Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đặc biệt là tiếng còi hơi từ các loại xe container, xe tải, xe khách… mỗi khi “thét” lên đột ngột từ phía sau lưng khiến người đi đường phát khiếp.
Xe container, xe tải lưu thông trên đường (ảnh minh hoạ).
Còi xe là thiết bị giúp cho việc điều khiển các phương tiện tham gia giao thông được thuận tiện và an toàn hơn. Tuy nhiên, lâu nay, có không ít người điều khiển phương tiện sử dụng còi không đúng quy định. Ðặc biệt là tiếng còi hơi từ các loại xe container, xe tải, xe khách… mỗi khi “thét” lên đột ngột từ phía sau lưng khiến người đi đường phát khiếp. Có thể nói, những tiếng còi xe như thế là nỗi ám ảnh đối với mọi người mỗi khi ra đường.
Có thể nói, hiện nay, tình trạng bấm còi xe bừa bãi xảy ra phổ biến ở khắp các tuyến đường trong tỉnh. Ở các ngã ba, ngã tư, tuyến đường lớn hay tại những khu vực cần yên tĩnh như trường học, bệnh viện, công sở… các bác tài vẫn bóp còi “vô tư”. Xét về khía cạnh tích cực, tiếng còi xe là công cụ giúp cho việc điều khiển xe an toàn hơn, nhưng phải ở mức âm lượng nhất định, và phải sử dụng còi khi cần thiết chứ không nên lạm dụng.
Chị Lê Thị Kim Thi, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh chia sẻ, bản thân đã từng hứng chịu hậu quả ù tai bởi những tiếng còi xé tai của các loại xe tải, ben chở đất, đá… Thậm chí vào ban đêm, có nhiều thanh niên lái xe vừa rú ga vừa nhấn còi inh ỏi làm cho nhiều người đi đường một phen hốt hoảng. Chị Thi đề nghị ngành chức năng nên xử lý thật nặng đối với những tài xế bấm còi inh ỏi, vô tội vạ để góp phần làm giảm bớt ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố.
Theo quy định của pháp luật, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Dù vậy, nhiều xe tải, xe ben chở đất, đá và vật liệu xây dựng vẫn cố tình gắn các loại còi hơi, còi kích âm vượt ngưỡng cho phép. Ðiều này không chỉ vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông.
Nghị định 46/2016/NÐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông quy định, đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định, bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; bị tịch thu còi vượt quá âm lượng; bị buộc phải lắp còi có âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật.
Ðối với người điều khiển xe mô tô sử dụng còi vượt quá âm lượng cho phép, hành vi bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. Có hành vi bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư và xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định. Có hành vi sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; bị tịch thu còi.
Dù việc lạm dụng còi xe có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại, nhưng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, họ rất khó xử phạt. Bởi lẽ, hiện CSGT chưa có phương tiện hỗ trợ để đo âm lượng của tiếng còi.
Trước tình hình đó, để ngăn chặn tình trạng lạm dụng còi ô tô, xe máy có âm lượng quá to gây phiền toái cho người khác, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm trang bị phương tiện đo âm lượng còi xe cho CSGT để phục vụ công tác tuần tra kiểm soát.
THIÊN DI