Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ai Cập: Quân đội kiên quyết nắm quyền lập hiến
Thứ sáu: 01:08 ngày 09/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) tuyên bố sẽ nắm quyền chủ trì việc soạn thảo hiến pháp mới.

Ngay sau khi các đảng phái Hồi giáo giành chiến thắng khá áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội đợt 1, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) tuyên bố sẽ nắm quyền chủ trì việc soạn thảo hiến pháp mới và khẳng định rằng, kết quả bầu cử vừa qua không phản ánh thực chất xã hội đất nước này.

Theo kết quả kiểm phiếu, các đảng Hồi giáo giành được 113/168 ghế, trong đó Đảng Công lý và Tự do (FJP) thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập đứng đầu với 80 ghế, đảng Hồi giáo Al-Nour được 33 ghế, các đảng tự do thế tục được 33 ghế, phần còn lại thuộc về một số đảng nhỏ và các ứng cử viên độc lập. Ngay lập tức, giới lãnh đạo SCAF nhận ra rằng, nếu theo kết quả này, chẳng khác gì “tránh vỏ dưa vấp vỏ dừa” khi cuộc nổi dậy tháng 2.2011 đã lật đổ chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak được cho là “độc tài” nay lại đối diện với một tương lai mọi quyền lực tại Ai Cập rơi vào tay các thế lực Hồi giáo, thậm chí còn tiềm ẩn cả những phe nhóm cực đoan. SCAF buộc phải lên tiếng để khẳng định vai trò của họ trong một nền chính trị đầy khủng hoảng. Trong cuộc họp báo mới đây tại Cairo, tướng Mukhtar al-Mulla – thành viên SCAF cho rằng, quốc hội mới không thể đại diện cho nguyện vọng của toàn thể dân tộc dù cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng nhưng diễn ra “trong điều kiện xã hội bất ổn”.

Binh lính Ai Cập hỗ trợ cảnh sát thiết lập hàng rào kẽm gai ngăn chặn người biểu tình gần quảng trường Tahrir ở Cairo ngày 24.11

Tướng Mulla cho biết thêm, SCAF sẽ chỉ định thành lập một Hội đồng cố vấn dân sự đóng vai trò trung gian giữa các nhà lãnh đạo quân sự, quốc hội và nội các chính phủ mới – cũng do SCAF bổ nhiệm hôm 8.12. Cả 4 nhóm này sẽ thảo luận thành lập một Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp gồm 100 thành viên. Điều này có nghĩa là quyền lập pháp mà các đảng phái Hồi giáo vừa thắng cử bị hạn chế vì thế ngay lập tức Đảng FJP phản ứng bằng tuyên bố rút khỏi Hội đồng Shura (Thượng viện) và tẩy chay Hội đồng cố vấn dân sự. Mohamed el-Beltagy, thành viên cao cấp của tổ chức Anh em Hồi giáo và là ứng cử viên của đảng FJP chỉ trích SCAF đang tìm cách kiểm soát quyền lập hiến.

Đây không phải là lần đầu tiên SCAF tuyên bố giới hạn quyền lực của quốc hội. Hồi cuối tháng 11 vừa qua, tướng Mamdouh Shahin cho rằng quốc hội không đủ khả năng để lựa chọn các bộ trưởng cho chính phủ mới.

Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời Ai Cập do SCAF chỉ định, ông Kamal el-Ganzouri cùng nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức trước Chủ tịch SCAF, thống chế Field Marshal Hussein Tantawi. SCAF cũng tuyên bố sẽ trao cho ông Ganzouri “một số quyền lực của tổng thống” nhằm tạo điều kiện cho nội các chính phủ mới kiểm soát, điều hành đất nước. Tuy nhiên, quyền nắm giữ quân đội cũng như hệ thống toà án vẫn thuộc về SCAF.

Dư luận Ai Cập cho rằng, tỷ lệ tội phạm ngày càng tăng cao kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Ngày 25.11, ông Ganzouri, 78 tuổi, chính thức đảm nhận việc thành lập chính phủ lâm thời sau khi nội các của cựu Thủ tướng Essam Sharaf xin từ chức dưới sức ép của các cuộc biểu tình bạo động. Cảnh sát bị cáo buộc mạnh tay đàn áp các cuộc biểu tình đòi SCAF từ chức làm hơn 40 người thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương.

Là một nhà kinh tế, ông Ganzouri từng làm Thủ tướng từ năm 1996 đến 1999 dưới thời Tổng thống Mubarak và là một trong số các nhà hoạch định cải cách kinh tế chính của Ai Cập từ đầu những năm 1990.

Đ.H.T

(Tổng hợp)

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục