các quốc gia phương Tây đang bắt đầu “sa lầy” trong cuộc chiến, các bô lão, tù trưởng lại kêu gọi con cháu mình cầm súng đánh “quân xâm lược”. Một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với cách đây 8 năm, họ hồ hởi nhận hàng viện trợ của Mỹ.
Ở các tỉnh miền Nam như Helmand, Kandahar, Zabol, Oruzgan, Paktia và Paktika, người ta có thể thấy sự tồn tại của một quốc gia Hồi giáo của Taliban với đầy đủ các thống đốc, đài truyền thanh, nhân viên công lực và toà án. “Quốc gia Hồi giáo” này đang bắt đầu mở rộng lãnh thổ sang các tỉnh miền Bắc như Kunduz, Baghlan và Badakshan.
Thực tế ở Afghanistan khiến người Mỹ đau đầu, tình thế càng trở nên phức tạp khi Tổng thống Hamid Karzai bị cáo buộc gian lận trong bầu cử. Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tỏ ra không ưa nhà lãnh đạo Afghanistan này. Chắc chắn sẽ có một sự thay đổi, nhưng thay đổi theo cách nào thì có lẽ, Washington vẫn chưa tìm ra lời giải.
Đ. Hoàng Thái
(Theo Time)