Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND xã thực hiện móc mương khẩn cấp để giải quyết tình trạng ngập úng, có nguy cơ gây thiệt hại sản xuất của nông dân là áp dụng theo Pháp lệnh phòng, chống lụt bão.

Mương thoát nước bị san lấp gây ngập úng?
Theo trình bày của một số hộ dân ở khu vực ấp An Hoà, xã An Bình, huyện Châu Thành, trước đây giữa khu vực cánh đồng ấp An Hoà có một con mương dẫn nước từ kênh thuỷ lợi thoát ra sông. Con mương này đi cặp ranh đất của bà Lê Thị Trắng. Đầu năm 2011, bà Trắng đắp đất bờ cao, làm mất con mương. Vì vậy, nước từ kênh thuỷ lợi xả ra cùng với lượng nước mưa chảy qua con mương này không có đường thoát, gây nên cảnh ngập úng diện rộng. Do vậy nhiều hộ dân có đất canh tác tại khu vực này gửi đơn đến UBND xã An Bình nhờ cứu giúp.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư ấp An Hoà: “Trước đây nước theo con mương này ra sông” |
Ngày 31.5.2011, UBND xã đã mời gia đình bà Trắng cùng các hộ dân đến hoà giải. Tại buổi hoà giải này, nhiều người dân cho biết, trước đây có con mương dài khoảng 100m, gia đình bà Trắng đắp đất lấp mất con mương nên gây cảnh ngập úng. Bà con đề nghị UBND xã yêu cầu gia đình bà Trắng trả lại con mương cũ, để giải quyết tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, gia đình bà Trắng không đồng ý mà cho rằng, trước đây không có con mương, gia đình bà Trắng có trồng tràm và móc một đường mương thoát nước. Sau đó, xảy ra tranh chấp ranh đất, toà án giải quyết xác định đường mương đó thuộc gia đình bà Trắng.
Cuộc hoà giải không thành, UBND xã kết luận: cho phép các hộ dân phục hồi con mương cũ để tránh tình trạng ngập úng, “có gì xã xuống hỗ trợ”. Tuy nhiên, biện pháp các hộ dân tự phục hồi đường mương khó thực hiện, vì bà Trắng phản đối quyết liệt.
Trước tình hình trên, ngày 1.6.2011, UBND xã An Bình có văn bản báo cáo UBND huyện Châu Thành để xin ý kiến. Văn bản này nêu rõ: Ngày 6.5.2011, UBND xã An Bình nhận đơn xin cứu xét của 11 hộ dân thuộc ấp An Hoà đề nghị UBND xã xem xét, giải quyết tình trạng ngập úng diện tích 14 ha đất khu vực cánh đồng ấp An Hoà. Nhằm tránh thiệt hại về vật chất, “cho phép các hộ dân thuê xe máy, móc lại con mương thoát nước. Trong quá trình thực hiện gia đình bà Trắng ngăn cản, UBND xã cử lực lượng hỗ trợ”. Trên cơ sở văn bản này, UBND huyện Châu Thành đã phê duyệt đồng ý, với điều kiện thực hiện trong điều kiện khẩn cấp!
Ngày 2.6.2011, UBND xã tiến hành cưỡng chế việc móc mương thoát nước tại đất bà Trắng với chiều rộng 1m, chiều dài 120m.
Cưỡng chế... nhưng lại không có quyết định?
Trong đơn khiếu nại gửi UBND Châu Thành, Toà soạn Báo Tây Ninh, bà Trắng cho biết, ngày 2.6.2011, ông Hồ Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cùng lực lượng công an, xã đội đến cưỡng chế việc móc đất, gia đình bà Trắng đã ngăn cản, yêu cầu được xem quyết định cưỡng chế, nhưng ông Giang từ chối. Sau đó, ông Giang có đưa cho bà Trắng xem văn bản báo cáo UBND huyện về tình trạng ngập úng nêu trên. Gia đình bà Trắng không đồng ý và phản ứng quyết liệt. Sáng ngày 3.6.2011, đoàn cưỡng chế cho móc mương thoát nước ngập úng. Bà Trắng cho biết, trước đây, ngày 1.10.2008, trong một vụ tranh chấp đất tại bờ ranh con mương trên, TAND huyện Châu Thành đã có quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên tranh chấp đất. Trong đó xác định: con mương nằm trong đất bà Trắng, vậy tại sao UBND xã lại tuỳ tiện móc đất, nhưng lại không có quyết định cưỡng chế theo quy định?
Áp dụng trong trường hợp khẩn cấp của Pháp lệnh phòng, chống lụt bão
Về vấn đề khiếu nại của bà Trắng, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Bình cho chúng tôi biết, sau khi thực hiện việc móc mương vào đất bà Trắng, bà Trắng có làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Châu Thành. Vừa qua, UBND huyện đã có chỉ đạo hướng giải quyết cụ thể như sau: Yêu cầu các đơn vị có liên quan như Thanh tra Nhà nước, Phòng NN&PTNT huyện, Phòng TN&MT phối hợp UBND xã An Bình tiến hành đo đạc diện tích đất móc mương (vào đất bà Trắng) để có hướng hỗ trợ, đền bù. Theo ông Tuấn, UBND xã thực hiện móc mương khẩn cấp để giải quyết tình trạng ngập úng, có nguy cơ gây thiệt hại sản xuất của nông dân là áp dụng theo Pháp lệnh phòng, chống lụt bão.
ĐỨC TIẾN