Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng có diện tích mặt nước hơn 27.000 ha, hằng ngày có hàng trăm người dân lưu thông trên mặt nước hồ bằng ghe, thuyền để đi lại làm ăn giữa các đảo, bán đảo và hành nghề đánh bắt thuỷ sản. Thế nhưng việc chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa ở đây đang gần như bị bỏ ngỏ, không có cơ quan nào quản lý các phương tiện giao thông đường thuỷ.
Một ghe đò chở khách tại bến ngã ba Bờ hồ.
Việc đi lại bằng ghe đò trên hồ Dầu Tiếng đã hình thành ngay từ khi hồ bắt đầu tích nước đưa vào sử dụng (năm 1985). Mỗi ngày có hàng trăm người tham gia lưu thông trên mặt nước để đến các đảo, bán đảo trong hồ; đồng thời có hơn một ngàn người là ngư dân tham gia đánh bắt thuỷ sản thường xuyên có mặt hành nghề trên mặt nước hồ. Mấy năm gần đây còn có thêm hàng trăm hộ dân là Việt kiều từ Campuchia hồi hương về hồ Dầu Tiếng cư trú, đánh bắt thuỷ sản, nhiều hộ trong số này không có đất đai, nhà cửa, sống lênh đênh trên mặt hồ.
Những người đánh bắt thuỷ sản dùng phương tiện là những ghe, xuồng loại nhỏ, mỗi chiếc có trọng tải từ 200kg đến dưới 1 tấn, mỗi chiếc ghe thường do một hoặc hai người cùng hành nghề. Hầu hết các ghe có gắn động cơ để di chuyển đi xa, cùng với hai mái chèo đạp chân để dùng khi hành nghề; đa số ngư dân hoạt động đánh bắt vào ban đêm.
Tuy cả đêm “vật lộn” cùng sóng gió trên mặt nước hồ nhưng rất ít người sử dụng áo phao cứu sinh. Một vài người có mang theo áo phao nhưng chỉ để phòng hờ, không ai mặc vào người. Ban ngày một số người còn dùng chính những chiếc ghe đánh bắt thuỷ sản để hành nghề vận chuyển nông sản và chuyên chở người lao động đi làm mướn di chuyển trên mặt hồ, do vậy nguy cơ hiểm hoạ luôn rình rập và… thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ đã xảy ra.
Gần đây nhất là lúc 13 giờ ngày 3.8.2014, anh Nguyễn Văn Thuận (19 tuổi, ngụ tại ấp Phước An, xã Phước Ninh) dùng ghe đánh cá chở gần 1.000kg củ mì từ đảo Nhím về bờ hồ bất ngờ gặp gió lớn làm ghe bị lật, chìm giữa hồ. Rất may được người dân trên đảo phát hiện, ứng cứu kịp thời nên anh Thuận thoát chết trong gang tấc. Khi ghe gặp nạn anh Thuận không có áo phao hay phao cứu sinh.
Trước đó, hai cha con ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Phước Minh) dùng ghe đánh bắt thuỷ sản lưu thông trên mặt nước hồ vào lúc trời tối, nhưng cả 2 không mang theo phao cứu sinh, gặp gió lớn ghe bị lật chìm, chỉ có người con bơi được vào bờ thoát chết; còn ông Hùng thì… phải đến ngày hôm sau người dân mới tìm thấy xác ông chìm dưới đáy hồ.
Ông Trần Thanh Tập gần 80 tuổi, hành nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ từ năm 1986, hiện cư trú gần ngã ba Bờ hồ cho biết: “Từ khi có hồ Dầu Tiếng, hầu như năm nào cũng có người chết do đuối nước vì đắm ghe đò khi lưu thông trên mặt nước hồ; những nạn nhân chết do đuối nước đều không có áo phao cứu sinh. Có gia đình cả hai cha con đều đuối nước chết do chìm ghe”.
Hiện tại, có hàng chục ghe hành nghề vận tải hành khách trong hồ Dầu Tiếng tuy có giấy phép đăng ký hoạt động, nhưng không có đơn vị hay địa phương nào quản lý; không có bến bãi cụ thể và không ai phải nộp một loại thuế, phí nào cả.
