BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh:

An tâm hơn cho người nhiễm HIV/AIDS 

Cập nhật ngày: 02/12/2017 - 13:50

BTN - Tính đến nay, phòng khám ngoại trú (PKNT) tại Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh (Bệnh viện ÐKTN) đã có 13 năm hoạt động. Bắt đầu từ năm 2014, PKNT này còn tiếp nhận điều trị cho trẻ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Trước đó, các em được theo dõi và điều trị tại TP. Hồ Chí Minh. Việc điều trị bệnh ngay tại tỉnh nhà giúp các em và gia đình tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí đi lại.

Bệnh nhân đến nhận thuốc tại PKNT Bệnh viện ĐKTN.

Bác sĩ Huỳnh Văn Ðệ- Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện ÐKTN kiêm Trưởng PKNT tại bệnh viện cho biết, năm 2017, số người nhiễm HIV đến điều trị tại phòng khám tăng so với năm 2016. Trong năm 2016, PKNT tiếp nhận 170 ca điều trị mới; năm nay, chỉ mới 10 tháng đầu năm đã có 228 ca điều trị mới. Hiện tại, PKNT đang tiếp nhận điều trị cho 995 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 58 bệnh nhi.

Theo bác sĩ, sự gia tăng trên là do số đông người bệnh đã nhận thức được hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kiềm hãm sự phát triển của virus HIV/AIDS) nên tự nguyện đến điều trị. Nhiều người nhiễm đến xét nghiệm, bệnh được phát hiện sớm nên việc điều trị có thuận lợi hơn. Khi có ca nhiễm mới, các y, bác sĩ trong PKNT đều trấn an tinh thần bệnh nhân, tư vấn kỹ lưỡng về hướng điều trị, hiệu quả điều trị để người bệnh an tâm hơn (thực tế, khi biết mình bị nhiễm HIV/AIDS, đa số bệnh nhân đều rất hoang mang, suy sụp tinh thần, điều này ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị).

 PKNT tại Bệnh viện ÐKTN được đầu tư xây mới tại một khu riêng biệt. Phòng khám mới đi vào hoạt động từ năm 2016. Các bàn làm thủ tục khám, nhận thuốc và khu ngồi chờ đều thuận tiện cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, công tác khám, cấp thuốc đều bảo đảm theo quy định, từ đó tạo niềm tin cho bệnh nhân. Ðiều khiến các y, bác sĩ PKNT phấn khởi nhất là nhiều bệnh nhân đã dần cởi mở hơn trong tiếp xúc với người xung quanh. Ngày trước, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khi đến lấy thuốc thường bịt kín mặt, che chắn cẩn thận, giờ đây họ tỏ ra thoải mái hơn nhiều, chỉ còn mang khẩu trang mà thôi. Bác sĩ Ðệ nhận định: đó cũng là nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.

Trong công việc của mình, các y, bác sĩ PKNT tại Bệnh viện ÐKTN không khỏi xót xa khi chứng kiến những trường hợp người nhiễm HIV/AIDS lại là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có trẻ đến kỳ tái khám, phải tự đi xe buýt một mình đến phòng khám, vì nếu có ông bà đi cùng phải tốn tiền xe nhiều hơn. Cũng có khi do ông bà đã già yếu, bệnh tật nên không thể đi cùng cháu. Trước đây, những đứa trẻ nhiễm HIV đi tái khám hằng tháng đều được hỗ trợ tiền xe và có cả quà tặng, nhưng nguồn tiền dành cho khoản này hiện không còn. Bác sĩ Ðệ hy vọng trong thời gian tới, các cá nhân, tổ chức từ thiện sẽ quan tâm, tạo điều kiện trợ giúp những đứa trẻ nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, PKNT tại Bệnh viện ÐKTN ghi nhận có khoảng 20 ca tử vong. Theo bác sĩ Ðệ, đây đều là những ca phát hiện trễ và không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị. Ðể bảo vệ mình, những người nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh phải nhanh chóng đi kiểm tra, xét nghiệm để kịp thời uống thuốc điều trị. Ðiều trị càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao, giảm chi phí khám, chữa bệnh và giảm lây truyền cho người thân.

 PKNT tại Bệnh viện ÐKTN hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Ở đây chỉ có 3 nhân viên chuyên trách và 1 bác sĩ kiêm nhiệm, trong khi mỗi tháng, phòng khám phải tiếp nhận điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân. Dù vậy, bằng cái tâm đối với người bệnh, mọi người đều cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lê Thuỳ