Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ấm áp mùa đại lễ
Chủ nhật: 14:39 ngày 01/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 29.9 (nhằm ngày 15.8) Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh tổ chức khai mạc đại lễ Hội yến Diêu Trì cung.

Đầu sư Thượng Tám Thanh- Chưởng quản Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh phát biểu khai mạc đại lễ.

Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung là một trong những Đại lễ quan trọng đối với tín đồ đạo Cao Đài. Không chỉ vậy, những năm gần đây, Hội yến Diêu Trì cung còn trở thành lễ hội của người dân Tây Ninh, thu hút đông đảo người dân từ khắp các nơi về đây chiêm bái, tham quan.

 Năm nay, có 117 gian hàng của các họ đạo trong cả nước về dự đại lễ- đây là nét đặc trưng của đại lễ Hội yến Diêu Trì cung. Đặc biệt, trong đó có sự tham gia của một gian hàng từ họ đạo xã Prek Chrey, huyện Kos Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia). 

Mỗi gian hàng được các tín đồ trong đạo trang trí theo nhiều sắc thái, hình thức khác nhau. Từ bàn tay khéo léo của của các nghệ nhân, những rau, củ, quả, hoa lá, trái cây trở thành những tác phẩm nghệ thuật lung linh, sắc sảo. 117 gian hàng triển lãm là 117 sắc thái riêng, với những đặc sản, bánh, trái cây của từng vùng miền… không khỏi khiến mọi người trầm trồ, thán phục. 

Anh Tăng Ngọc Thế Cường làm ở Xí nghiệp Dược Hậu Giang lần đầu đến dự đại lễ Hội yến Diêu Trì cung. Anh không khỏi choáng ngợp trước những bánh trái, hoa kiểng được dâng cúng tại Báo Ân từ. “Tôi có nhà người quen ở Tây Ninh nhưng đây là lần đầu tiên đi dự lễ tại Toà thánh. Thật sự tôi rất ấn tượng với những gian triển lãm, mọi người quá khéo tay. Và cũng rất bất ngờ với lượng người về đây dự lễ, đông nghịt luôn. Dù không hiểu nhiều ý nghĩa trong đạo, nhưng tôi thấy rất hay, tôi nghĩ năm sau tôi lại đến dự nữa”, anh Cường nói. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong biểu dương những đóng góp tích cực của Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh và toàn đạo trong thời gian qua

Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung năm nay không chỉ thu hút hàng vạn đồng bào tín đồ, mà còn có nhiều đoàn khách tham quan, hành hương từ các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước về tham dự.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, sức hấp dẫn của đại lễ chính là nhờ gốc rễ của đạo Cao Đài hướng về cội nguồn dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị đạo đức không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống. “Đó là sự trân trọng, nâng niu và mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Võ Đức Trong nhấn mạnh. 

Trước khi diễn ra nghi thức đại lễ Hội yến vào lúc 22 giờ là các tiết mục rước cộ bông Đức Phật mẫu và Cửu vị Tiên nương, biểu diễn múa tứ linh, đội nhạc sắc tộc. Đây là phần được mọi người chờ mong và háo hức nhất. Các tiết mục biểu diễn từ Báo Ân từ đến Toà thánh và qua khán đài Đông, khán đài Tây.

Lãnh đạo Quân khu 7, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng Chưởng quản Hội thánh Cao Đài Toà thánh tham quan các gian trưng bày triển lãm

Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã tạo tác nên những tác phẩm nghệ thuật dâng lên Đức Phật mẫu

Các gian hàng triển lãm tại Báo Ân từ đến từ các họ đạo trong nước

Từ 15 giờ, đông đảo các tín đồ đạo Cao Đài, du khách thập phương đã có mặt và xếp hàng chờ đến giờ xem biểu diễn các tiết mục. Chị Huỳnh Thị Thạnh (phường 3, thành phố Tây Ninh) cho biết, dù ở Tây Ninh 30 năm, nhưng chưa lần nào chị được xem biểu diễn rồng nhang. 

“Mấy năm trước mình cũng đi nhưng trễ, bị kẹt xe không vào được. Năm nay mình quyết tâm đi sớm “coi cho bằng được”. Nên từ 3 giờ chiều đã có mặt và ngồi ở sân trước Đền thánh để chờ xem. Là người dân địa phương, thấy bà con từ phương xa về đây mình cũng thấy tự hào lắm, tự hào về nền đạo, về phẩm chất tôn giáo Cao Đài của Tây Ninh mình nhân văn, đạo đức”, chị Thạnh chia sẻ. 

Đông đảo người dân đã đến từ sớm để chờ xem các tiết mục múa múa lân, múa rồng nhang

Các thiếu nhi rước đèn trung thu tại đại lễ.

Nhạc lễ biểu diễn.

Rồng nhang – tiết mục được đón chờ nhiều nhất tại đại lễ.

Cộ bông Đức Phật mẫu và Cửu vị Tiên nương được rước qua Đền thánh.

Chị Trần Thị Gái (An Minh, Kiên Giang) cùng với đồng đạo đi từ ngày 12 âm lịch đến Toà thánh. Chuẩn bị giờ cúng lúc 6 giờ chiều, dù trời đang mưa lâm râm, chị Gái cũng như nhiều đồng đạo khác không ngại, mọi người đã mặc sẵn áo mưa chờ đến giờ hành lễ. “Từ sau dịch đến giờ tôi đi được 2 lần rồi. Tháng Tám là mùa mưa nên đi năm nào cũng mắc mưa, nhưng tôi đi viếng Thầy, viếng Mẹ nên không ngại mưa gió. Tôi luôn tin tưởng Thầy Mẹ sẽ ban hồng ân cho toàn thể nhơn sanh. Lên đây tôi vào Y viện của Toà thánh ở. Những ngày qua, việc ăn uống rồi ngay cả có ai bệnh hoạn cũng được Hội thánh lo hết. Mọi người đi lễ chỉ lo tiền xe đến đây thôi”, chị Gái cười vui chia sẻ.

Một mùa đại lễ kết thúc với nhiều niềm vui và niềm tin về những điều tốt lành đang chờ đón. Trở về với đời thường, mọi người nguyện với lòng sẽ tiếp tục làm những việc nghĩa, sống “tốt đời đẹp đạo” theo lời kêu gọi của Hội thánh, để sang năm tiếp tục mang những thành quả thiện lành dâng lên Phụ Mẫu.

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục