Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tình hình tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn không giảm. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 319 vụ tai nạn lao động, với 320 nạn nhân, số người chết là 6, tăng 4 người so với năm 2016.
Lao động tại công trình xây dựng làm việc trên cao không hề có các trang thiết bị bảo hộ lao động . (ảnh chụp tại một công trình xây dựng nhà ở tại TP. Tây Ninh)
Những năm qua, mặc dù vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các cơ quan chức năng quan tâm, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người lao động. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn không giảm. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 319 vụ tai nạn lao động, với 320 nạn nhân, số người chết là 6, tăng 4 người so với năm 2016.
CHỦ QUAN, THIẾU KIẾN THỨC
Theo báo cáo kết quả kiểm tra ATVSLĐ năm 2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người lao động.
Mặt khác, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Qua công tác kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, chưa chú trọng đến việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa và xử lý sự cố tai nạn lao động tại nơi làm việc; không xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hằng năm; chưa tổ chức bộ phận y tế; chưa thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động.
Tại một số đơn vị, việc kiểm định và khai báo máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt chưa đầy đủ; việc kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động còn hạn chế; công tác huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động chưa được tiến hành thường xuyên; chưa có cán bộ làm công tác ATVSLĐ; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động vẫn chưa được thực hiện theo quy định.
Hiện nay, việc mất ATVSLĐ trong nhóm đối tượng lao động tự do, lao động thời vụ diễn ra khá phổ biến, một phần do công tác kiểm tra còn hạn chế, người sử dụng lao động thiếu sự quan tâm, còn người lao động lại thiếu kiến thức.
Nhóm lao động tự do hoặc thời vụ chủ yếu tập trung ở các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, bán lẻ, sửa chữa xe máy... Công việc vất vả, nhọc nhằn và thường xuyên phải đối mặt với tai nạn nghề nghiệp, song họ lại phải chấp nhận một thực tế đáng buồn là quyền lợi không được bảo đảm vì không được người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, họ cũng không được tập huấn các kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh lao động, hay trang bị các thiết bị bảo hộ và cũng không được đào tạo về công việc, chủ yếu chỉ theo cách thức người cũ truyền kinh nghiệm cho người mới.
Ở một vài công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, hình ảnh thường thấy là những công nhân đang miệt mài làm việc trong tình trạng thiếu bảo hộ lao động. Tại một ngôi nhà cao tầng đang được xây dựng tại phường 3, TP. Tây Ninh, chúng tôi chứng kiến 3 lao động đang làm việc trên độ cao hàng chục mét mà không hề có dây bảo hộ hay nón bảo hộ, chỉ cần một chút sơ sẩy họ sẽ phải chịu hậu quả rất lớn.
Còn tại một công trình xây dựng nhà ở khác ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành), xung quanh nơi thi công ngổn ngang vật liệu xây dựng nhưng không có một công nhân nào mang giày bảo hộ lao động để tránh rủi ro khi giẫm phải vật nhọn hay vật liệu xây dựng rơi vào chân.
Cạnh đó không xa, có một công trình đang gấp rút thi công, giàn giáo dựng lỏng lẻo, một số chỗ được lắp đặt bằng những thanh gỗ không chắc chắn, thế nhưng, những nhân công vẫn “đầu trần chân đất” vô tư leo trèo làm việc mà không hề lo đến an toàn của bản thân.
Khi được hỏi về vấn đề an toàn lao động trong công việc, anh Hoài Phương- một thợ hồ tại TP. Tây Ninh chia sẻ: “Hầu như kiến thức về an toàn lao động chúng tôi chỉ được học theo kiểu anh em truyền kinh nghiệm cho nhau, còn về các thiết bị bảo hộ lao động, bản thân tôi cũng ít sử dụng vì không quen, mang vào cảm thấy rất vướng víu, bất tiện. Vả lại, tôi làm trước giờ cũng không bị tai nạn gì trầm trọng, chỉ vài vết thương nhỏ không đáng kể”.
Tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh như mây tre, mộc, rèn… vấn đề an toàn lao động cũng trong tình trạng bị bỏ ngỏ. Mặc dù đây là nhóm ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bởi hằng ngày, người lao động phải trực tiếp sử dụng các thiết bị, máy móc thủ công có khả năng gây tổn thương cho người sử dụng nếu chẳng may mất tập trung. Vào những đợt cao điểm, khi số lượng đơn đặt hàng nhiều và gấp gáp, nhân công tại các cơ sở còn phải làm việc cả ngày lẫn đêm, nguy cơ mất an toàn lao động lại càng cao hơn.
