Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ở Tây Ninh, tuy chưa xuất hiện ca bệnh nào nghi nhiễm khuẩn tả nhưng trước tình hình bệnh tả đang diễn ra ở nhiều nơi trong nước thì không phải không có gì đáng lo ngại.

Ngày 21.4 vừa qua, Viện Paster thành phố HCM đã khẩn cấp triệu tập các Sở Y tế 20 tỉnh phía Nam để triển khai về công tác phòng chống sự lây lan của bệnh tả trên diện rộng. Trong đó đặc biệt lưu ý đến các tỉnh có biên giới giáp với Campuchia- nơi đang bùng phát dịch bệnh như Bình Phước, An Giang, Tây Ninh.
Ở Tây Ninh, tuy chưa xuất hiện ca bệnh nào nghi nhiễm khuẩn tả nhưng trước tình hình bệnh tả đang diễn ra ở nhiều nơi trong nước thì không phải không có gì đáng lo ngại.
Thời điểm này có thể nói rằng nhận thức của người dân đối với việc phòng chống dịch bệnh là chưa cao, vẫn còn tình trạng rất chủ quan, thậm chí thờ ơ với nguy cơ dịch bệnh. Cụ thể như việc sử dụng hàng rong, thức ăn vỉa hè (một trong số các nguyên nhân chính gây lây lan bệnh tả) vẫn diễn ra thường xuyên và vô tư.
Dạo quanh các khu vực chợ Long Hoa, trước cổng Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, tại các trường học, chợ, vẫn thấy hàng rong hoạt động tấp nập cả hai buổi sáng, chiều. Các loại thức ăn như bánh canh, hủ tiếu, trứng cút, cá viên chiên, bánh trái, nước giải khát… đều có đủ. Nhiều người vẫn vô tư ăn uống từ các xe, gánh hàng rong hay quán vỉa hè trong môi trường không lấy gì sạch sẽ. Đặc biệt là các em học sinh- đối tượng thích ăn hàng rong nhất. Những món các em khoái khẩu thường là bánh tráng trộn, trứng cút, cá viên chiên, trà sữa… mà những loại thức ăn này đã không ít lần bị báo chí lên tiếng vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở các chợ, cũng không ít gian hàng ăn uống không đảm bảo vệ sinh, nhiều sạp, quầy ăn uống rất gần các quầy thịt, cá tươi sống.
![]() |
Hàng rong vỉa hè thường tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh |
Tiếp xúc với một phụ huynh chờ đón con trước cổng một trường mẫu giáo ở xã Tân Hưng (Tân Châu) thì được biết, chị không hề nghe nói gì về bệnh tả, vì: “Tui đi làm mướn suốt, đâu có thời gian nghe tin tức gì.” Hỏi chị có biết bệnh tả thế nào không, chị lắc đầu. Còn các em học sinh, cũng rất vô tư cho biết: hay ăn quà vặt, quà rong vì thích, chẳng quan tâm vấn đề gì khác.
Trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vào tầm sáng và chiều thì các gánh hàng rong lại tấp nập người ăn uống. Anh Dũng nhà ở Châu Thành đang nuôi người bệnh tại đây cho biết: “Ăn cho qua bữa chứ ai cũng biết là không đảm bảo, nhưng được cái rẻ”. Một chị đi cùng cũng phụ hoạ theo: “Ăn trong căn tin thì mắc hơn”.
Trong tình hình thời tiết khô nóng như hiện nay, các loại thức ăn thức uống giải nhiệt như trái cây, sương sa, hột lựu, nước sâm được người tiêu dùng dễ tính ưu tiên chọn lựa. Một lần, giữa buổi trưa nắng tại chợ Long Hoa, tôi chứng kiến một chị hàng rong luôn tay bán hàng cho khách mà nếu chịu khó quan sát chắc nhiều người không dám ăn, uống những món chị trao. Ly bán hàng khách dùng xong chỉ được nhúng vào một chậu nước nhỏ đã nổi váng nước cốt dừa rồi lại úp lên khay, chờ bán tiếp cho người khác. Nước đá mua về là bỏ vô ngay thau sương sa mà không cần rửa. Chị cứ vô tư đập đá, múc nước, rửa ly, đổ nước thừa ra ngay phía sau và khách ăn thì cứ vô tư ngồi ăn cho mát. Chị bán hàng kể mỗi ngày chị bán cả 3 thau như vậy và “ở nhà tự nấu không đấy”! Mỗi lần vắng khách, chị lại lau tay vào chiếc áo đang đẫm mồ hôi vì nắng nóng.
Hàng rong không đảm bảo vệ sinh sẽ góp phần đắc lực cho sự lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. Đáng nói, thói quen tiêu dùng của không ít người dân hiện nay là chỉ chú ý giá cả mà không quan tâm đến chất lượng vệ sinh thực phẩm. Đây là một thói quen có hại. Trong thời tiết hiện nay, các loại thức ăn, nhất là thức ăn đường phố, nếu không được bảo quản kỹ sẽ dễ bị hư hỏng, dễ phát sinh mầm bệnh, làm ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, bác sĩ Mai Thị Rơi cho biết tình trạng nhập viện vì tiêu chảy vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong thời gian nắng nóng vừa qua. Chủ yếu là các bệnh nhiễm khuẩn và ngộ độc thức ăn (ở các đám tiệc, hàng rong…). Tuy đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện một trường hợp nào nghi nhiễm khuẩn tả, bác sĩ Rơi cũng khuyến cáo về tình trạng người thăm nuôi bệnh hay dùng hàng rong bên ngoài cổng bệnh viện, trước mắt có lợi do giá rẻ nên nhiều người chuộng cách ăn uống này nhưng ít ai nghĩ đến hậu quả về sau, sẽ rất có hại cho sức khoẻ.
Các loại dịch bệnh thông qua đường ăn uống thường không phát bệnh ngay mà qua một thời gian ủ bệnh. Diễn biến của bệnh cũng tuỳ theo mức độ đưa thức ăn nhiễm mầm bệnh vào người nhiều hay ít. Hậu quả của việc ăn uống bừa bãi, không đảm bảo vệ sinh là rất khó lường. Vì thế người dân hãy biết tự bảo vệ mình, bằng cách thực hiện theo khuyến cáo chung của ngành Y tế là nên ăn chín uống sôi và nên lựa chọn những loại thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo quản kỹ trong điều kiện vệ sinh an toàn. Đó là cách tích cực để chúng ta tự bảo vệ mình trước những nguy cơ dịch bệnh như hiện nay.
Những bệnh sinh ra từ thực phẩm Động vật tươi sống như thịt heo, thịt bò, thịt gà, vịt... dễ bị nhiễm bẩn. Chúng có thể bị nhiễm các mầm bệnh có sẵn trong ruột của động vật hoặc từ tay người, dụng cụ làm bếp trong quá trình giết mổ, chế biến. Còn rau quả bị nhiễm bẩn do được phun tưới hoặc được rửa bằng nguồn nước không sạch có chứa mầm bệnh... Nhiễm trùng dạ dày ruột cấp: Do ăn, uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm bẩn mầm bệnh Campylobacter, Samonella, E.Coli 0157. H7, Calcivirus, phẩy khuẩn tả hoặc bị nhiễm độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng, Clostridium botulinum. Nhiễm độc thức ăn: Nhiễm các độc tố có sẵn trong thực phẩm hoặc nhiễm các hoá chất độc hại từ bên ngoài thâm nhập vào thực phẩm qua quá trình nuôi trồng, chế biến như ngộ độc khoai mì, ngộ độc cá nóc, ngộ độc cá trắm, ngộ độc nấm, ngộ độc thuốc trừ sâu trong rau quả... Nguồn: dinhduong.com.vn |
ĐÀO NAM