BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấn tượng Nam Du 

Cập nhật ngày: 11/06/2019 - 09:06

BTNO - Sóng biển dập dềnh. Gió lồng lộng thổi. Cảnh vật hoang sơ. Người dân hiền lành, mến khách. Đó là những ấn tượng đầu tiên trong hành trình tham quan quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Một góc biển đảo Nam Du.

Sáng sớm, từ thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), đoàn chúng tôi lên tàu cao tốc Superdong, bắt đầu hướng về đảo Nam Du. Tàu rời bến cảng một lúc, hành khách được ra phía sau boong tàu hóng gió, ngắm cảnh. Buổi sáng nắng dịu, trời trong, gió thổi phần phật. Càng ra xa, nước biển càng trong veo, xanh thẳm. Thấp thoáng trong màn sương sớm mai là những chiếc tàu đánh cá, xa xa là những hòn đảo lớn, nhỏ như nhấp nhô theo sóng nước.

Đứng im trên boong tàu, để mặc cho gió lùa tung bay mái tóc, nhắm đôi mắt lại, hít một hơi căng phồng lồng ngực càng thấy tâm hồn thanh thản lạ thường. Có thể nói, đây là món quà đầu tiên mà đảo Nam Du gửi tặng đến du khách.

Một trong những bãi tắm đẹp ở đảo Lớn.

Trong hành trình đến đảo, tàu cao tốc lần lượt lướt qua những hòn đảo lớn, nhỏ khác như đảo Hòn Tre, Hòn Sơn và nhiều đảo khác mà tôi chưa kịp biết hết tên. Đặc điểm chung ở các đảo này là được phủ một màu cây xanh cây lá, trong đó có rất nhiều cây dừa cao hàng chục mét, thân dừa ngã nghiêng theo sóng gió, tạo nên khung cảnh rất đặc trưng của vùng biển đảo.

Một số đảo diện tích lớn, có nhiều hộ dân làm ăn sinh sống. Quanh đảo nhiều căn nhà kiên cố, thuyền bè tấp nập, ở cầu cảng nhộn nhịp người dân vận chuyển hàng hóa. Còn những đảo nhỏ chỉ lác đác vài căn nhà; có nhiều đảo khác hoàn toàn vắng lặng, không thấy bóng dáng dân cư làm ăn, sinh sống.

Sau hơn 2 giờ băng băng trên sóng nước, cuối cùng tàu đưa chúng tôi đến Nam Du. Đây là hòn đảo có diện tích lớn nhất (hơn 770 ha) trong 21 đảo thuộc quần đảo Nam Du, nên được người dân địa phương đặt tên là đảo Lớn hoặc đảo Nam Du. Xung quanh cầu cảng, cả trăm tàu thuyền neo đậu.

Trên bờ, hàng quán, nhà cửa san sát nhau thành một khu chợ- phố trải dài theo bờ biển. Ở khu chợ- phố này, du khách dễ dàng mua được nhiều đặc sản biển tươi ngon, như tôm, cua, cá, mực, ốc, nhum và nhiều thức ăn chế biến sẵn, như như chả cá, chả tôm, cá xương xanh nướng giấy bạc, cá khô các loại.

Bộ xương cá Ông được thờ cúng ở miếu trên đảo Lớn.

Rất lạ, có những thức ăn, nước uống rất bình thường ở đất liền, nhưng ở đảo này trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích, như nước đá me, bánh khoai mỡ chiên. Hầu như hàng quán nào cũng có một nồi me dằm, nấu sệt. Khi du khách muốn thưởng thức, chủ quán múc một giá vào ly nhựa, rắc thêm ít đậu phộng rang và cho vào chút đá.

Thấy nhiều người xúm xít mua loại nước uống này giải khát, chúng tôi cũng thử vài ly thưởng thức. Có lẽ do không khí biển mằn mặn, nắng nóng, khát nước sau chuyến hành trình dài hơn 80km, nên ly nước đá me có sức hấp dẫn lạ thường.

Thức ăn trên đảo này rất hấp dẫn. Tất cả những hải sản ở đây đều được chế biết khi còn tươi sống, vì vậy mỗi món ăn đều thơm ngon, có vị ngọt, hoàn toàn khác xa với hải sản ướp lạnh mà người dân đất liền thường mua ở cửa hàng, siêu thị. Vui chơi giải trí và phong cảnh ở đảo này lại càng độc đáo.

