Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Không ăn nội tạng không rõ nguồn gốc, không để lòng lợn qua đêm, không ăn tiết canh.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lòng lợn chứa nhiều cholesterol không tốt cho người bị tiểu đường, tim mạch hay các bệnh về chuyển hóa. Ăn nhiều lòng lợn còn có thể gây bệnh gout, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, làm tăng mỡ máu.
"Nhiều cơ sở chế biến nội tạng động vật không hợp vệ sinh, nhiễm rất nhiều loại giun sán, vi khuẩn, virus nguy hại", bác sĩ Hải nói. Tuy nhiên với người rất thích ăn lòng lợn và nội tạng khác, cần chú ý các điểm dưới đây.
Lòng lợn dễ bị nhiễm khuẩn trở lại dù đã được làm sạch và cẩn thận đến mức nào, hơn nữa để qua đêm dễ bị ôi thiu, có mùi hôi khó chịu. Nếu ăn thừa, bạn nên đổ đi.
Người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 3 lần nội tạng động vật trong tuần (khoảng 50-70 g một lần), trẻ em tối đa 2 lần một tuần (30-50 g mỗi lần). Người mắc bệnh huyết áp cao, tim mạch, rối loạn chuyển hóa như tăng cholestetol máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gout, thừa cân, béo phì, người cao tuổi, đang mang thai... không nên ăn lòng lợn vì dễ khiến tình trạng bệnh xấu hơn. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Đây là lý do người Mỹ không ăn hoặc ăn rất ít nội tạng.
Thị trường có nhiều loại nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, thậm chí bị ôi, thiu. Nhiều nội tạng động vật đã bốc mùi thối được nhập tiểu ngạch, sau đó tẩy rửa bằng hóa chất rồi tuồn ra thị trường, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng. Do đó, khi ăn nội tạng bạn cần phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không ăn tiết canh (máu động vật không qua nấu chín) bởi dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn. Ở tình trạng nhẹ, bệnh nhân đau bụng dữ dội, bị viêm ruột. Nặng hơn, các liên cầu khuẩn lan rộng khắp cơ thể gây hoại tử tứ chi, tàn phá não và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nguồn VNE