Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Quân đội Anh đồn trú tại Basra, miền Nam Iraq đã chính thức cuốn cờ, trao quyền chỉ huy các hoạt động quân sự cho phía Mỹ, mở đường cho việc rút toàn bộ 4.000 binh lính vào cuối tháng 5 này.

![]() |
Hình ảnh anh lính kèn Gareth Roberts phản chiếu trên những tấm bảng đồng ghi tên 179 lính Anh thiệt mạng tại Iraq. Ảnh: AP |
Quân đội Anh đồn trú tại Basra, miền Nam Iraq đã chính thức cuốn cờ, trao quyền chỉ huy các hoạt động quân sự cho phía Mỹ, mở đường cho việc rút toàn bộ 4.000 binh lính vào cuối tháng 5 này.
Vào thời điểm Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein hồi tháng 3.2003, Anh đã đưa khoảng 46.000 binh lính để hỗ trợ Mỹ trong các chiến dịch ở miền Nam Iraq. Giờ đây, lá cờ “sao- vạch” của Mỹ đã được kéo lên ở căn cứ quân sự tại Basra, thay thế cho lá cờ Anh. Với 130.000 quân còn lại, Mỹ sẽ phải xé mỏng lực lượng để cùng với binh lính Iraq “trấn giữ” khu vực này. Rất may là so với những nơi khác tại Iraq, Basra khá bình yên.
Phát biểu tại London sau cuộc gặp người đồng cấp Iraq Nouri al-Maliki, Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố: “Ngày hôm nay (30.4) đánh dấu sự kiện khép lại một chương lịch sử tham chiến của quân đội Anh tại Iraq. Họ (người dân Iraq) sẽ luôn luôn nhớ những gì mà chúng tôi đã mang lại cho họ…” (!?).
Trong suốt hơn 6 năm tham chiến, đã có 179 binh lính Anh thiệt mạng tại Iraq. Theo một thoả thuận giữa hai chính phủ, Anh sẽ duy trì khoảng 400 “nhân viên cố vấn” đã nhận nhiệm vụ huấn luyện hải quân Iraq bảo vệ các dàn khoan khai thác dầu ở vùng Vịnh.
Thực tế, chính phủ Anh cũng rất khó xử khi “dứt áo ra đi”, bỏ mặc anh bạn đồng minh Mỹ ở lại với tình hình Iraq còn tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, cho dù gần đây số vụ đánh bom liều chết hay tấn công của các phe nhóm nổi dậy hoặc khủng bố Al-Qaeda đã giảm hẳn. Tuy nhiên, việc Anh tham gia cuộc chiến tại Iraq khiến dư luận trong nước phản ứng dữ dội, gây khó khăn cho cựu Thủ tướng Tony Blair trong những năm cuối nhiệm kỳ, buộc Anh phải rút quân.
Đặng Hoàng Thái
(Theo AP)