Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Âm vang cồng chiêng Ba Vì
Chủ nhật: 08:47 ngày 21/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ba Vì (Hà Nội) là huyện miền núi có các dân tộc Mường, Dao, Kinh sinh sống lâu đời với những phong tục, tập quán tạo nên nét văn hóa đặc trưng của xứ Đoài. Trong đó, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Vậy mà cồng chiêng từng lâm vào nguy cơ thất truyền…


Phụ nữ dân tộc Mường (Ba Vì, Hà Nội) biểu diễn cồng chiêng.

Một thuở “vàng son”...

Nhớ lại thời thanh xuân tham gia đội cồng chiêng đi biểu diễn, dự thi liên hoan văn nghệ toàn quốc, nghệ nhân Đinh Thị Lan (gần 80 tuổi), đội phó đội cồng chiêng xã Ba Trại vẫn tươi rói nét mặt kể lại những thành tích. Đó là đội cồng chiêng của xã từng được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin trong Liên hoan văn hóa âm nhạc cồng chiêng năm 1987 tổ chức tại Thanh Hóa, đoạt Huy chương vàng và Huy chương bạc trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã miền núi tỉnh Hà Tây các năm 2004, 2006…

Yêu tiếng cồng, tiếng chiêng từ khi còn nhỏ cho đến tuổi xế chiều, nhưng bà Lan cũng như nhiều người dân trong vùng cho tới nay không biết rõ cồng chiêng có từ khi nào. Họ chỉ truyền khẩu cho nhau rằng, những người Mường đầu tiên di cư từ Hòa Bình sang chân núi Ba Vì đã mang theo và sử dụng trong mỗi dịp lễ hội, mừng Xuân, việc cưới, việc tang ở bản Mường.

Do địa hình miền núi đi lại khó khăn, có khi mỗi gia đình trong bản sinh sống riêng trên một quả đồi nên họ chỉ có âm thanh là phương tiện truyền đạt thông tin. Vì thế những khi có tiếng cồng chiêng vang lên, người Mường dựa vào sắc thái của âm thanh mà biết được những công việc của làng, bản để tập trung lại.

Tiếng cồng đón giao thừa ngày Tết thì rộn ràng, ngân vang, nhịp điệu dồn dập, tiết tấu từ thấp đến cao. Tiếng cồng khai hội làng tưng bừng như thúc giục mọi người tới sân bản tham gia vui hội. Tiếng cồng còn là lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng. Tiếng cồng trong ngày cưới theo nhịp ba náo nức, tươi vui đánh đối đáp nhau, mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc cho đôi bạn trẻ khi đưa cô dâu về nhà chồng...

Cồng chiêng gắn bó với mọi sinh hoạt của người Mường, trở thành nét văn hóa truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong gia đình người Mường không thể thiếu cồng, họ coi cồng như món đồ gia bảo cho nên nhà ít thì có một cái, nhiều thì từ 12 đến 14 chiếc, dàn cồng thường có năm, bảy hoặc chín chiếc. Mỗi chiếc đều có vai trò nhất định trong bản nhạc chung.

Cấu tạo cồng chiêng của người Mường ở Ba Vì khác với Tây Nguyên là có núm ở giữa và được đánh bằng dùi. Cách chơi cũng khác ở chỗ cồng của người Mường có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng; người chơi là phụ nữ, khi biểu diễn mặc trang phục truyền thống gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng nhiều họa tiết. Và nếu cồng chiêng của người Tây Nguyên chủ yếu là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh thì người Mường lại sử dụng như một nhạc cụ trong đời sống sinh hoạt của mình.

Đã có khoảng thời gian cồng chiêng vắng bóng trong đời sống bản Mường. Ông Đinh Ngọc Dần (70 tuổi) ở thôn Lặt, xã Minh Quang nhớ lại: Ngày trước, mỗi gia đình trong xã đều có một chiếc chiêng. Sau này do chiến tranh tàn phá, nghèo đói liên miên, một số hộ phải bán đi, một số vẫn còn giữ được nhưng lại dùng chiêng để úp vại tương, vại muối cho nên bị mất âm hoặc đánh mạnh quá vỡ cả núm giữa…

Thêm vào đó, những năm sau này, có một số cá nhân lợi dụng lòng tin của bà con, tự xưng là “cán bộ văn hóa dân gian” đi sưu tầm nhạc cụ cổ đã mượn, xin, đổi chác để chiếm dụng những bộ cồng chiêng nguyên bản về bán cho các nhà buôn đồ cổ. Đến đầu những năm 2000, khi cán bộ Ban Dân tộc huyện Ba Vì đi khảo sát đã không khỏi đau lòng trước một sự thật là, tất cả các xã miền núi không còn một bộ cồng chiêng nào, nghệ nhân chơi cồng chiêng nhiều người tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn nên các giai điệu cũng bị quên lãng...

Nguy cơ tiếng cồng chiêng không còn cất lên tại Ba Vì và các nghệ nhân sẽ phải “buông dùi” mãi mãi là điều những người làm công tác văn hóa dân tộc lo ngại sẽ xảy ra.