Bãi biển ở đây không rộng lớn và trải dài cả chục kilomet như Vũng Tàu mà được tạo nên bởi các eo, vịnh nhỏ. Mặc dù bãi tắm nhỏ, nhưng bù lại, nước biển trong veo, bãi cát bằng phẳng, trải rộng ra xa cả trăm mét, ít có sóng to, gió lớn. Trên bờ biển là những hàng dừa cao vút, xum xuê trái. Một vài cây dừa cổ thụ, thân ngã nghiêng ra mặt biển, tạo thành điểm nhấn rất đẹp.

Dọc theo các bãi tắm không có nhiều dịch vụ như ở những khu du lịch biển nổi tiếng. Đơn giản, ở đây chỉ có những căn chòi che chắn tạm bợ, bàn ghế đơn giản. Chủ nhân của những căn chòi này cũng chỉ bán những thức ăn đánh bắt từ biển. Nước uống, chủ yếu có nước dừa, nước đá me. Ở đảo, những thứ nước uống phổ biến ở đất liền như coca, pepsi, sữa đậu nành, rượu, bia v.v… đều trở thành hàng hóa hiếm hoi và đắt đỏ.   

Những du khách nhí thích thú khi bắt được nhum- một loài hải sản ở hòn Sơn.

Ngoài việc vui chơi ở bãi biển, chúng tôi còn được đưa đi lặn ngắm san hô. Ở những vùng biển nông ven đảo, du khách dễ dàng trầm mình xuống nước để tận mắt nhìn ngắm rặng san hô nhiều hình thù quái lạ và đầy màu sắc. Có những cụm san hô xù xì, sắc bén, nếu du khách vô tình dẫm chân lên đều dễ bị chúng khứa rách da, chảy máu.

Nhưng cũng có những cụm san hô như một khối hình tròn, trùi trụi, đứng chân lên chúng, có cảm giác như đang đi trên một tảng đá chìm dưới mặt biển. Len lỏi giữa các cụm san hô này là nhiều đàn cá nhỏ, màu sắc sặc sỡ bơi lượn dưới chân. Mỗi khi phát hiện có du khách lặn đến gần, chúng túa ra, bơi đi khắp nơi rồi nhanh chóng lẩn khuất vào những rạn san hô kế cận như một trò chơi trốn tìm.

Khi màn đêm buông xuống, biển đảo ở đây như thay áo mới, những chiếc thuyền đánh cá lên đèn sáng trưng và bắt đầu ra khơi. Ngư dân dùng hàng chục bóng đèn điện, có độ sáng cao lắp đặt quanh thuyền. Khi ánh sáng từ những chiếc bóng đèn hắt xuống mặt biển, khiến nhiều loài cá, mực bơi đến như con thiêu thân, và ngư dân chỉ việc dùng lưới, câu để bắt chúng.

Ngoài kế sinh nhai, người dân vùng biển còn làm kinh tế du lịch bằng cách mở dịch vụ cho thuê thuyền câu, với giá 3 triệu đồng/ lượt. Anh Cường- 35 tuổi, ngư dân địa phương cho biết, mỗi thuyền có thể chở được hơn 15 du khách. Nếu may mắn, đêm nào sóng yên biển lặng hoặc gặp phải “luồng” cá đi, du khách cũng kiếm được một số cá, mực và có một trải nghiệm đáng nhớ. Nếu không may thì trở về tay trắng.

Nhum nướng- món đặc sản được nhiều người ưa thích.

Nhìn lượng khách du lịch đến đảo ngày càng tăng, anh Cường cảm thấy vui. Ngư dân này kể: “5 năm về trước, những hòn đảo này rất vắng lặng. Người dân trên đảo chủ yếu kiếm sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Một số người khác thì làm nghề nuôi cá lồng bè hoặc mua bán hàng hóa từ đảo vào đất liền và ngược lại.

Những năm gần đây khách du lịch đến đây tham quan ngày càng đông. Người dân địa phương cũng dễ làm ăn, sinh sống hơn. Nhiều dịch vụ du lịch nở rộ. Nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà trọ được xây dựng. Cuộc sống trên đảo nhộn nhịp hơn hẳn”.

Tham gia giao thông trên đảo cũng khá thú vị. Trên đảo chỉ có một đường giao thông duy nhất bao quanh. Con đường này có chiều ngang khoảng 3 mét, tráng bê tông xi măng bằng phẳng. Điều thú vị nhất là người tham gia giao thông ở đây không sợ đi lạc cũng không lo sợ bị mất cắp xe cộ, nón bảo hiểm như ở đất liền. Du khách có nhu cầu đi lại, dễ dàng thuê một chiếc xe gắn máy ở bến cảng và mặc sức lang thang trên đảo.

Lặn ngắm san hô- một trong những nội dung không thể bỏ qua ở biển đảo Nam Du.

Men theo con đường này, du khách sẽ được đến những địa hình có đỉnh dốc khá cao. Từ đó phóng tầm mắt ra xa, thấy nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác. Nhiều người đã ví nơi đây như vịnh Hạ Long ở Kiên Giang, quá thật không sai.

Điều khiển xe một đoạn nữa, du khách sẽ đến Ngư thần miếu. Nơi đây thờ một bộ xương cá Ông (cá voi) rất to, ước tính dài hơn 10 mét. Bộ xương được đặt trong một khung kính, có bàn thờ, khói hương nghi ngút. Nhiều du khách đến đây tham quan cũng đã thắp nhang cúng bái. Theo truyền thuyết, loài cá khổng lồ này thường hay giúp ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển, vì vậy ngư dân hay gọi cá voi bằng cái tên rất cung kính “cá Ông” và thờ cúng, giữ gìn bộ xương cá cẩn thận khi bắt gặp loài cá khổng lồ này mắc cạn, qua đời.

Rời đảo Lớn, hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến tham quan đảo Hòn Sơn (hay còn gọi là Hòn Rái). So với đảo Lớn, đảo Hòn Sơn có diện tích nhỏ hơn (11 km2), cư dân ít hơn và có phần yên ắng. Cuộc sống ở đây có vẻ diễn ra chậm rãi, không hối hả, ồn ào như chốn thị thành.

Gần 8 giờ, anh Phúc- trạc 30 tuổi, một người dân địa phương lục đục lôi trong sàn nhà ra mớ dụng cụ chuyên dùng để bắt cua đá. Anh chậm rãi lần giở từ chiếc bẫy này để kiểm tra lại xem có ô lưới nào bị rách không. Nơi nào bị rách, anh lấy dây chỉ đan vá lại cho lành rồi để sang một bên. Sau đó, anh vào nhà lấy mớ cá con ra, ghim vào bẫy. Vừa làm anh vừa vui vẻ chuyện trò.

Tảng đá được sơn phết thành hình chú rùa biển khổng lồ rất đẹp.

Người dân này bộc bạch: “Tôi kiếm sống bằng nghề bắt cua đá. Chúng thường sinh sống trong các ghềnh đá. Mỗi ngày bắt được cua đem về nhà là người dân địa phương xúm lại mua nên rất hiếm khi bán ra thị trường”. Anh Phúc cho hay, trên đảo cũng có đầy đủ tiện nghi, có chợ, trường học, điện thắp sáng.

Những năm gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 ngàn du khách từ khắp nơi đặt chân lên đảo này. Dùng xe gắn máy dạo quanh một vòng Hòn Sơn, chúng tôi thấy có nhiều cảnh đẹp, hoang sơ hơn đảo Lớn và được nghe nhiều truyền thuyết hấp dẫn về chúa Nguyễn Ánh, hòn Củ Tron, Mũi Đá Lở, Bãi Ngự, giếng Tiên…

Rác thải sinh hoạt xuất hiện ven bãi biển.

Mặc dù ở hai đảo nêu trên đều có đặt những biển báo với nội dung “Nói không với sử dụng bao nylon”, “Chung tay bảo vệ môi trường” v.v… cũng như quy hoạch bãi chứa và xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng trên thực tế, ở những nơi thường tập trung đông du khách vẫn còn khá nhiều rác thải vứt lăn lóc trong bụi cây, hốc đá, bờ kè. Ở một vài bãi tắm, khi lặn sâu xuống nước vẫn bắt gặp những bao nylon, vật dụng gia đình trôi nổi bồng bềnh hoặc chìm dưới đáy biển.

Biển xanh, cát trắng, thiên nhiên hoang sơ và những truyền thuyết hấp dẫn là thế mạnh về du lịch của biển đảo Nam Du. Nếu chính quyền địa phương và cả du khách không nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trong tương lai hòn đảo này không thể tránh khỏi ô nhiễm.

Đại Dương

 


Liên kết hữu ích