BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ám ảnh bạo lực học đường 

Cập nhật ngày: 25/12/2017 - 06:02

BTN - Chỉ cần một cú click chuột vào Google với từ khoá “bạo lực học đường”, trong 0,28 giây đã cho hơn 1.031.332 kết quả, hoặc vào youtube- trong vòng 0,21 giây đã thấy tới 60.900 video các vụ bạo lực học đường kinh hoàng. Qua những con số, chúng ta thấy tính chất nguy cấp của vấn đề.

Học sinh một trường THPT trên địa bàn tỉnh (ảnh minh hoạ).

Bạo lực học đường là không mới, nhưng nó luôn là vấn đề nóng đối với xã hội và gây sự chú ý của dư luận. Nhất là từ khi mạng xã hội xuất hiện, như tiếp thêm “chất kích thích” cho một bộ phận học sinh xốc nổi, thích thiên hạ chú ý đến mình. Trước nỗi lo về vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng và “trẻ hoá”, các ngành, các cấp, nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phối hợp đồng bộ tìm ra “phương thuốc” hữu hiệu để chữa “căn bệnh” này.

Chỉ cần một cú click chuột vào Google với từ khoá “bạo lực học đường”, trong 0,28 giây đã cho hơn 1.031.332 kết quả, hoặc vào youtube- trong vòng 0,21 giây đã thấy tới 60.900 video các vụ bạo lực học đường kinh hoàng. Qua những con số, chúng ta thấy tính chất nguy cấp của vấn đề.

Bị “cô lập” từ bậc tiểu học

Em Long, học (HS) lớp 5 một trường tiểu học bán trú tại TP.Tây Ninh kể, trong lớp có bạn Vinh rất hiền lành, ít nói nên cứ bị bạn Khoa chọc ghẹo, thậm chí đánh nhiều lần, kể cả trong phòng nghỉ trưa. Vậy mà bạn Vinh không dám mách với ai, vì trong lớp ít có người chơi với bạn ấy, có khi bạn ấy chỉ chơi một mình. Em Long nói: “Từ đầu năm học đến giờ, bạn Vinh đã bị bạn Khoa đánh mấy lần. Có lần, bạn Khoa dùng cả dao rọc giấy đánh lên vai bạn Vinh”.

Chị Thoa, ngụ P.2, TP.TN- mẹ em Vinh tâm sự, từ đầu năm học, chị rất đau lòng khi nghe Vinh kể chuyện bị bạn Chí bắt nạt, và gần như con chị bị cô lập với bạn bè trong lớp. Thậm chí, khi mách với thầy cô, em chỉ được trả lời qua loa rồi chuyện đâu lại vào đấy! Mới đây, sau buổi học, thấy con trai bị đau ở vai, hỏi ra chị mới biết là Vinh bị Khoa đánh bằng dao rọc giấy.

Chị liền gặp GVCN và yêu cầu kiểm tra cặp em Khoa. Em này cương quyết không nhận mình đã đánh Vinh, còn con dao trong cặp, Khoa nói chỉ dùng để rọc giấy. Đến khi nhiều HS khác xác nhận, em này mới chịu nhận lỗi. Chị Thoa cho biết, chính vì bị cô lập, con chị trở nên nhút nhát, không dám chia sẻ với ai, phải dỗ dành mãi cháu mới chịu nói ra. Tình trạng này tái diễn nên chị xin chuyển con sang học lớp khác để cháu có môi trường học tập tốt hơn. “Nhiều lúc, tôi không thể an tâm khi gửi con trong trường học. Mỗi khi ra khỏi nhà, tôi lại canh cánh lo âu. Thấy những đứa trẻ khác bị bắt nạt, tim tôi đã quặn thắt, huống hồ chi là con mình!”- chị Thoa nghẹn ngào nói.

Một phụ huynh khác ngụ P3, TP.TN cũng bày tỏ bức xúc khi phải quyết định chuyển con trai anh sang lớp học khác. Theo anh, bởi vì sự ích kỷ của những đứa trẻ cùng lớp, nên cháu Phúc bị “cô lập” suốt một thời gian dài, trong khi cháu không nhận được sự quan tâm đúng mức của thầy cô giáo. Sang lớp mới, mặc dù có bạn mới, thân thiện hơn, tâm lý con anh trở lại bình thường, tự tin hơn với bản thân và các mối quan hệ, nhưng khi nhắc đến các bạn cũ, Phúc liền có phản ứng.

Phụ huynh này cho biết thêm: “Chính thầy cô và nhà trường thiếu quan tâm đến những hành vi tẩy chay của HS mình. Khi nào phát hiện sự vụ, cha mẹ lại là người giải quyết, hoặc làm ầm ĩ, hoặc đưa con sang môi trường khác. Phải chi hiện tượng này khi mới nhen nhóm, thầy cô giáo phát hiện kịp thời để có thể ngăn chặn thì sẽ không đến nỗi!”.

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Dung- nguyên giảng viên Trường CĐSP Tây Ninh nhận định, tình trạng “tẩy chay” hay “cô lập” trong lớp học cũng là một dạng bắt nạt. Thường những em có tính cách khác biệt sẽ dễ bị bắt nạt hơn. Mỗi lần như vậy, các em lại không dám kể với ai, kể cả cha mẹ, thầy cô giáo, bởi nếu kể ra sẽ càng bị bắt nạt nhiều hơn. Có những em vì sợ mà sinh bệnh. Chính vì vậy, người lớn biết chuyện cần phải có sự can thiệp thật khéo léo để các em bày tỏ những suy nghĩ, nỗi sợ hãi của mình. “Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường. Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và tâm - sinh lý của các em, và nên dặn con nếu bị bắt nạt, cần báo ngay cho cha mẹ và nhà trường để kịp thời phối hợp ngăn chặn”- Tiến sĩ Dung nói.

QUAY CLIP “DẰN” MẶT BẠN

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội (MXH) Facebook xuất hiện đoạn clip một nữ sinh dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu bạn học ngay trong lớp. Đoạn video clip chỉ dài 20 giây, xung quanh có nhiều học sinh khác đứng nhìn, quay phim. Cuối cùng cũng có một bạn nữ đến can ngăn hành động này. Khi video clip lan truyền trên MXH cùng nhiều lượt chia sẻ, bình luận, cộng đồng mạng đều cho rằng người đánh bạn tên Hồng, người bị đánh là Nhi, cả hai đều là HS lớp 11A Trường THPT Trần Đại Nghĩa (P3, TP.Tây Ninh).

Thoạt đầu, người xem clip có thể có cái nhìn khác biệt và phê phán hành động của em Hồng. Nhưng, nếu có điều kiện tiếp cận, xâu chuỗi lại từng chi tiết, gặp gỡ “nhân vật chính” với cái nhìn khách quan, tỉnh táo hơn, có lẽ, hành động của các em đáng suy nghĩ, cảm thông hơn đáng trách.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cũng xác nhận, người trong đoạn clip trên là HS của trường. Sự việc này cũng đã được Hội đồng kỷ luật xử lý bằng hình thức cảnh cáo, em Hồng đã viết bản tường trình và cam kết không tái phạm. Bà Loan cho biết thêm, trước đó, em Hồng đã bị nhóm bạn của Nhi vây đánh tại cổng trường. “Clip trích xuất từ camera quan sát của trường đã ghi lại vụ việc em Hồng bị nhóm 5 thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu, vào người ngay sau giờ tan học!”- bà Loan khẳng định.

Các HS cùng lớp với Nhi cho rằng, vụ việc do em này “sắp đặt”, lên kế hoạch từ trước. Theo lời kể, Hồng là người ít nói, Nhi cũng vậy, ít hoà đồng với bạn bè. “Việc quay clip đều do chủ ý của Nhi. Bạn ấy đã biết trước thể nào Hồng cũng đến đánh, vì vậy, Nhi đã dặn các bạn trong lớp không được ngăn cản, quay lại clip để “dạy” cho Hồng một bài học!”.

Chỉ vì “lời qua tiếng lại” với nhau trong một buổi học thêm, hai ngày sau, Hồng bị nhóm 5 thanh niên mặc đồng phục Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh (Trường Cơ điện Việt Xô cũ) dùng mũ bảo hiểm xông vào đánh tới tấp, khiến em ngã lăn xuống đất, bị xây xát phần đầu và tay, chân. Em Hồng kể: “Khi em vừa bước ra cổng trường thì bị nhóm 5 thanh niên đánh tới tấp, trong đó có Lộc là “người yêu” của Nhi, các bạn ấy đều mặc đồng phục Trường Cơ điện Việt Xô!”. Rồi, cũng vì “lời qua tiếng lại”, chiều cùng ngày, Hồng dùng mũ bảo hiểm đánh Nhi trong lớp học. “Nhà trường đã yêu cầu em viết bản kiểm điểm về hành vi sai trái của mình. Em biết mình sai nên đã nhiều lần xin lỗi Nhi trước nhà trường và hứa không tái phạm. Em không muốn bị đuổi học. Em thành thật xin lỗi!”- Hồng buồn bã nói.

Ông Lê Phước Mỹ- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, Hội đồng kỷ luật đã xử lý vụ việc theo hướng cảnh cáo, giáo dục và đề nghị Đoàn Thanh niên trường giám sát, theo dõi và rèn luyện thêm để 2 em khắc phục những lỗi đã vi phạm cho đến kết thúc năm học”.

Theo tìm hiểu, Hồng là một HS có cá tính mạnh mẽ, giỏi thể thao, đặc biệt là võ Teakwondo. Đối với bạn bè trong lớp, Hồng luôn nhiệt tình giúp đỡ khi cần. Đối với thầy cô, em luôn lễ phép và biết kính trọng người lớn hơn mình. Còn cha mẹ Nhi khá nghiêm khắc trong vấn đề dạy dỗ con cái. Ở trường, em là người năng nổ trong các hoạt động văn hoá văn nghệ, ở nhà luôn là đứa con ngoan hiền của gia đình.

Sau khi thấy đoạn video clip con gái mình bị đánh trên MXH, mặc dù ông Phú (ngụ thị trấn Châu Thành) rất bức xúc về cách giải quyết “chưa thoả đáng” của BGH trường, nhưng ông cũng đồng tình với cách xử lý “không đuổi học” em Hồng. Ông cho biết: “Nhà trường không nên đuổi học em Hồng, mà phải giữ lại trường để giáo dục, răn đe không chỉ riêng Hồng mà cả với những học sinh khác”.

Bạo lực lây lan

Hai nữ sinh Hồng và Nhi chỉ là “nạn nhân” của vấn nạn “bạo lực học đường”. Căn bệnh này thực sự đang “lây lan” ra ngoài xã hội, “di căn” từng ngõ ngách, và thậm chí, ngay trong gia đình, nơi tưởng chừng an toàn nhất.

Đơn cử vụ việc của em Ngân (14 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) bị nhóm 4 bạn nữ dùng tay, chân đánh tới tấp trong vườn cao su, sau đó cởi áo em để bêu xấu và làm nhục bằng cách quay phim tung lên MXH. Thậm chí, em Ngân còn bị đe doạ sẽ bị đánh tiếp nếu kể cho ai biết vụ việc. Nguyên nhân được xác định chỉ vì “ghen”.

Hay cách đây vài tuần là vụ một nhóm côn đồ đánh em Khánh (13 tuổi, ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) một cách dã man rồi dùng mã tấu chặt ngón út bên tay trái Khánh. “Hung thủ” tên là Hưng chỉ mới 15 tuổi. Nguyên nhân vì Hưng nghi ngờ Khánh cố tình “giấu” bạn gái mình. Cảnh tượng hãi hùng này được ghi lại bởi Ngọc- một cô gái 20 tuổi sau màn tra khảo man rợ, với sự “cổ vũ, hò reo” của các thanh thiếu niên khác.

Nhóm đối tượng sau đó đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Tây Ninh bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Điều đáng nói, hành động của các em diễn ra tại nhà riêng của bà Phương (61 tuổi, ngụ phường IV, TP. Tây Ninh). Hỏi ra mới biết, bà Phương thường xuyên đi vắng, nên tin tưởng giao nhà cho Ngọc trông coi. Cũng từ đây, Ngọc thường xuyên rủ rê bạn bè tổ chức ăn nhậu, ca hát, nhảy múa và gây án ngay tại nhà. Đến khi sự việc xảy ra, bà Phương mới vỡ lẽ.

Gần đây nhất, tại nội ô Toà thánh Tây Ninh (huyện Hoà Thành), Phúc (20 tuổi, ngụ xã Bàu Năng, huyện DMC) bị 4 thanh niên dùng cây sắt đánh vào đầu và lưng tới mức phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân chỉ là vài lời nói “không thuận tình” của Yến (17 tuổi, bạn gái của Phúc) dẫn đến Phúc bị nhóm bạn khác của Yến đánh “hội đồng”. Điều đáng lo ngại hơn, 2 trong số các thanh niên hung hăng này vừa bước qua tuổi 16.

Trẻ em vui chơi trong sân trường (ảnh minh hoạ).

Thay lời kết

Bạo lực học đường dường như ngày càng nhiều. Ban đầu là nhóm sinh viên, sau đến HS cấp THPT, THCS, giờ xuất hiện tình trạng “cô lập” bạn nhỏ ở tuổi tiểu học. Nhiều câu hỏi được đặt ra với người có trách nhiệm, họ cảm thấy như thế nào trước sự việc này, đã có ai hay ngành nào có thể “bắt mạch” đúng căn bệnh này chưa? Hay chỉ giật mình tự hỏi: “Tại sao lại xảy ra như vậy?”, “Làm cách nào để chấm dứt?”, “Xử lý các đối tượng này như thế nào?”… 

Ở vụ em Hồng, nhiều HS trong và ngoài trường đã lên tiếng, đề nghị “đuổi học” các bạn có hành vi bạo lực. Tuy nhiên, theo ông Lê Phước Mỹ- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quan điểm của trường là giáo dục cả về kiến thức và nhận thức.

Vì vậy, nhà trường mong muốn các HS hiểu đúng và đủ ý nghĩa về sự chia sẻ, về tình cảm thầy - trò, quan hệ giữa bạn bè cùng trang lứa. Thực tế cho thấy, từ vấn đề tưởng chừng như... trẻ con này, đã có khá nhiều HS trở thành tội phạm vị thành niên, gây hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội, chưa kể đến những hệ luỵ lâu dài đối với các em.

Ông khẳng định: “Sai phạm của em Hồng là đáng trách, nếu nhà trường áp dụng hình thức “đuổi học”, đồng nghĩa với việc “loại bỏ” hay đẩy em vào một môi trường khác, đó là một thất bại cho chính môi trường giáo dục của mình”.

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Dung nhận định, chúng ta khoan đổ lỗi cho nhà trường và xã hội, mà trước hết hãy nói đến môi trường giáo dục trong gia đình của các em. Đây là điều tiên quyết để ngăn chặn tình trạng bạo lực đang bị “trẻ hoá”. Cha mẹ không thể phó mặc con cái cho nhà trường. Thay vì miệt mài với công việc mưu sinh, cha mẹ nên nhìn lại và dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con cái, đừng tạo khoảng cách, mà hãy là người “bạn” thay vì ra lệnh, tỏ uy quyền.

Bên cạnh đó, hãy để con trẻ “nói” lên những thắc mắc, suy nghĩ của mình, có như vậy, các em mới thật sự tin tưởng và giãi bày tâm sự với cha mẹ. Tiến sĩ Dung khẳng định: “Một khi con trẻ không dám thổ lộ với cha mẹ, đó là một thất bại lớn, vì chính cha mẹ cũng không thể hiểu con cái của mình”.

Tâm Giang

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.


 
Liên kết hữu ích