BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Ăn theo” mùa Tết

Cập nhật ngày: 21/02/2010 - 04:45

Từ những ngày đầu năm mới cho đến hết tháng giêng, khu du lịch núi Bà Đen trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi đổ về. Một trong những điều đáng quan tâm nhất (thậm chí lo âu nhất) là chất lượng dịch vụ nơi đây.

Trong vai một cặp tình nhân từ xa tới, chúng tôi vào hỏi thuê phòng ở trọ nằm gần khu vực chân núi. Vừa bước vào, ông chủ nhà nhanh nhảu nở nụ cười khá thân thiện. Cho biết, nhà trọ có hai loại phòng: phòng có máy lạnh giá 200 ngàn đồng và phòng chỉ dùng quạt giá 120 ngàn đồng. Khi được hỏi ngày thường, mỗi phòng trọ có giá bao nhiêu, ông chủ nhà nói: “Không thể so sánh ngày Tết với ngày thường. Ngày thường giá phòng trọ có máy lạnh dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng cho 24 giờ, phòng thường khoảng 80.000 đồng”. Khi chúng tôi đề nghị hạ giá, ông chủ bỗng dưng... mặt lạnh như tiền: “Anh chị thấy được thì thuê, không thì thôi. Từ giờ tới chiều là hết phòng, lúc đó có tiền cũng khó thuê”. Lấy lý do đi hỏi nhà trọ khác xem thế nào, nếu bằng nhau thì sẽ trở lại thuê, chúng tôi rút lui.

Quán hàng ăn theo mùa lễ hội

Thường khi đi hành lễ, ít có du khách nào đi tay không, chí ít cũng có thẻ nhang hoặc giỏ trái cây hay bó hoa. Nắm bắt được thói quen này, rất nhiều người “làm du lịch theo thời vụ” đã cung ứng đầy đủ những mặt hàng mà du khách cần mua. Một bó hoa huệ (10 bông) giá từ 30.000 đến 35.000 đồng, trong khi giá ngoài chợ cùng thời điểm chỉ khoảng 10.000 đến 12.000 đồng/bó. Theo quan sát của chúng tôi, các loại hoa bày bán hai bên đường dẫn vào núi không được tốt tươi cho lắm.

Một trong những đặc sản của núi Bà Đen là mãng cầu. Khách du lịch trước khi lên núi, thường mua mãng cầu đem theo. Ghé vào một quầy mãng cầu, chúng tôi được người bán hàng báo giá: 12.000 đồng/kg- không phải quá đắt, có điều là chất lượng có vẻ không tương xứng giá tiền. Hầu hết những trái mãng cầu được bày bán đều bị bầm dập, vỏ đã đổi màu trông không ngon mắt chút nào. Cô bạn đồng nghiệp chép miệng nói với tôi: “Loại mãng cầu xấu như thế này làm mất tiếng mãng cầu núi Bà Đen”!

Sau khi dạo một vòng, chúng tôi tấp vào một quán ăn bên ngoài cổng vào khu Hội xuân núi Bà. Quán được cất khá quy mô, trông rất sạch sẽ, thoáng mát. Gọi hai tô bánh canh, sau chừng 15 phút, bà chủ quán bưng ra. Thanh toán tiền cho hai tô bánh canh, kèm theo hai ly trà hết 44.000 đồng. Không phải rẻ so với chất lượng: bánh canh chua lòm, thịt heo thì như đã nấu từ mấy ngày trước thì phải. Dọc hai bên đường dẫn vào núi, có rất nhiều quán ăn tạm bợ, theo kiểu hủ tiếu gõ. Trong quán chỉ có vài xô nước dùng để rửa tô, chén, chắc chắn không thể yên tâm về chất lượng vệ sinh.

Các điểm trông giữ xe ra sức chèo kéo khách. Khách phải gửi xe tại các bãi phía ngoài, bãi nào cũng chật kín. Điều đáng ghi nhận là giá gửi xe đều được niêm yết công khai. Trong khi đó, các cửa hàng ăn uống hầu như đều không niêm yết giá. Khách “yếu bóng vía” đâm ngại bước vào vì sợ bị “cứa”.

Có thể thấy cách “làm du lịch” đặc biệt là ở các “dịch vụ ăn theo” như ở khu du lịch núi Bà Đen mùa hội xuân này (cũng như nhiều năm qua) vẫn còn đó những biểu hiện chưa chuyên nghiệp.

Du khách đến núi Bà Đen không chỉ có người trong tỉnh mà có rất đông khách thập phương, cho nên cần cố gắng để tạo ra môi trường du lịch thân thiện, uy tín, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.

TUYẾT SƯƠNG - VIỆT ĐÔNG