Cồng chiêng Mường hồi sinh

Khi huyện Ba Vì được sáp nhập về thủ đô Hà Nội, nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, năm 2012, UBND huyện đã lập Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đến năm 2015 và những năm tiếp theo. UBND huyện giao Phòng Dân tộc khảo sát, đánh giá, nghiên cứu về bản sắc văn hóa ở bảy xã miền núi, gồm: Tản Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa và Ba Vì.

Khi biết có những dự án này, người dân các xã tỏ ra rất hào hứng. Ông Nguyễn Quang Khang, cán bộ văn hóa xã Khánh Thượng nhận định: "Hiện nay, đồng bào đã có ý thức gìn giữ, phát huy nhưng cồng chiêng lại không còn nhiều. Nếu được khôi phục, tôi tin những thứ đã mất sẽ sớm trở lại với cộng đồng".

Về nhận nhiệm vụ ở Phòng Dân tộc huyện Ba Vì, ông Lê Khắc Nhu bắt tay vào công việc với tâm thế của một trưởng phòng đầy trách nhiệm. Bên cạnh các nhiệm vụ khác, ông dành nhiều thời gian quan tâm tới vấn đề khôi phục, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống trước thực trạng bị mai một, mất bản sắc.

Ông Nhu trực tiếp đến từng xã, vào từng nhà dân để khảo sát, tìm hiểu và ghi chép rất tỉ mỉ những thông tin, tư liệu liên quan đến cồng chiêng. Từ đó, ông lập ra một kế hoạch cụ thể và cùng các cán bộ, nhân viên trong phòng kiên trì thực hiện từng bước, gồm: tập huấn cho cán bộ xã và cộng đồng về cách tổ chức các hoạt động truyền thống, đưa hoạt động về với cộng đồng, nhất là cho thanh niên tiêu biểu do đội bảo tồn làm nòng cốt; tổ chức dạy tiếng dân tộc tại các thôn, bản; dạy về văn hóa cồng chiêng Mường, múa hát dân tộc Dao; tổ chức liên hoan văn nghệ diễn tấu cồng chiêng.

Một công việc đòi hỏi nhiều công sức và kinh phí là sưu tầm, mua sắm cồng chiêng, trang phục dân tộc và làm các chương trình phát thanh tiếng dân tộc... Đến cuối năm 2016, bà con dân tộc Mường ở thôn Khánh Chúc Bãi (xã Khánh Thượng) và thôn 3 (xã Ba Trại) đã nhận được bộ cồng chiêng gồm 12 chiếc, mỗi bộ trị giá hơn 60 triệu đồng của huyện Ba Vì trao tặng. Là người trực tiếp đến bản làng trong những ngày đầu thực hiện đề án, nay trở lại trao tặng cồng chiêng, ông Nhu đã lặng người đi vì xúc động trước những giọt nước mắt của bà con trong buổi đón nhận món quà quý giá này…

Cuộc hồi sinh của cồng chiêng Mường không chỉ nhờ sự quan tâm của các cơ quan văn hóa, mà còn nhờ bởi sức sống tinh thần mạnh mẽ của bà con địa phương. Không ngồi chờ đầu tư từ chính quyền, đội cồng chiêng thôn Bặn (xã Yên Bài) hoạt động bằng kinh phí tự túc hoàn toàn.

Bà con trong thôn đã tự thành lập đội trong điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, mỗi gia đình chỉ ủng hộ được vài chục nghìn đồng, có người về bán cả cây vú sữa lâu năm của nhà được hai triệu đồng để đóng góp; không đủ, lại có nhà hảo tâm trong thôn tự nguyện tài trợ toàn bộ kinh phí để mua một bộ cồng chiêng.

Từ bộ cồng chiêng làm “vốn” đó, bà con quyết tâm học hỏi, luyện tập để lưu giữ bản sắc dân tộc mình và truyền lại cho con cháu. Họ tự tìm thầy để học, sẵn sàng thức khuya dậy sớm, thu xếp việc gia đình, mong sao có thể nhanh chóng thuộc bài, mang chiêng đi khắp nơi biểu diễn.

Những việc làm giản dị, thiết thực đó đã góp phần tích cực đưa tiếng nói tâm hồn của dân tộc trở lại với đất Mường, khôi phục và làm rạng rỡ một loại hình nghệ thuật dân gian đậm bản sắc.

Với 12 đội cồng chiêng được thành lập và hoạt động tích cực, hiệu quả trong bảy xã miền núi, cồng chiêng đã thật sự hồi sinh trên đất Ba Vì và tiếp tục gặt hái thành công qua những cuộc liên hoan nghệ thuật, giao lưu văn hóa trên toàn quốc. Nhưng điều quan trọng hơn, chính là tình yêu nghệ thuật đã khởi sắc trong tâm thức của bà con dân tộc, từ đó lan tỏa và phát huy nét đẹp văn hóa trong cộng đồng.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục