Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
An toàn giao thông đường thuỷ nội địa: Thực trạng và giải pháp
Thứ hai: 09:28 ngày 14/12/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bài đạt giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu Luật Giao thông đường thuỷ nội địa”.

Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ, có hoạt động giao thông đường thuỷ gắn liền với hệ thống sông Vàm Cỏ Đông với tổng chiều dài 617 km, trong đó có 423 km có khả năng khai thác vận tải. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải đường thuỷ của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 53 bến thuỷ nội địa (3 cảng, 11 bến chở khách ngang sông, 39 bến vận chuyển hàng hoá), 23 bến bãi khai thác cát trên sông có giấy phép hoạt động. Người điều khiển phương tiện thuỷ có 867 người có bằng thuyền trưởng hạng ba và bằng máy trưởng hạng ba. Tuy nhiên các bến chở khách đều không có giấy phép, chủ yếu là phương tiện thô sơ hoặc phương tiện có động cơ công suất nhỏ. Có 14 bến vận chuyển hàng hoá không có giấy phép hoạt động.

Thực trạng trên cho thấy công tác tổ chức giao thông đường thuỷ chưa được quan tâm đứng mức. Tình trạng phương tiện thuỷ không đăng ký, đăng kiểm diễn ra phổ biến. Theo kết quả điều tra, tháng 5.2007 trên địa bàn tỉnh có 2.652 phương tiện thuỷ các loại, trong đó chỉ có 80 phương tiện đã đăng ký (chiếm 6,9%) và 79 phương tiện đã đăng kiểm (chiếm 9%). Tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 12 cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thuỷ, nhưng trong đó có 10 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, 7/12 cơ sở chưa đăng ký kinh doanh.

Phương tiện trọng tải lớn bị mắc cạn gây tắc nghẽn giao thông.

Do tình trạng quản lý giao thông đường thuỷ gần như buông lỏng, cho nên các hành vi vi phạm các quy định về TTATGT đường thuỷ nội địa không ngừng gia tăng. Từ đầu năm 2009 đến nay, lực lượng CSGT đường thuỷ thuộc Phòng CSGT- Công an Tây Ninh đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.683 trường hợp vi phạm (năm 2008 có 1.502 trường hợp), phạt 1.386 trường hợp với số tiền 665.050.000 đồng, tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 11 trường hợp. Các hành vi vi phạm phổ biến như: mở bến thuỷ nội địa khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xếp hàng hoá che khuất tầm nhìn; chở hàng hoá vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực; không bố trí đủ thuyền viên; không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện; chở quá số người quy định; không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; người ngồi trên phương tiện vận chuyển hành khách không mặc áo phao… Từ đầu năm 2009 đến nay, TNGT xảy ra  2 vụ, làm chết 3 người, hư hỏng nhẹ 2 phương tiện. Va chạm giao thông xảy ra 2 vụ, làm hư hỏng nhẹ 2 phương tiện. Đồng thời còn có 2 vụ chết đuối, 1 vụ tai nạn lao động làm chết 3 người.

Thời gian gần đây, phương tiện thuỷ tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh tăng mạnh (chủ yếu do tăng nhu cầu vận chuyển từ các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh như: Ximăng Fico, KCN Bourbon- An Hoà). Đặc biệt ở khu vực sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ ấp Phước Giang, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng đến khu vực ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng và tuyến rạch Trảng Bàng đoạn từ khu vực ấp An Thới, xã An Hoà đến khu vực ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, có khá nhiều phương tiện hoạt động, chủ yếu là phục vụ vận chuyển cát san lắp mặt bằng Khu công nghiệp Bourbon -An Hoà. Những phương tiện này có trọng tải lớn, trong khi đó rạch Trảng Bàng có luồng lạch rất hẹp, độ sâu tương đối cạn, khi nước ròng, các phương tiện phải neo đậu giữa dòng để tránh mắc cạn, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác, thậm chí dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, do luồng hẹp nên thường xảy ra va chạm giao thông giữa các phương tiện và va quẹt với cây cối của nhân dân hai bên bờ rạch, khiến cho tình hình an ninh trật tự trong khu vực càng thêm phức tạp.

Trong tình hình hoạt động giao thông thuỷ ngày càng gia tăng, thì lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT đường thuỷ hiện nay lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng CSGT đường thuỷ chuyên trách là một đội nghiệp vụ của Phòng CSGT tỉnh, tuy nhiên về quân số còn rất hạn chế, chỉ có 5 CBCS đóng chốt kiểm soát tại xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, do đó không thể nào quán xuyến được hết địa bàn. Lực lượng CSGT công an huyện thì không thường xuyên hoạt động giữ gìn TTATGT đường thuỷ, trang thiết bị phục vụ công tác thiếu. Các lực lượng khác như giao thông vận tải,  bộ đội biên phòng… cũng còn có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó trình độ dân trí của người tham gia giao thông do thường xuyên di chuyển trên sông nên ít có điều kiện học tập, dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ATGT đường thuỷ, thiết nghĩ các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của giao thông đường thuỷ đối với sự nghiệp phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông đường thuỷ. Khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải. Đặc biệt là quy hoạch phát triển và sắp xếp lại hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa, quy hoạch các khu vực khai thác khoáng sản, thuỷ sản, làng chài, làng nghề trên đường thuỷ. Có chính sách thu hút đầu tư vào phát triển giao thông thuỷ.

Bên cạnh đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong đăng ký, đăng kiểm để đẩy nhanh tiến độ công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Phải thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thuỷ cho nhân dân. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể rõ ràng không để đùn đẩy, né tránh nhằm hạn chế sơ hở trong công tác quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa của toàn xã hội, của chính quyền, các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông đường thuỷ nội địa. Kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tổ chức quốc tế cung cấp dụng cụ cứu sinh, cứu đắm để cấp cho những người hoạt động trên phương tiện thuỷ, đặc biệt là người nghèo. Khẩn trương tăng cường lực lượng CSGT đường thuỷ. Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, huy động các lực lượng khác hỗ trợ CSGT đường thuỷ thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò của lực lượng công an huyện, xã trong giữ gìn TTATGT đường thuỷ, để giải quyết tình hình xảy ra tại chỗ nhất là đối với các bến chở khách ngang sông. Để làm được nhiệm vụ quan trọng đó, cần thiết phải tăng cường trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng CSGT đường thuỷ.  Ở khu vực trọng điểm cần trang bị phương tiện cứu hộ đặc chủng.

Lê Xuân Tuân

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục