Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chị, con gái lỡ thời, sống đơn chiếc một mình sau khi đã trả xong chữ hiếu, lo cho cha mẹ mồ yên mả đẹp. Công việc lãnh may đồ chục ở nhà giá rẻ bèo nhưng cũng giúp chị có đồng ra đồng vào. Hằng tuần, chủ tiệm tới gom đồ may trước, bỏ đồ may sau và thanh toán sòng phẳng.
Chị cứ an nhàn vậy mà sống, không bon chen, không để ý tới ai và cũng không ai để ý tới chị. Bà con chòm xóm nói ra nói vào tiếc nuối, bởi chị tử tế, bởi chị đảm đang. Chị cười hiền. Thầy bói nói chị có chồng muộn chút, chừng nào duyên tới thì hay. Chị chờ qua tuổi bốn mươi hồi nào cũng không biết.
Chị thích anh giám sát công trình xây dựng nhỏ hơn mình bảy tuổi. Đây là lần thích trai đầu tiên trong đời chị. Vì vậy mà nó mãnh liệt, không biết sợ là gì. Nhớ tới chuyện ban đầu hai đứa quen nhau, chị thấy vui xen chút bồi hồi. Ngày đầu tiên khởi móng xây căn biệt thự kế bên đất nhà chị, anh áo sơ mi trắng phau đóng thùng lịch sự, đứng chỉ chỉ trỏ trỏ, giọng anh sang sảng.
Chị quét sân bên này, thỉnh thoảng dừng chổi ngóng nghe bên đó nói gì, làm gì rồi lại tiếp tục quét, tiếp tục coi người ta đào móng cái nhà rồi đứng ngây người lẩm bẩm: “Trời ơi! Giàu gì mà giàu dữ, cất chi cái nhà bự tổ mẹ, ở sao cho hết…”. Rồi chị tiếp tục quét gom lá rụng tắp vô gốc cây nhãn bên hông nhà, suy nghĩ miên man “Không biết hàng xóm là người như thế nào, dễ chịu, dễ chơi hông trời” thì anh bước qua làm quen. Câu đầu tiên anh nịnh chị: “Chị quét sân nghề thiệt, đường chổi đều tắp, đẹp thiệt”. Tự dưng chị quíu, chị lí nhí: “Quét sân thôi mà, đẹp gì đâu!”.
Cứ vậy, hằng ngày người quét sân, người khen, rồi quen. Những buổi trưa, anh hay qua núp nắng dưới tán cây nhãn, cùng chị tám chuyện trên trời dưới đất, rồi đon ren: “Sao tui thấy chị có một mình, chồng con đâu?”. Chị nói chị bị ế, xấu quá không ai thèm. Anh thả dê trắng trợn: “Trong mắt tui, chị đẹp mà, chị có duyên, chị dễ thương, vậy là nhứt rồi”. Chị biết dư là anh nói xạo, nhưng lần đầu tiên trong đời có một anh đẹp trai, bảnh tỏn nịnh mình, nên chị xúc động. Hỏi thăm ra thì biết anh người gốc Hà Nội, sinh ra và sống ở Sài Gòn.
Ly hôn, có hai đứa con gái, đứa lớn chín tuổi, đứa nhỏ bảy tuổi đi theo vợ, còn anh giờ độc thân đang sống với bà mẹ già gần bảy mươi tuổi ốm đau quặt quẹo, mắt mờ, tai lảng. Hoàn cảnh quá chừng, nghe thấy mà thương. Buổi trưa, chị nấu cơm, canh chua lá giang, thịt ba rọi kho quéo, mùi nước mắm y bốc mùi thơm dậy cả công trình. Anh rón rén bước vô nhà đánh tiếng: “Nghe mùi thơm quá, đói bụng chị ơi”.
Chị mời lơi: “Vậy… lát ở lại ăn”. Anh ăn thiệt tình, vét cơm cháy rột rột. Cơm nóng, ớt cay mồ hôi mẹ mồ hôi con đẫm áo. Thấy anh ăn ngon miệng, chị vui. Sau bữa ăn, anh đặt vấn đề nhờ chị nấu cơm ngày hai bữa ăn chung cho vui. Anh than thở ăn cơm tiệm hoài nghe mùi phát ớn. Anh nhanh nhảu móc tiền ra đưa liền cho chị. Chị ái ngại nhận tiền mà lòng sướng rơn, hổng lẽ nói tui nấu không cho anh ăn cũng được. Đầu hôm sớm mai, làm vậy người ta coi mình ra gì. Chị làm bộ nói:
- Đưa chi nhiều vậy?
- Nấu ăn nguyên tháng luôn.
- Nguyên tháng nhiêu đây sao đủ.
- Cầm tạm đi, chừng nào lãnh lương em… đưa thêm.
