Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ăn khuya thì dễ bị tăng cân. Không ăn thì đói không ngủ được. Nhiều người bị “giằng xé” giữa ăn hay không ăn, và không biết nên ăn gì khi bị đói lúc đêm khuya.
Ăn khuya cần tránh những thực phẩm chứa nhiều chất béo và tinh bột - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những người ăn khuya thường ăn xong và họ đi ngủ ngay sau đó, rất ít người ăn xong có thể chờ đến 3 tiếng sau mới đi ngủ. Hơn nữa, buổi đêm thường là những người ngồi làm việc, công việc ít vận động.
Để giải quyết cơn đói lúc đêm khuya, chúng ta thường tìm đến những đồ ăn sẵn như mỳ gói, bánh… là những đồ ăn nhiều tinh bột, béo, giàu năng lượng. Ăn nhiều năng lượng và ít vận động, thì tất yếu dễ dẫn đến tăng cân.
Quỳnh Hoa - sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ, Hoa thường ăn tối trước 19h nhưng nhiều hôm phải thức khuya học bài nên bị rơi vào tình trạng ôm bụng đói đi ngủ mà không dám ăn vì sợ mập .
"Đến khoảng 23h là bụng mình bắt đầu "réo" ộp ộp. Nhưng đang trong giai đoạn giảm cân, nên mình đành nhịn. Đến khi đi ngủ thì đói cồn cào. Nhiều hôm không chịu được, phải dậy ăn gói mỳ hoặc bánh rồi đi ngủ lại"- Hoa kể.
Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, những người ăn khuya hay bị tăng cân vì ăn nhiều hơn và ăn những thực phẩm không lành mạnh cho sức khỏe.
Đồ họa: Trang Trần
Theo ThS Tường, cần tránh thực phẩm có chứa nhiều chất béo và tinh bột như mì gói, bánh, đồ chiên, các món bánh ngọt, các loại nước có đường... Dung nạp nhiều năng lượng từ những thực phẩm này sẽ khiến tăng cân nhanh chóng và tăng tích tụ mỡ thừa.
Ví dụ, chọn mì gói và một chai nước ngọt có gas, tổng năng lượng có thể lên đến 500-700 calories, tuy nhiên như vậy lại thiếu dinh dưỡng, thừa đường bột và chất béo.
Các món giàu dinh dưỡng chúng ta có thể lót dạ như: các loại hạt khô (đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ…), trái cây tươi, sữa chua, sữa tươi (có thể chọn sữa không đường, tách béo), trứng luộc…
Nếu thức khuya dài hơn, hãy đảm bảo phần ăn vẫn đầy đủ các nhóm thực phẩm như một bữa ăn hoàn chỉnh: tinh bột, đạm, rau củ và trái cây.
Cần lưu ý, phải ăn trước khi ngủ khoảng 3 tiếng. Ngoài ra, khi thức khuya để làm việc, không nên lạm dụng cà phê. Thay vào đó hãy uống nhiều nước, vừa giữ được tỉnh táo và đảm bảo sự hoạt động của các cơ quan.
Theo thạc sĩ Tường, những người thức khuya làm việc có xu hướng ít vận động, ít ra khỏi phòng và thường vừa ăn vừa làm ngay trên bàn làm việc. Đây là một thói quen hoàn toàn không tốt.
"Hãy đứng dậy, thực hiện vài động tác giãn cơ và ngồi ăn tại bàn ăn ở bếp. Như thế chúng ta sẽ kiểm soát được chúng ta ăn gì với số lượng bao nhiêu. Ăn đêm đúng cách và đúng thời điểm, chúng ta vẫn có thể kiểm soát được cân nặng và đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể"- thạc sĩ Tường khuyến cáo.
Nguồn TTO