Thực ra, từ năm 2005 trở về trước các bến ghe đò do các xã ven hồ quản lý, điều hành, nhưng vì việc thành lập bến bãi trong hồ Dầu Tiếng không đúng thẩm quyền của địa phương nên các bến phải giải tán. Lúc ấy, chỉ các ghe, thuyền có trọng tải lớn mới được đăng ký vào mục đích vận chuyển hành khách (ghe đò), nhưng hiện nay việc vận chuyển khách trên hồ chủ yếu là loại ghe nhỏ được chế tạo bằng nhựa cứng, trọng tải mỗi ghe khoảng gần 2 tấn, sử dụng động cơ làm lực đẩy, nên có vận tốc khá cao, nhanh gấp nhiều lần ghe đò lớn đóng bằng gỗ.
Hành khách đi lại trên hồ chủ yếu là qua các bến đò ngang như bến Cầu Sắt, bến Hai Thỏ, bến Thùng Phuy… từ bờ hồ Dầu Tiếng (phía đập phụ, thuộc huyện Dương Minh Châu) đi Tân Thành, đảo Nhím, Đồng Kèn và hàng chục bến đò từ các địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh sang các địa phương thuộc tỉnh Bình Phước.
Tất cả các ghe đò chở khách đều được đăng ký, kiểm định chất lượng theo quy định của ngành Giao thông - Vận tải, nhưng việc quản lý, điều hành hoạt động thì… không (?!). Vì thế, trong quá trình vận hành, không mấy người điều khiển phương tiện chấp hành các quy định về trật tự ATGT đường thuỷ; chẳng hạn như quy định về tải trọng, về việc chở hàng cồng kềnh, hay về trang bị áo phao cho khách, hoặc có trang bị nhưng rất ít người sử dụng, kể cả người điều khiển phương tiện cũng không sử dụng.
Vào lúc 7 giờ 15 phút ngày 26.8.2014, chúng tôi chứng kiến giữa hồ Dầu Tiếng có một chiếc đò biển số đăng ký TN0361, đi từ Tân Thành về bờ hồ phía đập phụ, trên đò có 9 người lớn và 1 bé gái cùng 3 chiếc xe mô tô; chiếc đò này chạy với tốc độ khá cao, cả 10 người trên ghe không ai mặc áo phao, kể cả chủ phương tiện. Trên đường lưu thông trên mặt hồ, chúng tôi quan sát thấy hầu hết những người đi trên các ghe đò đều không ai mặc áo phao.
Được biết, tuy Công an huyện Dương Minh Châu cũng có Đội Công an bảo vệ hồ Dầu Tiếng, nhưng do lực lượng quá mỏng, trang thiết bị không đáp ứng, kể cả kinh phí chi cho việc vận hành phương tiện rất hạn chế nên việc tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đường thuỷ trong hồ Dầu Tiếng là nhiệm vụ không khả thi.
Liên hệ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Dương Minh Châu, chúng tôi được ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng cho biết: Việc quản lý thực địa, chuyên môn trong hồ Dầu Tiếng thuộc thẩm quyền của Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hoà, các địa phương xung quanh hồ chỉ quản lý về mặt hành chính đối với người dân có các hoạt động trong hồ.
Kể cả việc tuần tra, kiểm tra trật tự ATGT đường thuỷ trong hồ, ngành và các địa phương cũng không có chức năng, nên không được trang bị phương tiện. Tuy nhiên, để có sự quản lý thống nhất Phòng đang tham mưu UBND huyện có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến về vấn đề này.
Rõ ràng, nguy cơ tai nạn giao thông đường thuỷ không phải là không có trên mặt hồ Dầu Tiếng. Do vậy việc các chủ đò và hành khách đi đò cũng như hàng ngàn người hành nghề đánh bắt thuỷ sản trên mặt nước hồ không tuân thủ các quy định về trật tự ATGT đường thuỷ cần thiết phải được chấn chỉnh.
Hiểm hoạ khôn lường luôn rình rập, không ai dám khẳng định sự bảo đảm an toàn khi lưu thông trong hồ Dầu Tiếng nếu không chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. Và như thế, nên chăng ngành chức năng xem xét lại, có biện pháp chấn chỉnh công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ ở đây.
HIỀN LƯƠNG