BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài dự thi phóng sự, ký sự:

Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng 

Cập nhật ngày: 25/08/2017 - 05:47

BTN - Nhà vệ sinh đọng nước, hôi hám, bồn cầu cáu bẩn, rong rêu, bàn cầu in dấu đế giày dép, có nơi không thể sử dụng được đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người khi bất đắc dĩ phải vào một số nhà vệ sinh công cộng ở các chợ, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, thậm chí ở một vài trụ sở cơ quan Nhà nước.

Nhà vệ sinh trong công viên 29.4 đã xuống cấp.

NHÀ VỆ SINH Ở CHỢ: VỪA THIẾU VỪA BẨN

Chợ là nơi giao thương, buôn bán trong khu dân cư nên luôn cần đến những nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thế nhưng, qua khảo sát tại một số địa phương, nhà vệ sinh trong các khu chợ thường nhếch nhác hơn những nơi khác. Nguyên nhân chính là do hầu hết đều xây dựng lâu, xuống cấp, lại thiếu người quản lý, trông coi nên trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi chợ.

Điển hình như chợ Cầu Long Thuận (xã Long Thuận, huyện Bến Cầu). Chợ có diện tích khoảng 3.000m2 với hơn 100 tiểu thương buôn bán. Hơn một năm nay, nhà vệ sinh ở đây không thể sử dụng được vì nghẹt hầm cầu. Nơi làm việc của Ban quản lý chợ liền sát khu nhà vệ sinh cũng bị bỏ hoang, không ai lai vãng vì mùi hôi thối.

Chị Loan, một tiểu thương bán cá cho biết, trước kia, nhà vệ sinh của chợ có người quản lý, vẫn xài tốt. Sau đó Ban quản lý chợ không cho đấu thầu, từ đó nhà vệ sinh không ai trông coi, được mấy hôm thì hư luôn.

Hiện tại, khi có “nhu cầu”, ai nhà gần thì chạy về, hoặc xin đi nhờ những hộ xung quanh, nhưng chỉ thân quen mới được cho “đi ké”. Đa số ra bãi rác sau chợ để “giải quyết”. “Bất tiện và hôi thối lắm, nhưng cũng phải chịu. Cũng mong địa phương làm sao cho có nhà vệ sinh chứ để vầy hoài, khổ lắm”, chị Hạnh - một tiểu thương bán rau nói.

Xã Long Thuận được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Thông- Chủ tịch UBND xã Long Thuận, xã vẫn còn đang “nợ” tiêu chí về môi trường, trong đó có vấn đề môi trường ở chợ Cầu. Huyện cũng đã có kế hoạch nâng cấp, xây dựng lại chợ và khu vực nhà vệ sinh, nhưng… chưa biết bao giờ thực hiện.

Nhà vệ sinh tại Chợ phường 3 (thành phố Tây Ninh) xây dựng từ năm 1993, đến nay cũng đã xuống cấp rất nhiều. Nhà vệ sinh được xây dựng theo kiểu cũ với các bệ ngồi xổm, cửa phòng cũ kỹ, gỉ sét. Nơi chứa nước dùng chung là bồn xi măng cao đóng nhiều rêu xanh. Một khoảng trống bên trong được một số tiểu thương dùng để cất đồ càng khiến cho nhà vệ sinh thêm chật hẹp.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc (58 tuổi)- hợp đồng với Ban quản lý chợ phường 3 trông coi nhà vệ sinh công cộng nhiều năm qua, nhà vệ sinh xuống cấp nên rất ít khi người đi chợ bước vào, hầu như chỉ phục vụ các tiểu thương.

Vào mùa mưa, nhà vệ sinh thường bị nghẹt nên bà phải thường xuyên thuê người rút hầm cầu rất tốn kém trong khi số tiền thu được từ người đi vệ sinh rất ít. Do nhà vệ sinh xuống cấp, không tạo được thiện cảm với người sử dụng nên dù bà Ngọc có kỹ lưỡng thế nào người ta cũng e dè khi nhìn vào hiện trạng của nó. Bà Ngọc mong nhà vệ sinh sớm được sửa chữa, nâng cấp để tạo vẻ mỹ quan, đáp ứng nhu cầu của người dân và tiểu thương.

Giải đáp vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ- Trưởng Ban quản lý chợ phường 3 cho biết, Ban quản lý chợ đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp lại nhà vệ sinh trong năm nay và sẽ triển khai sớm nhất có thể.

Không chỉ có hai khu chợ trên, nhà vệ sinh công cộng ở nhiều chợ khác trên địa bàn tỉnh đều đã xuống cấp, không người trông coi. Một số chợ vẫn chưa được xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Nhất là tại các khu chợ tạm, chợ tự phát.

NHÀ VỆ SINH Ở CÔNG VIÊN, SIÊU THỊ XUỐNG CẤP NHANH

Không chỉ chợ mà các siêu thị cũng đang đối mặt với tình trạng nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, dù mới được xây dựng cách nay vài năm. Khác với các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, siêu thị như Co.opMart, Auchan tại thành phố Tây Ninh đều rất chú trọng khu vực nhà vệ sinh vì có sạch sẽ, bảo đảm mới đáp ứng được nhu cầu, làm vừa lòng khách hàng.

Các siêu thị đều có trang bị máy lạnh nên nếu nhà vệ sinh có mùi sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh doanh. Hầu hết các nhà vệ sinh trong siêu thị đều có đội ngũ làm vệ sinh thường xuyên, thế nhưng không phải không có lần nhà vệ sinh bỗng trở nên nhếch nhác, bốc mùi.