Một nhân công làm tại cơ sở sản xuất vật dụng bằng mây tre trên địa bàn xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành) cho biết, công việc của anh là dùng máy để cắt thân tre thành những đoạn ngắn, làm việc này phải tập trung cao, chỉ lơ đãng một chút là có thể đưa nhầm tay vào máy. Phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động rất cao, thế nhưng không một ai sử dụng các trang bị bảo hộ lao động.
Đa số cơ sở sản xuất ở các làng nghề thủ công có quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, vốn, lãi không nhiều, nên hầu như các cơ sở không đầu tư cho việc bảo đảm an toàn lao động. Lao động tại những cơ sở này thường làm theo dạng thoả thuận miệng, không có hợp đồng, nên khi tai nạn lao động xảy ra, việc bảo đảm cho họ và gia đình những quyền lợi thiết yếu là chuyện “hên, xui”.
Nhân công tại một lò mì (huyện Tân Châu) vẫn vô tư làm việc dù không có bảo hộ lao động.
CẦN CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH TAI NẠN LAO ĐỘNG
Tai nạn lao động là thảm hoạ đối với bất kỳ người lao động nào. Sau những vụ tai nạn, người nhẹ thì mất sức lao động, nặng thì mất cả tính mạng, từ đó dẫn đến nhiều gia đình mất đi trụ cột, cuộc sống bị đảo lộn.
Anh Nguyễn Văn Tây- sinh năm 1987 (ngụ tại ấp Ninh Lộc, Phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh), bị tai nạn điện giật trong lúc lao động vào năm 2017, lúc ấy hai tay và hai chân của anh đều bị phỏng nặng. Bác sĩ buộc phải cắt bỏ cả 2 tay của anh do đã bị hoại tử. Từ một thanh niên khoẻ mạnh, giờ đây anh chấp nhận một cuộc sống tật nguyền. Hiện nay, anh Tây vẫn phải trị liệu để phục hồi sức khoẻ. Vì là một người lao động tự do nên khi gặp tai nạn, anh chỉ được hỗ trợ một ít tiền điều trị, không được hưởng những quyền lợi theo quy định như những lao động có hợp đồng.
Anh Tây chia sẻ: “Nỗi đau từ vụ tai nạn lao động đến giờ vẫn luôn ám ảnh tôi, nhất là cảm giác bế tắc khi nghĩ đến tương lai. Tôi cảm thấy chua xót lắm khi để cha mẹ già yếu lại phải chăm lo cho mình”.
Không chỉ khiến tương lai của người lao động trở nên mịt mờ, tai nạn lao động còn khiến gia đình lao đao vì mất đi lao động chính, đồng thời để lại nỗi đau day dứt khôn nguôi.
Cách đây 1 năm, chồng bà Trịnh Thị Rớt (ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) đi làm công nhân cho một nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu). Công việc với đồng lương tuy không nhiều, nhưng hai vợ chồng vẫn có thể xoay xở, sống êm đềm qua ngày.
Thế rồi biến cố xảy đến, trong lúc làm việc, chồng bà Rớt bị trượt chân ngã vào hầm trộn mủ, tuy được những người cùng xưởng phát hiện và cấp cứu nhưng ông đã qua đời.
Nỗi đau mất chồng khiến bà Rớt vật vã suốt mấy tháng liền, sức khoẻ vì thế cũng suy sụp dần. Bà kể, trước đây thấy bà phải vất vả bương chải bán vé số, còn ông cố gắng đi làm công nhân để kiếm tiền lo cho cuộc sống hai vợ chồng. Giờ bà chỉ còn một thân một mình, cuộc sống càng khó khăn hơn.
Không chỉ anh Tây, chồng bà Rớt, mà thực tế ở tỉnh ta còn rất nhiều gia đình đang phải gánh lấy nỗi đau từ những vụ tai nạn lao động, đây thực sự là mối lo ngại của các cấp, ngành, đơn vị doanh nghiệp và toàn xã hội.
Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần 2 năm 2018, ông Dương Văn Phú- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất quan trọng đối với sức khoẻ và tính mạng hàng vạn người lao động, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, ngành đối với công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, hướng tới xây dựng và phát triển văn hoá an toàn lao động, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông đề nghị, các cấp, ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức công đoàn tích cực hưởng ứng phong trào bởi tính thiết thực, góp phần hạn chế những tổn hại lớn về tính mạng con người, vật chất, tinh thần cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá, sản phẩm của các doanh nghiệp.
Hoà Khang