Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ấn Độ cấm TikTok, sự giả dối của Facebook bị phơi bày
Thứ tư: 21:51 ngày 08/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
CEO Facebook Mark Zuckerberg từng nói việc giám sát chặt ngành công nghệ Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thống trị. Nhưng vụ Ấn Độ cấm cửa TikTok cho thấy điều ngược lại.

Tháng 4/2018, khi điều trần trước Quốc hội Mỹ về bê bối thu thập dữ liệu người dùng Cambridge Analytica, CEO Facebook Mark Zuckerberg cảnh báo việc giám sát và chia tách các đại gia công nghệ Mỹ sẽ "giúp các công ty Trung Quốc bành trướng".

Đây cũng là lập luận được các lãnh đạo Facebook lặp đi lặp lại suốt hai năm qua. Họ nói rằng nếu Quốc hội Mỹ chia tách Facebook hoặc giám sát chặt mạng xã hội này, các công ty Trung Quốc không bị quản lý sẽ "kiểm soát cả thế giới". Theo Facebook, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cướp đoạt các thị trường kỹ thuật số bằng chiến lược xâm phạm quyền riêng tư với sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh.

Zuckerberg nói các biện pháp quản lý ngành công nghệ của Washington sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ chết yểu. Cựu CEO Google Eric Schmidt cũng cho rằng việc chia tách nhóm đại gia công nghệ Mỹ chỉ có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia công nghệ khẳng định lập luận của Zuckerberg là đạo đức giả và lừa dối.

TikTok bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu người dùng bất hợp pháp. Ảnh: Techinasia.

TikTok âm thầm thu thập dữ liệu người dùng

Cựu Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Tom Wheeler mô tả các đại gia công nghệ Mỹ "lợi dụng ông kẹ Trung Quốc" để biện minh cho việc thu thập ồ ạt dữ liệu người dùng.

Tuy nhiên, theo Wired, việc chính phủ Ấn Độ cấm cửa TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác hồi tuần trước đã đập tan luận điệu "ông kẹ Trung Quốc" của Zuckerberg và các lãnh đạo công nghệ Mỹ.

Wired nhận định không chỉ xuất phát từ nguyên nhân tranh chấp lãnh thổ, Ấn Độ hành động mạnh tay còn là thông điệp cho thấy nước này không chấp nhận hành vi xâm phạm quyền riêng tư của những ứng dụng như TikTok.

Làn sóng tẩy chay TikTok lan rộng từ tháng 4, khi một người dùng Reddit có tên Bangorlol đăng bài phân tích cho thấy TikTok xâm nhập quyền riêng tư của người dùng vô cùng nghiêm trọng. ID phần cứng, bộ nhớ, danh sách ứng dụng cài trên điện thoại, địa chỉ IP, điểm truy cập Wi-FI, vị trí GPS... là những dữ liệu bị TikTok thâu tóm.

TikTok bị cáo buộc thu thập dữ liệu người dùng ở quy mô chưa từng thấy. Ảnh: CNBC.

Các chính trị gia Mỹ thuộc cả hai đảng cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ Mỹ khẳng định TikTok âm thầm cung cấp dữ liệu người dùng cho "chính phủ nước ngoài" (Trung Quốc).

Theo Bangorlol, ứng dụng TikTok được thiết kế để người dùng "bị nghiện" và nếu có ai rà lỗi thì ứng dụng này lập tức nhận biết và tự động che giấu các hành vi xâm phạm quyền riêng tư.

"Ứng dụng này không muốn bạn biết nó đã thu thập bao nhiêu dữ liệu của bạn", Bangorlol viết. Mới đây, nhóm tin tặc Anonymous cũng kêu gọi người dùng xóa TikTok khỏi điện thoại để tránh nguy cơ mất dữ liệu cá nhân.

Facebook cũng tệ hại không kém

Wired nhận định TikTok quả thật là mối đe dọa đối với quyền riêng tư của người dùng. Nhưng trên thực tế, các nền tảng công nghệ Mỹ cũng thực hiện các hành vi mờ ám tương tự trong những năm qua. Ví dụ, Facebook bị cáo buộc thao túng tâm lý người dùng bằng News Feeds, có những hành vi độc quyền, dính bê bối dữ liệu Cambridge Analytica và mới đây là phổ biến các nội dung kích động, thù địch, phân biệt chủng tộc....

Người dùng có hiểu biết đều biết rõ về những rủi ro an ninh và quyền riêng tư khi sử dụng các nền tảng như Facebook. Thậm chí cựu CEO Google Eric Schmidt còn từng nói rằng quyền riêng tư là khái niệm đã lỗi thời và người dùng phải chấp nhận điều đó khi sử dụng các nền tảng online.

Wired cho rằng mối đe dọa của các nền tảng Trung Quốc đối với nền kinh tế số là rất rõ ràng và Ấn Độ đã đúng khi cấm cửa TikTok. Các quốc gia khác như Pakistan cũng bày tỏ sự lo ngại về TikTok, chính phủ Mỹ có kế hoạch cấm cửa ứng dụng này. Nhiều nước như Australia, Nhật Bản, New Zealand... tẩy chay Huawei.

Điều đó cho thấy chính phủ các nước không ngại cấm cửa những công nghệ gây nhiều rủi ro và có khả năng bị lạm dụng, đồng thời ưu tiên những công nghệ đảm bảo độ mở của Internet. Những chiến lược TikTok sử dụng để thu thập dữ liệu người dùng là rất đáng lo ngại.

Facebook đang bị hàng trăm nhãn hàng tẩy chay vì truyền bá các nội dung kích động bạo lực. Ảnh: Financial Times.

Nhưng đồng thời, các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon như Facebook cũng phải đối mặt với áp lực tự làm sạch chính mình, bởi Intagram, Facebook, Reddit hay Twitter cũng thu thập dữ liệu người dùng ồ ạt.

Dự kiến trong những tháng tới, nhiều chính phủ ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ sẽ đưa ra những sáng kiến cải tổ Internet. "Nếu muốn thể hiện vai trò lãnh đạo và bảo vệ người dân Mỹ trước các mối đe dọa về an ninh quốc gia, Quốc hội Mỹ cần quản lý chặt chẽ Thung lũng Silicon và đưa ra khung quy định cụ thể", Wired nhấn mạnh.

"Quốc hội Mỹ cần có cái nhìn nghiêm khắc với mô hình kinh doanh của những công ty như Facebook, một mô hình tập trung vào việc thu thập và nghiên cứu dữ liệu người dùng ở quy mô lớn để tối đa hóa lợi nhuận, và đưa ra những cải tổ cần thiết nhằm bảo vệ quyền riêng tư, sự minh bạch và tính cạnh tranh của thị trường", Wired kết luận.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục