Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ăn tết ở “làng Hoàng Sa”
Chủ nhật: 05:00 ngày 14/02/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với ngư dân ngày đêm bám Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển trời của Tổ quốc, cái tết bắt đầu từ những sản vật biển khơi mang về và trên chính con thuyền họ rẽ sóng ra khơi.

2cb1c096.jpg

Nghi thức tết cúng thuyền chuẩn bị trước khi ra khơi - Ảnh T.Mai
 
Làng biển bắt đầu cái tết bằng tấm biểu ngữ viết câu khẩu hiệu quen thuộc “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, được treo ngay trên con đường chính dẫn vào làng.
 
Sản vật từ biển
 
Từ đầu con dốc đá xuống xóm chài Gành Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tiếng nhạc xuân đã rộn rã khắp xóm. Chen cùng tiếng sóng biển, nhiều cháu bé mặc áo mới cùng người lớn đi chúc tết.
 
Ở làng chài này, trai tráng lớn lên lại ra Hoàng Sa - Trường Sa quẫy đạp trùng khơi, khuôn mặt ai nấy rám nắng bộn bề trăm nỗi lo toan, hiếm khi nào thấy họ quần áo tươm tất thư thả ngồi uống trà. Có lẽ ngày tết là dịp hiếm hoi trong năm họ diện áo quần mới vui vầy cùng gia đình mình.
 
Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Thanh Biên khi anh cùng nhiều thanh niên đang ngồi túm lại nhai mực uống bia, họ tổng kết một năm đánh bắt đầy sóng gió và bàn phương án chuẩn bị cho phiên biển mới.
 
Anh Biên bảo rằng ở xóm chài Gành Cả dù làm gì thì ngày tết cũng phải đi chúc tết quanh xóm, nhà này sang nhà kia uống với nhau chén trà, ly bia, kể cho nhau nghe những phiên biển trúng đậm.
 
“Chúng tôi không kể chuyện tàu Trung Quốc quấy phá, mưa bão thiên tai trong những ngày tết vì sợ vận rủi sẽ bám lấy làng” - anh Biên nói.
 
Ở ngôi làng được mệnh danh “làng Hoàng Sa” này, các sản phẩm biển như mực khô, chả cá, lẩu tôm... được bày biện bên cạnh bánh chưng, bánh tét trong ngày tết. Người dân mang ra đãi khách các loại hải sản có nhiều ở khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Trong suy nghĩ của họ, những sản vật đánh bắt từ ngư trường truyền thống của cha ông mang một giá trị thiêng liêng.
 
Ông Nguyễn Thanh Nam (55 tuổi, thôn Châu Thuận Biển) đưa từ trên bàn thờ gia tiên xuống một hũ rượu hải sâm mời khách. Người ngư dân này bảo rằng mình bị tai nạn trong một lần lặn biển cách đây tròn 20 năm. Kể từ đó biển khơi là nỗi nhớ da diết của ông.
 
“Tôi có ba đứa con trai đi biển, tết về chúng nó mang biếu tôi mấy hũ rượu hải sâm để cúng tổ tiên như truyền thống, và điều đó đối với tôi là niềm hạnh phúc. Ở đây, chúng tôi ăn tết đơn sơ với những câu chuyện về biển khơi của mình” - ông Nam nói
 
Cúng thuyền, ra khơi
 
Trong những ngày tết, gia đình đi biển nào cũng chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn đưa xuống thuyền để thực hiện nghi thức cúng biển.
 
Những lão ngư dân cả đời sóng gió biển khơi được chọn đứng ra chủ trì buổi cúng thuyền. Họ mang lên mâm cúng những sản vật tốt nhất trong mùa vụ vừa qua cùng các lễ vật truyền thống như bánh chưng, trái cây, rượu, gạo, cháo trắng, muối, trầu cau, nhang đèn...
 
Ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển) nói rằng cúng thuyền bánh chưng, bánh tét là cảm ơn ngày tết, còn cúng hải sản để cảm ơn biển mẹ.
 
“Với mâm cỗ có cả vị đất liền và vị biển, chúng tôi muốn thông báo đến tổ tiên rằng dù trong những ngày thu tàu về nhà đón tết chúng tôi vẫn không quên biển giây phút nào. Cầu xin những bậc tiền hiền phù hộ cho chúng tôi năm mới đánh cá được bội thu” - ông Tiến chia sẻ.
 
Những hạt gạo, muối được rải khắp sàn tàu để “thần tàu” cùng chia vui. Người làng biển biết rằng tàu của họ giờ đã có công suất lớn, chinh phục tới tận những vùng biển xa nhưng luôn bị các loại thiên tai và nhân tai rình rập.
 
Liên tục trong những năm qua, chiếc thuyền nhỏ bé của họ phải đối chọi với tàu thép to lớn của Trung Quốc. Họ cúng kiến như một cách biết ơn và cảm ơn chiếc tàu đã cho gia đình mình cuộc sống...
 
Trên chiếc tàu cá QNg 48876, ngư dân Phạm Anh Sương đang treo cờ Tổ quốc trên mũi tàu của mình rồi nhìn lá cờ bay phần phật trong gió Biển Đông. Anh bảo mình đang chờ tiếng trống khai biển đầu năm rồi sẽ đưa tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa.
 
Anh tâm tình: “Cái tết nghèo khó hay đầy đủ đều phụ thuộc vào con tàu này. Người dân biển ăn tết chủ yếu để có thời gian bên vợ con chứ chúng tôi không bao giờ ăn tết quá dài vì còn phải ra khơi sau lễ cúng thuyền và khai hội mở biển”.
Nguồn Tuổi Trẻ
Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục