Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ấm lòng trong cơn đại địch
Thứ bảy: 01:05 ngày 25/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với việc tổ chức lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm cầu siêu cho những người tử vong bởi dịch bệnh Covid-19 cũng phần nào an ủi nỗi buồn đau mất mát của thân nhân và gia đình có người lâm nạn.

Chùa Linh Sơn Thanh Lâm ở huyện Gò Dầu.

Gần như một năm nay, cả nước phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Đau lòng nhất là đã có hơn 23.000 đồng bào mất trong cơn đại dịch này, phần lớn là những người lớn tuổi, người có bệnh nền và những người nơi tuyến đầu, trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Từ góc nhìn của Phật giáo, sinh tử vốn vô thường, mới thấy đó mà nay không còn; Covid-19 đã lấy đi người thân của biết bao gia đình để con xa cha mẹ, cháu mất ông bà, vợ chồng ly biệt, ngậm ngùi trước hoàn cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh…

Với lòng thương tưởng đó, nhân kỷ niệm khánh đản đức Phật A Di Đà vào ngày 17.11 năm Tân Sửu (nhằm ngày 20.12.2021), Thượng toạ Thích Huệ Trí tổ chức lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm- một ngôi cổ tự do Hoà thượng Trừng Long thành lập vào năm Ất Sửu (1865) ở làng Thanh Phước, nay thuộc thị trấn huyện Gò Dầu, nhằm cầu siêu cho các hương linh tử vong do dịch bệnh Covid-19 và cầu an cho dịch khí (hiểu là khí độc có thể gây ra bệnh truyền nhiễm) tiêu trừ để chúng sinh được an lạc.

Trong lễ cúng, quang lâm chứng minh và tham dự có Thượng toạ Thích Quảng Thành- trụ trì chùa Linh Sơn (thị xã Trảng Bàng), Thượng toạ Thích Thiện Luận- trụ trì chùa Phước Ân (huyện Gò Dầu), chùa Hoà Long (thị xã Trảng Bàng) và chư tăng trong ban lễ sư tỉnh Tây Ninh, ban nhạc lễ Văn Sang ở huyện Gò Dầu cùng thân nhân những người mất bởi dịch bệnh Covid-19.

Từ trước đó vài hôm, thân nhân những người mất do Covid-19 đã mang tro cốt, bài vị đến gửi để thầy trụ trì Thích Huệ Trí an vị trong Vãng sanh đường (nhà thờ cốt chư hương linh) và ghi bài vị đặt ở ban thờ chư hương linh tử nạn Covid-19, hằng ngày hương khói, cầu nguyện.

Thân nhân của những người mất trong cơn đại dịch quỳ trước ban thờ dâng hương trong nghi thức Tiến linh.

Tuần tự trong chương trình, lễ cúng được cử hành theo các nghi thức Phật giáo cổ truyền, gồm các nghi thức: hưng tác, nhập tịch, thượng phan, khai kinh đàn, cúng ngọ, tiến linh (cúng cơm chư hương linh tử nạn Covid-19), khoa nghinh thần chủ và sau cùng là đăng đàn chẩn tế (cầu siêu cho chư hương linh và thập loại cô hồn).

Trong đó, nghi thức hưng tác có ý nghĩa cung thỉnh và báo cáo rõ việc tiến hành lễ cúng đến thành hoàng bổn cảnh cùng các thần linh sở tại. Nghi thức nhập tịch hay còn được hiểu là nghi thức vào đám, khai chung bản, là một nghi thức long trọng của Phật giáo. Nội dung chính của lễ này là làm thủ tục khai tiểu chung, bản, hồng chung, đại cổ, chuông, mõ gia trì và nhạc lễ rồi trỗi ba hồi Bát Nhã thỉnh chư Phật giáng lâm. Nghi thức thượng phan tức treo phan ở trước chùa với ý nghĩa chùa đang tổ chức lễ trai đàn chẩn tế.

Khai kinh đàn là nghi thức tán tụng khai kinh kệ, ban lễ sư đi nhiễu đàn tụng chú Phổ Am nên gọi là “Huân đàn Phổ Am”, dân gian thường gọi là “chạy kinh đàn” hay bị đọc trại âm là “chạy kim đàn”. Theo sau là nghi thức cúng ngọ, tức cúng cơm Phật và phổ đồng cúng dường chư hiền thánh.

Tiến linh là nghi thức cúng cơm chư hương linh tử nạn Covid-19. Tang gia hiếu quyến cùng thân nhân của những người mất trong cơn đại dịch quỳ trước ban thờ dâng hương, dâng trà, dâng cơm lên người thân đã mất trong lời tán tụng của chư tăng để tưởng nhớ, hoài niệm về người đã mất. Có những người trên tay nâng chén cơm, gắp từng miếng thức ăn dâng lên mà không cầm được nước mắt vì thương nhớ.

Nghinh thần chủ là khoa nghi thỉnh đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Chẩn tế là khoa nghi cuối cùng của lễ trai đàn và cũng là khoa nghi quan trọng nhất. Nghi thức này có ý nghĩa phổ đồng cúng dường cho chư hương linh tử nạn Covid-19 cùng thập loại cô hồn, để cô hồn, ngạ quỷ đến pháp hội lễ bái chư Phật, Tiêu Diện đại sĩ, nghe thuyết giới, nhận của bố thí và nương tựa công đức này được siêu thoát.

Chư tổ xưa đặc biệt quan tâm đến việc độ sanh, bằng các phương tiện, tuỳ duyên trên tinh thần nhập thế. Ở Tây Ninh từ xưa đến nay, Phật giáo gắn bó với đại chúng qua hình thức sinh hoạt chủ yếu là ứng phú đạo tràng. Trong ứng phú đạo tràng, từng lời, nghĩa, câu, chữ nói ra đều là sự giải thoát. Các vị sư đã dùng ứng phú đạo tràng làm phương tiện để chia sẻ những vui, buồn cùng nhân dân và tiếp cận các giới rồi từ đó mới lan truyền ý nghĩa của Phật giáo.

Thượng toạ Thích Huệ Trí đọc tên cầu siêu chư hương linh tử nạn trong đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã làm người thân đột ngột ra đi, không kịp nói một lời vĩnh biệt, không tang lễ, không người thân đưa tiễn. Với việc tổ chức lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm cầu siêu cho những người tử vong bởi dịch bệnh Covid-19 cũng phần nào an ủi nỗi buồn đau mất mát của thân nhân và gia đình có người lâm nạn. Qua đây còn nhắn gửi đến mọi người thông điệp: đại dịch đã làm cho chúng ta sống chậm lại, nghĩ về hiện tại nhiều hơn. Hãy hiểu và yêu thương khi còn có thể.

Phí Thành Phát

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục