Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
An toàn vệ sinh thực phẩm- không thể lơ là
Thứ hai: 14:26 ngày 22/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được các ngành, các cấp quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng phải nâng cao ý thức để góp phần giảm thiểu các nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm không an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì kiểm tra ATVSTP tại cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn huyện Tân Biên dịp Tết Trung thu năm 2023

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 11 người mắc, 2 người tử vong. Đây là những trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn thức ăn được chế biến từ nấm rừng. Theo bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế, để góp phần giảm thiểu các nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm không an toàn, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền để người dân nói không với thực phẩm độc hại.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13.774 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có 34 cơ sở sản xuất kinh doanh được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận; 294 cơ sở được Sở Y tế thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; 379 cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định đánh giá định kỳ (xếp loại A, B, C theo quy định), chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; 5.463 cơ sở thực hiện bảo đảm cam kết ATVSTP. Ban Chỉ đạo liên ngành đã tiếp nhận 644 sản phẩm của 262 cơ sở tự công bố sản phẩm thực phẩm theo quy định.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành đã tổ chức 354 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 4.738 cơ sở. Qua đó, phát hiện 467 cơ sở vi phạm, 175 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,97 tỷ đồng, buộc 1 cơ sở đóng cửa hoạt động; nhắc nhở và hướng dẫn 291 cơ sở khắc phục.

Các vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không bảo đảm đủ điều kiện ATVSTP; tổ chức giết mổ động vật tại địa điểm chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; kinh doanh hàng hoá hết hạn sử dụng; vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm không có dấu hiệu giết mổ, tem vệ sinh thú y...

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công thương chủ trì kiểm tra cơ sở sản xuất ruốc sấy trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Bên cạnh đó, các ngành còn tăng cường giám sát ATVSTP đối với các sản có nguồn gốc thực vật tại các chợ, chợ đầu mối nông sản, cửa hàng tiện lợi. Trong 33 mẫu gửi phân tích các chỉ tiêu, có 1 mẫu nhiễm E.coli vượt giới hạn cho phép, 3 mẫu có dư lượng Cadimi nhưng không vượt giới hạn cho phép. Đối với các mẫu thực phẩm có nguồn gốc động vật, các ngành phát hiện một số thực phẩm có dư lượng chất cấm (Trichlofon, Salbutamol), chất bảo quản (Natri Benzoat).

Đối với mẫu không đạt, các đoàn đã thông báo kết quả đến cơ sở có mẫu không đạt, thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào đối với các sản phẩm phát hiện tồn dư kháng sinh; hướng dẫn cơ sở thực hiện ký cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, ghi chép nguồn gốc để thuận lợi truy xuất nguồn gốc.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Công tác bảo đảm ATVSTP luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện, hoạt động kiểm tra, hậu kiểm được hoàn thành tốt đúng theo kế hoạch, có trọng tâm và trọng điểm; qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Theo bác sĩ Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSTP đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, không mua bán thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều chấp hành tốt các quy định trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhân lực phụ trách công tác ATVSTP của tuyến huyện và tuyến xã còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa đủ sức quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Công tác kiểm tra ở cấp xã còn hạn chế, chủ yếu nhắc nhở khi cơ sở vi phạm, chưa tổ chức xử phạt.

Các địa phương chậm trong việc rà soát, thống kê, cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa nắm hết các quy định của pháp luật về ATVSTP nên vẫn còn sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông ra thị trường. Người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc sản phẩm mà lựa chọn sản phẩm theo ý thích.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng ATVSTP trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên môn; siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về ATVSTP.

Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý chất lượng, kiểm soát ATVSTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, trong năm 2024, bên cạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (thời gian từ ngày 15.4 đến 15.5.2024); kiểm tra ATVSTP dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân năm 2025, kết hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều như thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; cơ sở dịch vụ ăn uống...

Nội dung kiểm tra bao gồm việc chấp hành pháp luật về ATVSTP; điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSTP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm ATVSTP.

Theo Kế hoạch bảo đảm ATVSTP năm 2024, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP đề ra các chỉ tiêu: giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể từ 30 người mắc/vụ trở lên; 88% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATVSTP; từ 90% trở lên cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP được cấp mới hoặc cấp lại; tăng 0,5% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản được thẩm định đạt yêu cầu xếp loại A, B; giảm 10% tỷ lệ mẫu thực phẩm vi phạm về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về an toàn vệ sinh thực phẩm...

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Hạt Catsrang Thức ăn Catsrang
Tin cùng chuyên mục