Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ăn uống thanh đạm sau tết
Thứ bảy: 09:03 ngày 04/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong mấy ngày tết, khó ai có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của thức ăn bày đầy trước mặt. Hệ lụy dẫn theo là lên cân, thừa cholesterol, rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột, chán ăn, mệt mỏi...

Cần phải ăn gì để góp phần giải tỏa tình trạng độc hại này?

1. Canh: Trong ẩm thực, canh là món có lợi cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu nhất. Có nhiều loại canh và tùy theo khẩu vị của từng người mà chọn món thích hợp. Dưới đây là những món canh dễ làm, dễ ăn và 
nên thuốc.

• Canh nấm mèo thịt nạc, thêm một nhúm rau hẹ, đun nhỏ lửa cho sôi, uống, có tác dụng bồi bổ khí huyết, chữa bụng trướng, khó tiêu, giải độc cơ thể.

• Canh đại táo, rửa sạch nấu cho sôi, để ấm uống trong ngày, tác dụng kiện tỳ ích khí, chữa kém ăn, tỳ vị yếu mệt.

• Canh thịt giá củ năng là loại canh thượng phẩm được ghi trong sách cổ, dùng trong mùa xuân có tác dụng tăng cường sinh lực. Khi nấu cần cho ít thịt heo nạc, giá sống, bắp cải, củ năng, trứng gà, gừng, hành, dầu mè và ít gia vị.

Nấu nước thịt xong cho trứng gà vào, nêm nếm vừa miệng, sau đó mới cho giá và cải vào, đun 
chín rồi ăn.

• Canh trứng đậu hủ khô, gồm đậu hủ khô thái lát, nấm hương, trứng cút, hành tỏi, nấu canh xong nêm nếm vừa miệng, ăn trong ngày sẽ giúp bồi bổ tỳ vị, mạnh dạ dày, giúp ăn ngon miệng, phục hồi sức khỏe.

2. Cháo: Người Trung Hoa có thói quen ăn cháo (tuy nhiên họ lại rất kiêng kỵ món cháo trong ngày mùng 1 đầu năm vì sợ nghèo quanh năm), đặc biệt là cháo nấu từ ngũ cốc vì nó chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng lại rất dễ hấp thu, không bắt dạ dày làm việc quá sức, còn giúp chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Danh y Lý Thời Trân có nói: “Mỗi ngày dùng một bát cháo... là bí quyết tốt nhất của ăn uống vậy”.

• Cháo tỏi: lấy tỏi tía, nấu trong nước cho nhừ, sau đó cho gạo tẻ vào nấu chung đến thật nhừ, ăn sẽ giúp ấm tỳ vị, chữa đầy bụng, ăn không tiêu, kiết lỵ, làm hạ huyết áp, giảm cholesterol 
trong máu.

• Cháo hoài sơn: hoài sơn nấu chung với gạo cho nhừ, chữa chứng chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tỳ vị hư nhược, người già bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, trẻ em chậm lớn.

• Cháo gừng: gừng tươi, đại táo, gạo tẻ nấu chung, ăn vào giúp chữa đầy hơi, sình bụng, khó tiêu do ăn quá nhiều thịt mỡ, chữa tiêu chảy, nôn mửa.

• Cháo bột ngô: bột ngô nấu chung với gạo thành cháo, chữa mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, cao huyết áp và phòng ngừa 
ung thư.

• Cháo bát bảo: khiếm thực, hoài sơn, phục linh, hạt sen, ý dĩ, đậu cô ve, đảng sâm, bạch truật, nấu chung với gạo cho nhừ, ăn vào giúp cơ thể linh hoạt nhẹ nhàng, kiện tỳ vị, làm ấm cơ thể, chữa tiêu chảy, người mệt mỏi.

3. Nước ép trái cây, rau củ tươi: Theo các nhà dinh dưỡng học, nước trái cây tươi không chỉ bổ sung cho cơ thể nhiều loại vitamin cần thiết để phòng bệnh mà còn chữa được một số bệnh thông thường như cảm cúm, ho, viêm nhiễm.

Đồng thời giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lão hóa tế bào nên giúp con người giữ được nét trẻ trung như mơ, nho, dâu, cam, chanh, bưởi, sơ ri, mãng cầu...

Nên dùng nước ép trực tiếp không qua chế biến hoặc đóng hộp vì có sử dụng chất bảo quản và nhiều vitamin đã bị phân hủy ở nhiệt cao. Các chuyên gia còn khuyến cáo nên ăn nhiều loại rau củ quả khác nhau cho phong phú, mỗi loại một ít.

Có nhiều cách như ăn sống, xốt cà chua, dầu giấm, trộn xà lách, rau ghém, hoặc ép vắt lấy nước. Không nên đun quá chín hoặc để lâu sẽ làm mất nhiều hoạt chất.

4. Thức uống từ thảo dược:

• Tam đậu ẩm: gồm đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, bồi bổ sức khỏe, tiêu mỡ giảm béo.

• Đinh hương trần bì ẩm: khi uống thêm ít mật ong, công dụng làm ấm tỳ vị, bổ khí, chữa kém ăn, người mệt mỏi.

5. Trà dược có thể tăng cường thải độc cho gan, giúp cơ thể nhẹ nhàng thư thái.

• Trà Artichaud, trà nhân trần, tăng cường thải độc gan và còn giúp phục hồi tế bào gan bị tổn thương do uống quá nhiều bia rượu trong ngày tết.

• Trà lục mai, lấy lá chè xanh thêm một ít đài hoa mai còn xanh (sau khi cánh hoa rụng hết), pha trong nước sôi uống sẽ có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, giảm đau bụng, đau dạ dày, đau tức hông sườn, người mệt mỏi, ăn kém, giải độc rượu, thuốc lá.

• Trà ô long gia giảm, dùng vài núm trà ô long, ít nụ hoa hòe, sơn tra, hà thủ ô đỏ, vỏ quả bí đao khô, nấu chung cho sôi, bài trà thuốc này có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon ngủ tốt, bổ khí huyết, bảo vệ sức khỏe và gia tăng tuổi thọ.

Các loại thực phẩm kéo chất béo ra ngoài

Các loại thực phẩm nhiều chất xơ như đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, đậu hòa lan, măng tre, giá, bắp cải, cà rốt, su hào, nấm... cung cấp chất xơ không hòa tan góp phần hạn chế sự hấp thu và kéo các chất béo ra khỏi cơ thể.

Ăn thêm gia vị như hành, tỏi, nghệ, mùi tây, húng quế... sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các vitamin nhóm B, giúp tăng cường chuyển hóa và giảm béo bệu.

Ăn thêm cá, rong biển, ốc, hến thay cho thịt, thịt mỡ đồng thời giúp dễ tiêu và không làm tăng thêm lượng calo cho cơ thể.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh