BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ai Cập: SCAF không chấp nhận từ chức

Cập nhật ngày: 25/11/2011 - 02:35

Bất chấp làn sóng phản đối đang dâng lên tại quảng trường Tahrir – nơi đã từng chứng kiến chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ cách nay 9 tháng, Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập (SCAF) vẫn kiên quyết không chấp nhận từ chức theo yêu cầu của những người biểu tình. SCAF cho biết, tiến trình bầu cử quốc hội vẫn diễn ra vào tuần sau đúng như kế hoạch.

Sức nóng tại quảng trường Tahrir ngày 25.11 ngày càng gia tăng. Những người biểu tình cho rằng, SCAF khẳng định họ không giống như chính quyền Hosni Mubarak trước đây, nhưng những phản ứng của SCAF đối với tình hình khủng hoảng hiện nay, cũng chẳng khác gì mấy: những tuyên bố đầy ngạo mạn, pha trộn giữa sự nhượng bộ lẫn đe doạ và những hành động trấn áp mạnh tay. Những người biểu tình nhấn mạnh, họ sẽ cố thủ ở quảng trường Tahrir cho đến khi nào SCAF chuyển giao quyền lực cho một Hội đồng Tổng thống dân sự. Mục tiêu mà họ đặt ra là phải lật đổ SCAF, đặc biệt là thống chế Hussein Tantawi – người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng suốt 20 năm dưới thời ông Mubarak và tiếp quản chức Chủ tịch SCAF hồi tháng 2 vừa qua.    

Cảnh sát dùng lựu đạn cay để trấn áp những người biểu tình

Bên cạnh đó, dư luận tại thủ đô Cairo cũng tố cáo SCAF đàn áp những người chỉ trích, săn lùng và trả thù những người đứng sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Đã có ít nhất 12.000 người bị tra trấn và đưa ra xét xử trước toà án binh.

Trong khi đó, tướng Mamdouh Shaheen – thành viên SCAF nhấn mạnh, sẽ không có chuyện đình hoãn cuộc bầu cử quốc hội vì những bất ổn ở quảng trường Tahrir. Tướng Shaheen cho rằng, những người biểu tình ở quảng trường Tahrir không thể đại diện cho toàn thể nhân dân Ai Cập và trong tình thế này, một khi SCAF chấp nhận từ chức, đất nước sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ khó mà cứu vãn được. Theo tướng Shaheen, SCAF sẽ tìm người thay thế ông Essam Sharaf giữ chức Thủ tướng trước khi bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 28.11. Có tin cho biết, cựu Thủ tướng dưới thời ông Mubarak trong thập niên 1990, ông Kamal el-Ganzouri đã có cuộc gặp thống chế Hussein Tantawi và đồng ý đảm nhiệm chức Thủ tướng để thành lập chính phủ mới. Ông Kamal el-Ganzouri được xem là ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống tại Ai Cập vào năm 2012.

Nhiều người lo ngại, thoả thuận “đình chiến” giữa người biểu tình và cảnh sát quá mong manh, đặc biệt là khi những người biểu tình vẫn đổ về quảng trường Tahrir. Trong khi đó, hoàn toàn không có dấu hiệu SCAF sẽ chấp nhận nhượng bộ. Hôm 25.11, quân đội tuyên bố sẽ hỗ trợ lực lượng cảnh sát đối phó với những người biểu tình, họ thiết lập hàng rào bằng bê-tông cao 2 mét trên đường Mohamed Mahmoud. Binh lính cũng đã dựng các chướng ngại vật như rào sắt và dây thép gai từ quảng trường Tahrir đến gần trụ sở Bộ Nội vụ để phân chia ranh giới giữa người biểu tình và cảnh sát.

Mặc dù đứng ra làm trung gian cho thoả thuận “đình chiến”, nhưng giới phân tích nghi ngờ chính tổ chức Anh em Hồi giáo giật dây những cuộc biểu tình bạo động làm 41 người thiệt mạng trong tuần qua. Dư luận cho rằng, nếu tổ chức Anh em Hồi giáo thành công trong việc lật đổ SCAF, đây sẽ là một mối đe doạ lớn vì tổ chức này từng đề nghị đưa Luật Hồi giáo Sharia hà khắc vào Hiến pháp. Một số quan chức Ai Cập cũng đã từng cảnh báo, có khả năng những người biểu tình đã và đang trở thành “quân chốt thí trên bàn cờ chính trị” của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Đ.H.T

Tổng hợp