Tính đến nay, siêu thị Co.opMart chi nhánh thành phố Tây Ninh đã hoạt động được 6 năm. Thế nhưng, nhà vệ sinh trong siêu thị xuống cấp nhanh đến nỗi Ban giám đốc không thể ngờ tới.

Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart chi nhánh thành phố Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua, không ít lần siêu thị bị khách hàng phản ánh nhà vệ sinh bẩn, nhất là trong những giờ cao điểm đông khách, đội ngũ nhân viên vệ sinh kiểm tra thường xuyên.

Theo ông Bảo, nguyên nhân đầu tiên là do ý thức của người sử dụng. Không ít lần nhân viên vệ sinh phát hiện tình trạng xả giấy vệ sinh bừa bãi trên sàn nhà, thậm chí nhét cả vào bồn cầu. Một số trường hợp còn vô tư mang giày ngồi xổm làm lấm lem bàn cầu, khiến người đi sau không dám dùng.

Do sử dụng sai cách và không có ý thức giữ gìn nên khu nhà vệ sinh của siêu thị xuống cấp thấy rõ. Nhà vệ sinh nữ ở khu trệt siêu thị có 3 phòng nhưng đã bị hư 1. Các phòng còn lại trông cũ kỹ dù được nhân viên vệ sinh chà rửa thường xuyên.

Đã vậy, còn xảy ra tình trạng mất trộm một số vật dụng như đồ gắn giấy, vòi xịt nước, nắp sứ trên bồn nước xả... Tại siêu thị Co.opMart chi nhánh Trảng Bàng, tuy mới xây dựng nhưng khu nhà vệ sinh cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.

Nhà vệ sinh ở các công viên cũng trở thành nỗi ám ảnh cho những ai vui chơi tại địa điểm sinh hoạt cộng đồng này. Tại công viên 29.4 (huyện Trảng Bàng), khu nhà vệ sinh thường xuyên trong tình trạng nặng mùi, các trang thiết bị bị hư hỏng và ố màu, có 1 phòng bị hư không sử dụng được, nắp bồn cầu ngồi bị bể.

Ông Nguyễn Văn Bạo, người quản lý vệ sinh công viên 29.4 cho biết, ông được thuê giữ gìn vệ sinh cho cả công viên từ khi thành lập đến nay. Mỗi ngày, ông dọn dẹp nhà vệ sinh 3 lần vào các buổi sáng, trưa và tối. Thế nhưng vừa mới dọn xong lại bị bẩn do người sử dụng thiếu ý thức, đi không dội nước, bỏ giấy vệ sinh xuống bồn cầu…

Tại đây, người đi vệ sinh không cần trả tiền mà tuỳ hỉ quyên góp vào một thùng tiền đặt sẵn trước nhà vệ sinh. Mỗi tháng, thùng tiền chỉ quyên góp được khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Số tiền này được ông Bạo dùng để mua các chất tẩy rửa hoặc tu sửa những chỗ hư hỏng nhỏ. Khi hư hỏng nặng, nhà vệ sinh không thể sử dụng được nữa, ông phải kiến nghị với UBND thị trấn Trảng Bàng đề xuất lên UBND huyện hỗ trợ kinh phí.

BIỆN PHÁP NÀO ĐỂ NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG LUÔN SẠCH ?

Nhà vệ sinh công cộng còn được xem là thước đo về nền văn minh của một quốc gia, một địa phương. Ở bất kỳ nơi đâu, nhà vệ sinh sạch sẽ cũng dễ dàng tạo được thiện cảm với người sử dụng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Tại các quốc gia phát triển, nhà vệ sinh được trang bị hiện đại và luôn trong tình trạng sạch sẽ để đón khách. Đó cũng là một cách để giới thiệu đến bè bạn quốc tế về nền văn minh và nếp sống văn hoá của đất nước mình.

Nhằm chấn chỉnh và củng cố các nhà vệ sinh công cộng để phục vụ người dân trong tỉnh và khách tham quan, tháng 2.2017, Sở Công Thương có văn bản về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh công cộng; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Sở Công Thương đề nghị Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố, các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị thường xuyên tuyên truyền vận động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về nhà vệ sinh tại các trạm dừng chân, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cấp 1, cấp 2 trên địa bàn tỉnh; công trình nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

Trong đó, các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị phải luôn bảo đảm sạch sẽ, gọn gàng. Đối với các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị chưa có nhà vệ sinh công cộng, phải thiết kế bổ sung xây dựng, bố trí ở những nơi dễ quan sát, sử dụng...

Tuy nhiên, quản lý, kiểm tra và chăm sóc nhà vệ sinh là một việc, điều quan trọng hơn lại bắt đầu từ ý thức của mỗi người. Một nhà vệ sinh dù có hiện đại đến mấy, nhưng người sử dụng thiếu ý thức cũng khó bảo đảm chúng luôn “sạch và gọn”.  

Lê Thuỳ - Ngọc Diêu

Tình trạng nhà vệ sinh bẩn cũng xuất hiện tại một số trụ sở cơ quan, UBND cấp xã và được người dân phản ánh. Ví dụ như nhà vệ sinh tại trụ sở UBND xã Tân Đông (Tân Châu). Một dạo, người dân phản ánh bồn vệ sinh ở đây đóng đầy rêu xanh, cho thấy một thời gian dài đã không được dọn rửa. Giải thích về tình trạng này, bà Phạm Thị Phương- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông cho biết, do ở cơ quan chỉ có một người phụ trách quét dọn nên đôi lúc không lo được chu đáo.