Từ ngày hai người nấu cơm ăn chung, ngôi nhà chị vui vẻ ấm áp hẳn lên. Mấy chuyện nặng nhọc cần tay người đàn ông, chưa có lời nhờ vả của chị là anh để ý làm hết. Anh còn nhờ đám thợ hồ bên kia sang nhà làm lại cho chị cái sàn nước, Chị hết sức hài lòng. Không những vậy, anh còn tha ở đâu về mấy chậu lan rừng treo lủng lẳng trên cây nhãn. Anh chăm chút mọi thứ như nhà của anh. Sau mỗi bữa ăn, anh lãnh phần rửa chén.
Xong, chị biểu anh ra mắc võng ngoài cây nhãn nằm nghỉ trưa ngắm lan, để tránh lời dị nghị của bà con lối xóm. Anh em bên công trình thấy vậy cũng chọc ghẹo, nói vô “Ai đời, kêu người yêu bằng chị”. Chị mắc cỡ đỏ mặt, mà thích. Anh làm bộ e ngại gãi đầu: “Kêu gì không quan trọng, hiểu ý nhau là được rồi”. Anh với chị tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Hôm cuối tuần, chủ nhà nấu cháo gà bồi dưỡng thợ thầy.
Anh uống rượu chưa say mà làm bộ say, qua nằm võng tới tối mịt. Chị lắc võng kêu anh dậy ra về. Anh làm bộ không nghe. Sợ muỗi cắn anh, chị đem mền ra đắp, rồi đốt cho khoanh nhang muỗi. Chừng nóng ruột, sợ sương đêm làm cho anh bệnh, chị kêu anh vô nhà để ngủ trên tấm phản ở nhà trên. Đêm tịch mịch đứng gió. Ánh sáng nhờ nhờ của cây đèn dầu trên bàn thờ bên ngoài hắt bóng vào trong. Chị rọ rạy ngủ không được, nghĩ sao kỳ. Cũng ánh sáng này như mọi ngày, giờ sao chị thấy nó lung linh huyền ảo. Tự dưng chị nghe xao xuyến, thèm được nằm trong vòng tay rắn chắc của anh.
Chị ngồi dậy đưa tay vén tóc định bước ra ngoài thăm chừng, nhưng rồi lại nằm xuống. Trời đất ơi, mình bị sao vầy nè. Chị nằm xuống rồi ngồi dậy cả chục bận. Chị nghe rõ tiếng anh trở mình, đập tay đập chân thình thịch lên tấm phản gõ. Bên ngoài, anh cũng nằm gối đầu lên hai cánh tay, mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà, nghe ngóng động tĩnh, rồi cất tiếng gọi nho nhỏ: “Chị ơi…chị… Em ơi…em… anh muốn uống nước”.
Chỉ chờ có vậy, chị lù lù sát bên. Anh ôm ghì lấy chị, dụi đầu vào mái tóc dài óng mượt thơm mùi bồ kết. Chị nằm gọn trong vòng tay anh, nghe rõ hơi thở đượm nồng mùi thuốc lá. Bình thường chị ghét mấy người hút thuốc, hôi rình. Giờ mặc kệ! Không gian yên ắng bị xốc lên bởi hơi thở gấp rút, hổn hển quyện vào nhau, đêm yên tĩnh bị nhào nắn trôi qua một cách đê mê đến lạ lùng.
Chị dậy sớm quét sân như thường lệ, ngại ngùng khi quét gần tới gốc cây nhãn chỗ anh nằm đong đưa. Anh thò tay ôm ngang cặp giò chị siết mạnh ra chiều hạnh phúc, chị lật đật gỡ tay anh ra mắc cỡ, ngó dáo dác kêu trời, chừng không thấy ai, chị liếc yêu hỏi nhỏ “Lát ăn gì để… em mua?”. Chị đi quán mua bịch cháo lòng, bà Mười chủ quán không chịu thối tiền cho chị, kiếm cớ cầm chân chị đon ren:
- Nghe nói bây mê thằng con nít đâu ở Sài Gòn dìa phải hông, coi giò coi cẳng cho kỹ, coi chừng bị gạt, tiền mất tật mang nhen bây.
- Dạ! Ảnh đàng hoàng lắm, kỹ sư đó bà Mười.
- Mới quen có mấy bữa, sao bây biết người ta đàng hoàng.
- Dạ! Nghe nói chuyện là con biết liền.
- Bây dễ tin người, mà thằng đó nó nhỏ hơn bây nhiêu tuổi?
Thấy chị ngần ngừ không muốn trả lời, ông Mười gắt gỏng: “Chuyện nhà người ta bà hỏi chi cặn kẽ. Thời bây giờ tân tiến rồi, trai gái yêu nhau không phân biệt tuổi tác, báo chí đăng rần rần phi công trẻ lái máy bay bà già đó hen”. Chị đưa tay sớt ngang bịch cháo vội vã ra về, dặn lòng từ nay không mua cháo nhà bà Mười thêm một lần nào nữa.
Chị đòi anh dẫn về nhà. Nhà anh nhỏ xíu, nằm sâu trong ngõ hẹp tối tăm. Vào nhà thấy hai con bé ngồi đó là chị đoán ra. Thấy anh, hai con bé mừng rỡ, quay qua dòm chị thắc mắc. Chị ngó anh, thấy anh không vui. Anh hất hàm “Thưa dì đi”. Hai con bé lật đật vòng tay đồng loạt:
- Thưa dì!
- Nội đâu?
- Nội bịnh nằm trong buồng.
- Bịnh tối ngày. Em ngồi chơi đi, không sao đâu, để anh vô là được.
Chị muốn thân thiện nên bước tới xoa đầu con bé nhỏ, rồi lấy ổ bánh bông lan chị đã cất công đổ tối hôm trước ra kêu con bé lớn đi lấy dao và dĩa cắt bánh mời bà nội. Chị nhìn xung quanh, đồ đạc trong nhà dòm cũ kỹ, bụi đóng ẩm mốc, chứng tỏ không có người dọp dẹp. Chị tránh ra sau cho mấy cha con nói chuyện riêng với nhau. Vừa bắt tay dọn dẹp, chị vừa lóng tai nghe chuyện:
- Hai đứa qua thăm nội hả?
- Dạ, con qua xin ba tiền đóng tiền học.
- Xin gì xin hoài, bữa trước cho rồi.
- Dạ, bữa trước mẹ lấy tiền đó mua đồng phục với tập vở hết trơn rồi.
- Mẹ mày xài sang, bận lại đồ năm rồi cũng được, nghèo mà bon chen. Làm như tao là cái máy rút tiền, nhấn nút là có. Tao còn phải lo cho bà nội tụi mày… Rồi chị nghe tiếng được, tiếng mất, kết thúc là câu nạt ngang “Nhức đầu quá, giờ không có, tháng sau về tao cho”. Rồi anh nói để anh chạy ra quán mua mấy cái trứng về làm cơm ăn. Chị ngoắc hai đứa nhỏ ra sau nhà hỏi chuyện, thấy con bé lớn lận lưng quần một cái bóp mỏng màu đen, chị hỏi: “Cái gì đây?”.
Con bé đưa tay vịn chặt cái bóp chối đây đẩy: “Không có gì”. Dụ dỗ riết, con bé cũng khai ra. Mẹ tụi nhỏ làm công nhân vệ sinh, lương ba cọc ba đồng. Hai chị em nó đi học một buổi, một buổi phụ mẹ đi bán vé số. Ban đầu mẹ không cho, nhưng giờ cho rồi. Mẹ nói chỉ là tạm thời, mai mốt ba có tiền phụ mẹ đóng đủ học phí và trả tiền thuê nhà thì hai chị em nghỉ bán. Chị nghẹn lòng. Anh mua đồ về tới, câu chuyện đứt ngang.
Chuyến xe chiều An Sương về Tây Ninh vắng khách. Chị ngập ngừng muốn hỏi nhiều điều, nhưng cố kiềm, chờ anh nói trước. Chị khều anh đang lim dim:
- Anh đi hoài sao không để chị và hai cháu ở với bà già chăm sóc cho tiện, đỡ tiền thuê nhà.
- Em nói lạ, đã thôi rồi ở chung nhà sao được. Chị chắc lưỡi:
- Ừ há!
- Nhưng anh cũng tính coi, để hai đứa nhỏ ở với bà nội dòm ngó lẫn nhau, anh cũng yên tâm hơn.
- Tụi nhỏ ở đâu, mẹ nó theo tới đó, tới hồi muốn, đuổi đi không được.
- Con anh mà, đuổi gì… Tội nghiệp hai đứa nhỏ.
- Tội gì, hai con vịt trời đó giống tính của mẹ nó, ương bướng gan lỳ khó dạy. Mà thôi, chuyện nhà anh, anh tự biết sắp xếp, anh nói sao em nghe vậy là tốt thôi.
Anh nhắm mắt ngồi im và bắt đầu ngáy to theo từng nhịp thở. Chị nhìn quanh ái ngại, chạm khẽ cho anh tỉnh giấc, rồi tiếng ngáy của anh lại vang lên, tăng dần, tăng dần. Trước, tiếng ngáy của anh, chị nghe thú vị. Giờ, cũng tiếng ngáy này, chị thấy ngộp thở… Xe lướt qua những dãy nhà cao thấp nhấp nhô, chị nhìn dòng người chen chúc ngược xuôi đủ màu hỗn tạp. Tự dưng chị nhớ má, chị muốn thăm má. Tiếng anh lơ xe hô to giục giã “Ngã ba Thiên Thọ Lộ có ai xuống hôn?”. Chị giật mình “Có!”. Chị khẽ lách nhẹ qua anh, tay nắm chặt quai chiếc giỏ bước xuống xe. Xe chạy, chị kịp thấy đầu anh ngả quặt quẹo lờ đờ. Bước đi vội vã, chị cúi gằm che những giọt nước mắt tuôn thành dòng không kịp vuốt.
Có một mối tình vừa tan vỡ...
H.N