BAOTAYNINH.VN trên Google News

Âm thanh của nỗi đau

Cập nhật ngày: 08/07/2018 - 09:02

BTN - Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, sinh năm 1949, quê Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003, giáo viên trường cán bộ Lào-Campuchia, từng đoạt giải Ba cuộc thi thơ lục bát Báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam.

Ðất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta vốn thường xuyên bị giặc ngoại bang xâm lược. Các thế hệ thanh niên thường phải xa nhà, ra chiến trường chống kẻ thù chung. Bởi vậy, cuộc sống của người phụ nữ nơi quê nhà thường xuyên ở trong tình trạng “khách má hồng lắm nỗi truân chuyên”.

Bài thơ Ðêm goá phụ của Nguyễn Thị Ngọc Hà là cảm xúc ghi lại nỗi căm hận ngút trời của người vợ liệt sĩ- người đã hy sinh ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa vào rạng sáng 14.3.1988.

Bài gồm 16 câu trong 4 khổ thơ tự do. Những người phụ nữ của 64 người lính đã trở thành goá phụ chỉ sau một đêm: “Người đàn bà/ trắng đêm không ngủ/ sóng vỗ vô hồi rát đêm goá phụ …”.

Họ làm sao chợp mắt được khi người chồng, người yêu của mình đã hy sinh. Những tiếng sóng biển vỗ vô hồi, liên tục lớp này chồng lên lớp khác như nỗi niềm của những người vợ trông chồng nơi chiến tuyến.

Các chị đã ghìm cơn đau, nỗi căm hờn vào trong. Nhưng nỗi đau ấy khôn cùng, không thể xoá nhoà, không thể quên lãng, mãi mãi tồn tại trong nỗi day dứt: “Người đàn bà ôm nỗi buồn có tên/ cuộn  từng đêm vùi vào trong tóc/ lắng nỗi đau không thể nào nguôi được / nơi kẻ thù đã cướp Gạc Ma”.

Và nỗi nhớ chồng, người yêu của các chị chỉ được chia sẻ, an ủi phần nào khi “đêm mông lung giăng dải ngân hà/ đốm sao nào dập dềnh như mộ gió/thoảng hơi ấm áo chồng đêm goá phụ/ vấn vít hồn thiêng mơ giấc gối chăn”.

Những người lính Gạc Ma đã hy sinh chính là những người con ngoan hiền, hiếu trung nhất của đất mẹ Tổ quốc. Các anh hy sinh, đến một ngôi mộ cũng không có. Các anh đã hoà cùng với biển.

Khâm liệm, tiễn đưa các anh chỉ là những ngôi mộ gió, lấy vỏ dừa, dùng thân cây dâu thay thân xác. Tất cả các liệt sĩ đang lung linh lấp lánh như những vì sao trong “đêm mông lung giăng dải ngân hà”.

Thương thay những người goá phụ từng “trắng đêm không ngủ”, thức với Gạc Ma, thức với biển Ðông! Sự hy sinh thầm lặng của họ thật cao quý biết bao! Nhà thơ cũng là phụ nữ nên dễ đồng cảm với nỗi đau của những người goá phụ. Từng câu thơ cho người đọc nghe được âm thanh của nỗi đau và có nhiều liên tưởng về “biển rùng mình khi giấc mơ tan”.

Cảnh Trà