Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Âm nhạc xoa dịu nỗi đau khiếm khuyết
Thứ sáu: 08:36 ngày 15/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách đây vài năm, tôi có dịp gặp Huỳnh Minh Khang trong một chương trình của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Hoà Thành). Hình ảnh cậu học trò khiếm thị dò dẫm từng bước chân nhưng lại vô cùng linh hoạt khi chơi nhạc khiến tôi không khỏi xúc động và ngưỡng mộ. Kiên trì, chịu khó, đến giờ ước mơ trở thành giáo viên dạy nhạc của Minh Khang dần trở thành hiện thực. Chàng trai này đang là sinh viên năm 3, ngành Sư phạm âm nhạc tại Trường cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Chơi nhạc là khoảnh khắc Minh Khang cảm thấy thư thái nhất.

Trò chuyện mới thấy, dường như âm nhạc đã giúp Khang xoa dịu nỗi đau khiếm khuyết cơ thể. Nhớ lại những ngày đầu đi học xa nhà, bạn chia sẻ: “Ði học xa nhà, mọi thứ xung quanh lạ lẫm lại không có người thân hay bạn bè bên cạnh để giúp đỡ, mình rất lo lắng nhưng cố gắng thích nghi”.

Ðược các cô ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh giới thiệu, Khang có chỗ ăn, chỗ ngủ tại Mái ấm Nhật Hồng. Tại đây, cậu bạn có thêm sự yêu thương từ các soeur và những người bạn có cùng cảnh ngộ, tiếp thêm tinh thần để vượt qua khó khăn, trở ngại.

Những ngày đầu đi học tại ngôi trường mới, mẹ theo Khang tìm xe buýt đến trường, rồi dẫn dắt bạn từng bước đến giảng đường. Chỉ sau vài lần, Khang đã có thể tự đi và làm quen được nhiều bạn bè. Tính tình hiền lành, gần gũi, anh chàng được mọi người xung quanh yêu quý, tận tình giúp đỡ. Từ đó, cuộc sống xa nhà trở nên dễ dàng hơn với Khang.

Ngoài giờ học trên lớp, Khang còn nhiệt tình tham gia hoạt động của một ban nhạc ở trường. Nhờ vào năng khiếu đánh trống jazz, Khang dễ dàng hoà nhập vào ban nhạc và trở thành một thành viên không thể thiếu.

Ban nhạc thường xuyên phục vụ cho các tiết mục diễn thi học kỳ của sinh viên, các lễ khai giảng, tốt nghiệp. Sự góp mặt của Minh Khang giúp cho ban có thêm một tay trống cự phách. Mỗi tiết mục, chàng trai luôn cống hiến hết mình, thoả sức với đam mê và nhận được sự ngưỡng mộ của không ít bạn học.

Khiếm khuyết về mắt bù lại cho Minh Khang một năng khiếu chơi các loại nhạc cụ. Ngoài trống jazz, Khang còn có thể chơi được cajon, guitar và organ. “Mình còn muốn học thêm nhiều loại nhạc cụ nữa, để sau này có thể chỉ dẫn cho các em khiếm thị. Các em thích môn nào mình sẽ dạy môn đó”- Khang tâm sự.

Nói về đam mê đánh trống, Khang chia sẻ, bạn tập tành chơi từ năm 12 tuổi, lúc còn ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh. Khi nghe các anh chị tại Trung tâm chơi trống, bạn cảm thấy rạo rực và cũng lấy đũa gõ theo tiết tấu một cách say mê.

Thấy vậy, mọi người bắt đầu dạy cho Khang những bước cơ bản, rồi nâng cao lên dần. Học chơi trống không hề dễ, bộ môn này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, không chỉ sử dụng linh hoạt đôi tay mà còn phải kết hợp nhịp nhàng với các bộ phận khác của cơ thể. Nhờ sự đam mê và năng khiếu, Minh Khang nhanh chóng tiếp thu và thuần thục. Ðến giờ, tay nghề của cậu bạn có thể nói không thua kém những nhạc công chuyên nghiệp.

Minh Khang (bìa trái) cùng những người bạn học

Ðối với Minh Khang, âm nhạc như một người bạn tri kỷ, bao nhiêu buồn vui trong cuộc sống đều được bạn gửi gắm cả vào đó. Không những chơi giỏi các loại nhạc cụ, Khang còn sở hữu một giọng hát đẹp, đầy cảm xúc. Bạn nói: “Ðối với mình, âm nhạc là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Mỗi ngày không được chơi nhạc, mình cứ cảm thấy bồn chồn. Âm nhạc còn giúp mình thể hiện cảm xúc và cảm nhận được mọi thứ xung quanh qua những giai điệu. Mình từng ước mơ mua được cây guitar, cuối cùng cũng dành dụm mua được, rồi ước mơ học nhạc cũng thành hiện thực. Ðối với mình như thế cũng đủ hạnh phúc, sung sướng rồi”.

Sắp tới, khi tốt nghiệp cao đẳng, Minh Khang dự tính tiếp tục học liên thông đại học để có thể hoàn thành ước mơ dạy nhạc cho trẻ em khuyết tật. Bạn thổ lộ: “Âm nhạc đã giúp mình vượt qua nỗi đau khiếm khuyết, nên mình muốn chia sẻ điều đó với các bạn có cùng cảnh ngộ”.

Hoà Khang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục