Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thi hành án dân sự:
Án tồn nhiều, biên chế ít
Thứ tư: 07:21 ngày 08/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những ngày qua, Ðoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, hiện còn hàng ngàn việc, hàng trăm tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Cục THADS tỉnh.

Tỷ lệ thi hành án thấp

Ở huyện Bến Cầu, chỉ tính riêng về thi hành án dân sự, từ ngày 1.10.2017- 30.5.2018, Chi cục THADS huyện đã thụ lý hơn 1.500 việc, đã giải quyết xong 490 việc (tăng 2,94% so với cùng kỳ), chưa có điều kiện thi hành 360 việc (chiếm tỷ lệ 23,5% so với việc phải thi hành). Tương tự, kết quả thi hành án về tiền, trong 8 tháng, THADS huyện thụ lý hơn 85 tỷ đồng, đã giải quyết xong gần 9 tỷ đồng (tăng 22,2% so với cùng kỳ), số tiền chưa có điều kiện thi hành gần 16 tỷ đồng (chiếm 18,76% so với số tiền phải thi hành).

Chi cục THADS thành phố Tây Ninh cũng gặp tình trạng như thế. Tính đến cuối tháng 5.2018, Chi cục đã thụ lý hơn 2.700 việc, đã giải quyết xong 977 việc (đạt tỷ lệ 49,62% so với chỉ tiêu được giao), còn tồn hơn 1.700 việc, trong đó, chưa có điều kiện giải quyết 786 việc, số việc đang giải quyết dở dang 992 việc. Kết quả thi hành án về tiền, trong 8 tháng, tổng số tiền thụ lý hơn 413 tỷ đồng, trong đó, số tiền có điều kiện thi hành, đã thực thu được hơn 41 tỷ đồng, số chưa có điều kiện thu hơn 157 tỷ đồng.

Theo Cục THADS tỉnh, chỉ tính riêng 8 tháng qua, Cục đã thụ lý hơn 25.000 việc, đã thi hành xong hơn 8.335 việc (đạt tỷ lệ 45,47% so với số việc có điều kiện thi hành), chưa có điều kiện thi hành hơn 6.700 việc (chiếm 26,79% so với số việc có điều kiện thi hành). Về tiền, thụ lý hơn 2.424 tỷ đồng- tăng hơn 333 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, đã thu được hơn 386 tỷ đồng- tăng 7,21% so với cùng kỳ. Số tiền chưa có điều kiện thi hành hơn 652 tỷ đồng.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại cũng là một gánh nặng đối với THADS. Trong 8 tháng, ngành đã tiếp 211 lượt công dân, 55 đơn khiếu nại, 4 đơn tố cáo. Tính đến nay đã giải quyết xong 49 đơn khiếu nại, 3 đơn tố cáo, đạt tỷ lệ 88,13%. Bên cạnh đó, còn có 16 đơn khiếu nại, 16 đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh và 2 đơn tố cáo của Ðoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HÐND, các Ban HÐND, UBMTTQVN tỉnh và các đơn vị khác chuyển đến. Tính đến nay, Cục THADS tỉnh đã ban hành 7 quyết định giải quyết khiếu nại; trả lời 17 đơn và đã báo cáo kết quả giải quyết đơn cho các cơ quan chuyển đến.

Mỗi chấp hành viên thụ lý 350 việc

Ông Hồ Hữu Ðức- Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bến Cầu cho biết, việc THADS tồn đọng do nhiều nguyên nhân như: hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, Luật THA, các nghị định, thông tư hướng dẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, cụ thể hoặc không phù hợp với điều kiện thực tiễn nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra; tài sản kê biên đã giảm giá nhiều lần nhưng không có người đăng ký tham gia đấu giá; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của đơn vị còn khó khăn; do thực hiện theo quy định mới của ngành Ðịa chính, hiện các xã, thị trấn không còn cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất, do vậy, việc xác minh điều kiện THA còn chậm, quá tải; chưa mạnh dạn xử lý tài sản đối với những vụ việc có giá trị THADS nhỏ v.v…

Còn theo ông Lại Vũ Hiếu Tùng- Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Tây Ninh, phần lớn đối tượng thi hành án dân sự có các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung công quỹ Nhà nước, thường là các đối tượng nghiện ma tuý, sống lang thang, không có công ăn việc làm, không có thu nhập ổn định, đang chấp hành hình phạt tù, hoàn toàn không có điều kiện THA. Ý thức chấp hành pháp luật của đương sự chưa cao; đương sự lợi dụng việc khiếu nại để kéo dài thời gian THA. Trong thời gian tự nguyện THA, đương sự đã tẩu tán tài sản; không kê khai những tài sản dễ cất giấu như vàng, bạc, đá quý…

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, ông Lê Văn Tiễn- Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết thêm, Tây Ninh có số lượng THA lớn - đứng hàng thứ 3 trên cả nước, trong khi biên chế không tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện còn thiếu 17 biên chế, 22 chấp hành viên, công việc luôn trong tình trạng quá tải. 8 tháng năm 2018, trung bình mỗi chấp hành viên thụ lý 350 việc. Chấp hành viên gặp khó khăn khi xử lý tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất, đương sự khởi kiện yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá hoặc tài sản liên quan đến chính sách an sinh xã hội; người phải THA đang chấp hành hình phạt tù hoặc bỏ địa phương không xác định được địa chỉ mới; người nước ngoài sau khi chấp hành xong án phạt tù đã trở về nước, không xác định được địa chỉ; người phải THA không hợp tác, chống đối hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian THA; chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi chống đối, không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Công tác phối hợp trong THADS với Văn phòng đăng ký đất đai ở các huyện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khi xác minh quyền sử dụng đất, Văn phòng đăng ký yêu cầu Chi cục cung cấp thông tin về tài sản kèm phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai và nộp phòng một cửa, nộp phí trích lục. Những yêu cầu này rất khó đối với chấp hành viên vì không có thông tin về quyền sử dụng đất để cung cấp, hồ sơ xác minh phải chuyển qua nhiều khâu, nhiều thủ tục kéo dài thời gian. Ðối với những trường hợp kê biên tài sản, Văn phòng đăng ký yêu cầu phải ký hợp đồng đo đạc hiện trạng thực tế thửa đất, sau đó mới trích lục bản đồ đất rồi mới tham gia kê biên, làm kéo dài việc kê biên tài sản. Văn phòng đăng ký không tham gia với tư cách thành viên của hội đồng kê biên mà chỉ tham gia thực hiện dịch vụ đo đạc có thu phí. Mặt khác, Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện không ký hợp đồng đo đạc với cơ quan THADS, vì theo quy định, không được ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức. Khi có chỉ đạo của cơ quan cấp tỉnh về việc ký hợp đồng, Văn phòng đăng ký yêu cầu phải có người chủ đất để chỉ ranh giới đất, mới thực hiện đo đạc. Yêu cầu này gây khó khăn cho cơ quan THADS, vì thực tế, có những trường hợp chủ đất cố tình không hợp tác hoặc không xác minh được ranh giới đất của mình, từ đó kéo dài thời gian THA.          

Ở góc độ khác, hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS đôi lúc cũng ảnh hưởng đến việc THA. Theo quy định, thành viên Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh, huyện đều phải là trưởng các ngành, nhưng trên thực tế, do bận nhiều việc nên các thành viên Ban Chỉ đạo THADS thường cử cấp phó đi dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Ông Mai Văn Hải- Chánh Văn phòng HÐND tỉnh nói: “Trên thực tế, có nhiều việc quan trọng, cần sự quyết định của các thành viên Ban Chỉ đạo THADS, nhưng trong một số cuộc họp, không đủ các thành viên Ban Chỉ đạo đến dự hoặc không có cấp trưởng các ngành mà đa số là cấp phó dự nên không quyết định được gì cả”. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo THADS, nhất là cấp huyện thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác nên dẫn đến thay đổi thành viên.

Tang vật ở Cục THADS tỉnh.

Cục THADS kiến nghị sửa luật, điều chỉnh biên chế

Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo Cục THADS tỉnh kiến nghị với Quốc hội sửa đổi Luật THADS. Cụ thể, tại khoản 1, Ðiều 61 quy định thời gian miễn giảm nghĩa vụ THA quá dài, số tiền được xét có giá trị nhỏ mà hồ sơ THA phải theo dõi nhiều năm. Vì vậy đề nghị quy định rút ngắn thời gian. Tại khoản 2, Ðiều 61 quy định được xét miễn giảm nghĩa vụ THA, đề nghị bỏ phần quy định “đã thi hành được 1 phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước tại khoản 2, Ðiều 61 Luật THADS”. Sửa đổi Luật THADS về việc THA liên quan đến vật đặc định (vật phân biệt với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí - TS) không còn hoặc hư hỏng đến mức không còn sử dụng được; sửa đổi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 của Quốc hội ban hành về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo hướng quy định cơ quan THADS được thu tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân từ tiền bán tài sản bảo đảm.

Ðối với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, lãnh đạo Cục THADS tỉnh kiến nghị xem xét, điều chỉnh biên chế trong nội bộ ngành nhằm tăng biên chế cho những địa phương có lượng án lớn, đủ lực lượng giải quyết án đạt chỉ tiêu được giao; sớm tổ chức thi tuyển công chức cho các địa phương chưa tuyển đủ biên chế; tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Luật THADS năm 2014 để rà soát, đánh giá các quy định liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật.

Ðối với Thông tư 08/2015/TT-BTP, đề nghị đưa vào tiêu chí phân loại việc chưa có điều kiện thi hành đối với việc hoãn THA theo điểm d khoản 1, khoản 2, Ðiều 48, tạm đình chỉ THA theo Ðiều 49 Luật THADS; sửa đổi tiêu chí phân loại tiền có điều kiện thi hành theo hướng đối với toàn bộ tài sản đã kê biên để bảo đảm THA đã có kết quả thẩm định giá thì giá trị tài sản đã được thẩm định sẽ được thống kê là có điều kiện THA; phần nghĩa vụ còn lại theo bản án nhưng người phải THA không còn tài sản nào khác thì được thống kê là chưa có điều kiện THA, như vậy sẽ phản ánh chính xác giá trị tài sản có điều kiện THA; có văn bản quy định những lực lượng tham gia hỗ trợ chấp hành viên áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài sản của người phải THA; hướng dẫn cụ thể việc xác định dụng cụ lao động có giá trị không lớn theo điểm đ, khoản 2 Ðiều 87 Luật THADS; hướng dẫn thống nhất việc thanh toán số tiền còn lại theo quy định tại Ðiều 47 Luật THADS.

Ðại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục