Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ai “giải cứu” Vườn cò Giếng Mạch
Thứ sáu: 09:30 ngày 29/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc vườn cò xuất hiện ở trung tâm TP.Tây Ninh là một ngoại lệ rất đặc biệt về sinh thái lẫn du lịch. Tiếc là vườn cò đã tồn tại gần 15 năm nay ở khu vực Giếng Mạch đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Vườn cò từ lâu được xem như những điểm nhấn có sức thu hút đặc biệt của du lịch - ngành công nghiệp không khói ở vùng đất chín rồng cò bay thẳng cánh. Đặc điểm chung nhất của những vườn cò được nhiều người biết đến này là thường cách khá xa trung tâm thành phố. Vườn cò Thới Bình cách thành phố Cà Mau 30 km, vườn cò Tháp Mười cách thành phố Cao Lãnh 35 cây số, vườn cò Bằng Lăng ấp Thới An, phường Thuận An, quận Thốt Nốt cách thành phố Cần Thơ đến 60km.

Do vậy, việc vườn cò xuất hiện ở một tỉnh miền Đông Nam bộ nắng cháy da người như Tây Ninh và lại chỉ cách trung tâm thành phố chưa đến 5 phút đạp xe là một ngoại lệ rất đặc biệt về sinh thái lẫn du lịch. Tiếc là vườn cò đã tồn tại gần 15 năm nay ở khu Giếng Mạch đang đứng trước nguy cơ biến mất.     

Nỗi lòng ông chủ vườn cò

Ông Hà Huyền Mộng, 64 tuổi, chủ vườn cò khu Giếng Mạch thuộc khu phố 4, phường 3 thành phố Tây Ninh không giấu được sự xót xa khi quyết định chuyển nhượng toàn bộ diện tích đám tràm nước rộng 6.000m2, nơi trú ngụ hằng đêm của hơn 5.000 cá thể các lại cò ruồi, cò ma, cò trắng, cổ rắn, ốc cao, chằng nghịch, sáo sậu, sáo bò, sáo trâu…

Đàn cò bay về vườn tràm mỗi khi chiều xuống. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Ông ngồi bệt dưới sàn nhà, vừa cắt mấy cái chụp đèn bằng nhôm, vừa chỉ tay ra khoảnh sân trước nhà, nói: “Cách đây mấy năm, lãnh đạo thành phố Tây Ninh là ông Tư Đúng (Trương Văn Đúng- nguyên Bí thư Thị uỷ), với ông Năm Quang (Nguyễn Hồng Quang - nguyên Chủ tịch UBND Thị xã) xuống đây ngồi với tui một buổi chiều.

Ông Tư Đúng nói, cò nhiều vầy thì tại sao mình phải xuống Cà Mau, Đồng Tháp xem cò làm gì cho xa. Mấy chỗ đó, cò nhiều mà rừng lại rộng nên coi đâu có đã, còn mình có nửa mẫu mà đậu tới hàng ngàn con. Sau đó, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường lại dẫn đoàn khách người Úc xuống hỏi thăm chi phí mua đất, trồng tràm, công lao chăm sóc bảo quản…

Tui nói công bảo quản là của tui, không có mướn nên không nói được. Còn đất thì rẻ, nửa ha có 6 lượng vàng, 3.000 cây tràm giống cũng không bao nhiêu. Khi lớn, tỉa bớt bán lấy tiền để xoay xở cũng được. Họ nói, nếu nhà nước có kế hoạch bảo tồn vườn cò này thì họ sẽ hỗ trợ chi phí để quản lý, giữ gìn. Sau đợt đó, lãnh đạo Thành phố lại kéo xuống nhà, lần này ngoài ông Tư (Đúng) và ông Năm (Quang) còn có quản lý đô thị, bí thư, chủ tịch, nông hội, phụ nữ, địa chính phường 3, địa chính thị xã – lúc đó chưa lên Thành phố, chỉ đạo rõ ràng: Giờ cái này là vườn, anh đừng phá cảnh quan, xây cất thì thấp thấp chen lẫn với vườn cây thì được. Sau lần này, kiểm lâm cũng đặt bảng cấm săn bắn động vật hoang dã ngay khu vườn cò. Lâu lâu, mấy ông lãnh đạo xuống “bơm” tinh thần: Vườn cò của anh đặc biệt lắm. Vườn ngoài ruộng ngoài đồng thiếu gì mà vườn ở trong thành phố như của anh nó hiếm lắm. Trong đô thị mà cách đại lộ Ba mươi tháng Tư khoảng 200m thôi. Ông ráng giữ để anh em tụi tui coi cách nào phát triển.

Thú thật, gia đình tui cũng mong có sự quan tâm cụ thể của chính quyền để có thể duy trì được chỗ về của bầy cò. Mặc dù, mỗi khi chúng về, ồn ào đến mức… nhức cả đầu, mùi phân rất khó chịu, nhưng chiều chiều, nhìn lên trời chưa thấy có đám cò nào bay về, vợ chồng tui đứng ngồi không yên. Giờ tui cạn lực rồi, mà gia đình tui không thể hốt phân cò rớt, lượm lông cò rơi để trang trải cuộc sống đang ngày càng khó khăn. Nói để anh em hiểu, vườn cò tui vừa bán, đem tiền gởi vô ngân hàng, hàng tháng lãnh lãi khoảng 33 triệu. Số tiền này, vợ chồng tui sống khỏe. Bán vườn cò vợ chồng xót ruột lắm. Chiều chiều vợ chồng ra ngồi trước sân ngắm cò mà tiếc. Nhưng nghĩ lại, không có cò thì cũng không ai chết, mà không có tiền thì tụi tui chết!”.

Ông Mộng cho biết thêm, cách đây hai tháng, ông đã chuyển nhượng vườn cò cho hai chủ mới, tiền cũng đã trao tay. Theo kế hoạch, sang năm (2020) nếu không gì thay đổi, họ sẽ xây dựng một ngôi nhà ở đây với thiết kế: Phía trước xây cái hồ nuôi cá. Phía sau, cắt bỏ đám tràm hiện tại (nơi mà cò đậu mỗi đêm) để lên liếp trồng cây kiểng.

Không bao lâu nữa, những hình ảnh thơ mộng, thanh bình như thế này giữa lòng thành phố sẽ biến mất- Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Căn nhà đó, tính ra không phải là nơi ở thường xuyên, và cũng chỉ là nơi nghỉ ngơi chốc lát của vài ba người, thế nhưng, điều đó sẽ khiến hàng ngàn con cò không còn chỗ bay về mỗi khi chiều xuống. Và thành phố Tây Ninh dần dần sẽ vắng bóng một loài chim vốn rất gần gũi với tình cảm con người. Liệu có đáng không?    

Ai “giải cứu” vườn cò?

Năm 2010, theo lời mời của UBND Thị xã Tây Ninh, Công ty tư vấn Hansen Partnership Pty Ltd (Australia) đã đề xuất định hướng xây dựng quy hoạch phát triển thị xã Tây Ninh trở thành đô thị sinh thái bền vững kết hợp phát triển dịch vụ - du lịch do đặc thù, quỹ đất và môi trường khá phù hợp. Theo đó, trong khu vực Thị xã, một số nơi sẵn có rừng hoặc đang sản xuất nông nghiệp sẽ được quy hoạch bảo tồn. Đồng thời cũng có quy hoạch phát triển thêm một số khu vực trồng rừng đô thị để tăng cường “màu xanh” trong đô thị theo định hướng bố trí không gian xanh xen lẫn đô thị.

Năm 2013, trong quyết định “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, các dự án du lịch mang yếu tố sinh thái đều thuộc diện ưu tiên đầu tư. Những năm đó, nửa mẫu tràm ở khu Giếng Mạch của ông Mộng, mỗi ngày đã có trên 2.000 cá thể chim cò từ bốn phương tám hướng chấp chới bay về vùng trời thanh bình này để nghỉ qua đêm. Hiện tượng này không chỉ khẳng định Thị xã Tây Ninh thực sự là vùng đất lành mà còn là nơi thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh, văn nghệ sĩ và cả lãnh đạo Thị xã lúc bấy giờ - mà theo ông Mộng là “mấy ổng xuống ngồi đầy sân…”

“Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, thành phố Tây Ninh được định hướng phát triển thành đô thị du lịch xanh, là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch đến Tây Ninh. Việc bảo vệ và giữ lại đàn cò tại khu vực phường 3, thành phố Tây Ninh là rất cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển thành phố xanh, nơi đây có thể phát triển thành điểm du lịch sinh thái độc đáo, thu thút du khách đến với thành phố Tây Ninh.

Về góc độ phát triển du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị thành phố Tây Ninh nhanh chóng có giải pháp bảo vệ đàn cò và xây dựng nơi đây trở thành điểm đến cho khách du lịch trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Thái Bình Dương- Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý du lịch Sở VHTT& DL Tây Ninh

Nhưng giờ đây, khả năng biến mất tài sản quý giá này chỉ là chuyện một sớm, một chiều. “Chủ cũ vì cơm áo gạo tiền đành bán đi, còn chủ mới phải là người có tình yêu thiên nhiên, xem đó như là một phần cuộc sống văn hoá, tinh thần, người ta mới bỏ tiền tỷ ra để giữ gìn. Cho nên, theo tôi, muốn “giải cứu” kịp thời, chỉ có nguồn lực nhà nước mới giải quyết được, với quy mô hai, ba hecta là vừa”.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Bí thư Huyện ủy Tân Châu, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, từng là Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá 11 đánh giá: “Vườn cò trong thành phố là tài sản quý giá, nó không chỉ đơn giản là nơi sinh sống của đàn cò mà nơi đó còn xứng đáng là một công viên đặc biệt để mọi người có thể mỗi buổi chiều có thể nhìn thấy những cánh cò bay ngang bầu trời thành phố, nó là sinh cảnh, là văn hoá, là một chút gì thiên nhiên hoang dã trong quá trình đô thị hoá mà chúng ta còn giữ được”.

Dù trời tối, ông Mộng vẫn đưa tôi ra phía ngoài vườn cò rồi chỉ tay về phía 5-6 ha đất bạc màu nằm phía sau và gần như bỏ trống từ nhiều năm nay, rồi nói: “Chỉ cần lãnh đạo Thành phố có tâm “sinh thái” thực sự, thì việc “giải cứu” và bảo tồn “tài sản quý giá” này trong tầm tay chứ có khó gì đâu”.

Nguyễn Thiện

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục