BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấn Độ đẩy mạnh ngoại giao láng giềng 

Cập nhật ngày: 04/03/2018 - 11:50

Chính sách đối ngoại “Láng giềng trước tiên” đang là điểm nổi bật trong cách tiếp cận ngoại giao của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo đó, Ấn Độ đã đặt mối quan hệ với các nước láng giềng lân cận là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này.

Thời gian gần đây, theo giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang vận dụng khá thành công chiêu bài kinh tế để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Nam Á thông qua tăng cường đầu tư ở Nepal, cung cấp tàu ngầm và đầu tư kinh tế cho Bangladesh hay gia tăng đầu tư tại Maldives cũng như dự kiến phát triển một sân bay quốc tế tại đây… Đổi lại, Trung Quốc cũng đang nhận được nhiều “cái nhìn thiện cảm” từ các quốc gia Nam Á.

Nhiều báo cáo cho thấy, tàu ngầm Trung Quốc đã được phép hoạt động tại cảng Colombo (Sri Lanka). Sau khi ký kết thành công Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc, Maldives cũng dần thể hiện thái độ thân thiết với Bắc Kinh khi cam kết ủng hộ sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) của Trung Quốc.

Nepal dường như cũng đang nghiêng về Trung Quốc trước những hứa hẹn về viện trợ kinh tế tiềm năng từ chính quyền Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Nguồn: WordPress)

Những cam kết về kinh tế từ Trung Quốc được cho là để “dọn đường” cho những hợp tác trong tương lai về quân sự và an ninh giữa Bắc Kinh và các quốc gia Nam Á - vốn nằm trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Và nghiễm nhiên, trước tầm ảnh hưởng ngày càng rộng của Trung Quốc, Ấn Độ không thể “khoanh tay đứng nhìn”.

Bước đi của ông Modi

Quan ngại sâu sắc trước tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á, ngay khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi đã gửi lời mời tới các nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) đến dự lễ nhậm chức của mình vào tháng 5/2014.

Đã có 8 nhà lãnh đạo các nước Nam Á đến tham dự buổi lễ - một điều chưa từng có tiền lệ và được tờ Indian Express bình luận là “một hành động đầy hứa hẹn”. Với bước đi này, ông Modi đã không che giấu ý định tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực.

Và trong 2 năm nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Ấn Độ chủ trương đặt quan hệ ngoại giao đối với các nước láng giềng lên vị trí ưu tiên khi liên tục thực hiện các chuyến công du đến hầu hết các quốc gia Nam Á và không ngừng đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm nhấn mạnh vai trò và vị thế của New Delhi với khu vực láng giềng lân cận Ấn Độ.

Sau chuyến thăm và cuộc hội đàm giữa ông Modi với người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif tại Lahore năm 2015, dư luận tin tưởng vào dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Dù kết quả đạt được chưa đúng như mong đợi nhưng chuyến thăm cũng là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với quốc gia láng giềng “thân Trung Quốc” này. 

Với chuyến viếng thăm hồi tháng 3 năm 2015, ông Modi đã trở thành nguyên thủ người Ấn đầu tiên đến Sri Lanka trong lịch sử 28 năm của quốc gia này. Chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ nhằm mục đích hàn gắn tình cảm và đưa ra hàng loạt các cam kết kinh tế để trấn an nước láng giềng.

Cụ thể, ông Modi cam kết giúp Sri Lanka cân bằng thương mại và tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường Ấn Độ, hỗ trợ ngành đường sắt nước này 318 triệu USD. Ấn Độ cũng mua lại quyền sử dụng sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa nhằm cạnh tranh với Trung Quốc tại Sri Lanka.

“Điểm sáng” đối ngoại

Afghanistan là minh chứng thành công trong chính sách đối ngoại láng giềng của ông Modi. Lãnh đạo hai bên thường xuyên có cuộc viếng thăm cấp cao. Nguồn vốn viện trợ Ấn Độ dành cho công cuộc tái thiết và phát triển của Afghanistan hiện đạt 2 tỷ USD, đưa New Delhi trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Kabul trong khu vực.

Ấn Độ cũng tiếp tục xây dựng thành công quan hệ láng giềng tốt đẹp với Bangladesh. Ấn Độ và Bangladesh dưới thời của Thủ tướng Modi và Hasina thiết lập mối giao hữu mới với những sáng kiến mới hơn, theo đó kỳ vọng sẽ tạo nên sự “tin cậy chiến lược” hướng tới mối quan hệ Đối tác chiến lược song phương mạnh mẽ.

Còn với Nepal, nhiều năm nay, mối quan hệ giữa Ấn Độ với quốc gia này vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Tuy nhiên, sau những bất đồng, lãnh đạo hai nước đều hiểu việc cần thiết phải đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo nồng ấm.

Ấn Độ thấm thía hệ quả bất lợi nếu duy trì tình trạng bất ổn trong quan hệ hai nước. Điều này có thể làm tăng tư tưởng bài Ấn trong người dân Nepal và đẩy nước này về phía Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ra sức xích lại gần Nepal thông qua các dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn. Nhận thấy rõ điều này, ngay khi nhậm chức, Thủ tướng Modi đã tăng cường xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với Nepal.

Có thể nói, “Láng giềng trước tiên” của ông Modi được coi như một điểm sáng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay. Dù vậy, trước tầm ảnh hưởng ngày càng rộng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á, Chính phủ của ông Modi có lẽ sẽ cần có một chiến lược dài hơi hơn để củng cố vị thế cường quốc của Ấn Độ trong khu vực này.

Nguồn baoquocte