Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tờ Sunday Times cuối tuần qua gây bão dư luận với bài viết chỉ trích "38 ngày mộng du trong thảm họa" của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson.
Bài báo được đăng trong mục Chuyên sâu, tiết lộ Thủ tướng Boris Johnson từng bỏ lỡ 5 cuộc họp khẩn ở cấp cao để bàn về phương án chuẩn bị đối phó với Covid-19 trong tháng 1 và tháng 2. Nó lập tức trở thành chủ đề được bàn thảo nhiều nhất ở Anh trong những ngày qua.
"Bạn không có cách nào để chiến đấu nếu Thủ tướng không ở đó. Và những gì bạn biết là Thủ tướng Johnson đã không chủ trì bất kỳ cuộc họp nào. Ông ấy thích những chuyến nghỉ dưỡng ở quê nhà. Ông ấy không làm việc vào cuối tuần... Có cảm giác rằng ông ấy không lên kế hoạch cho cuộc khủng hoảng khẩn cấp. Đó chính là điều mà mọi người lo sợ", bài báo dẫn ý kiến của một nguồn tin giấu tên được cho là "cố vấn cấp cao của phố Downing".
Thủ tướng Boris Johnson cảm ơn Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) trong video đăng ngày 12/4. Ảnh: Reuters.
Nhóm tác giả bài viết cho rằng Thủ tướng Johnson dường như chỉ quan tâm tới Brexit hồi tháng 1, bị phân tâm bởi đời sống cá nhân phức tạp, bao gồm việc ly hôn và đính hôn, trong tháng 2.
Bài báo khẳng định chính quyền của ông Johnson "chỉ khoanh tay đứng nhìn" khi số người chết và nhiễm nCoV ở Trung Quốc không ngừng tăng trong tháng 1 và tháng 2, đồng thời "bỏ lỡ thời cơ" mua sắm các bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân. Thủ tướng Anh không có dấu hiệu quan tâm sâu sát tới Covid-19, cho đến khi đợt sóng đầu tiên ập tới Anh vào tháng 3.
Các trợ lý và bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Johnson lập tức tìm cách bảo vệ ông và chính bản thân mình. Bộ Y tế Anh ngay sau đó đăng trên website bài viết 2.100 từ với tựa đề "Phản hồi bài viết mục Chuyên sâu của Sunday Times", cho rằng tờ báo đã "phạm một loạt sai sót và cố tình diễn giải sai khối lượng công việc khổng lồ mà chính phủ đã làm trong giai đoạn đầu của dịch".
Cơ quan này cho biết Bộ trưởng Y tế Matt Hancock lần đầu được cảnh báo về Covid-19 vào ngày 3/1, báo cáo cho Thủ tướng Johnson vào ngày 7/1 và sau đó thông tin cho Hạ viện ngày 23/1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1 và ca nhiễm đầu tiên ở Anh được báo cáo vào ngày 31/1. Việc đánh giá mối nguy hiểm từ Covid-19 ở mức thấp vào tháng 1, nâng lên mức trung bình vào tháng 2 hoàn toàn phản ánh đúng thực tế của thời điểm đó, theo Bộ Y tế Anh.
Để chứng minh, Bộ Y tế Anh dẫn lại dòng tweet hôm 23/1 của Richard Horton, biên tập viên tạp chí y khoa Lancet, trong đó hối thúc "thận trọng" về một loại virus chết người sắp tấn công nước Anh, bởi lúc đó giới khoa học chưa có sự đồng thuận rằng nCoV là một mối đe dọa.
Do đó, cơ quan này khẳng định phản ứng từng bước của chính phủ Anh là hợp lý và đúng đắn. Thậm chí Jenny Harries, phó giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng, ngày 19/4 khẳng định Anh là "một hình mẫu quốc tế về sự sẵn sàng ứng phó với đại dịch", dù quốc gia này đã ghi nhận gần 130.000 người nhiễm và hơn 17.000 ca tử vong.
"Chính phủ luôn nghe theo những lời tư vấn khoa học", Bộ Y tế Anh khẳng định. Cơ quan này cho biết thêm Thủ tướng đã chủ trì phiên họp đầu tiên về Covid-19 ngày 2/3, khi nCoV lan tới Anh, trong khi tới ngày 11/3, WHO mới tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
Tuy nhiên, tranh cãi bùng lên khi Horton lên tiếng phản đối, cáo buộc chính phủ Anh "cố tình viết lại lịch sử trong chiến dịch thông tin sai lệch về Covid-19". Biên tập viên này nói rằng dòng tweet hôm 23/1 của ông chỉ nhằm cảnh báo truyền thông thận trọng trong đưa tin về dịch và "sau đó là một loạt tweet nhấn mạnh mối đe dọa của dịch bệnh mới".
"Khi bạn thấy những người được cho là cố vấn y tế độc lập của chính phủ nói những điều không đúng chỉ để củng cố một chính quyền đang bị sụp đổ niềm tin nhanh chóng, bạn phải nói rằng những cố vấn đó đã đánh mất sự chính trực của họ và niềm tin của chúng ta", Horton chia sẻ.
Mũi dùi chỉ trích càng chĩa về chính quyền Anh nhiều hơn khi chính Michael Gove, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh, cũng xác nhận Thủ tướng Johnson đã không dự 5 cuộc họp về Covid-19.
"Hầu hết các cuộc họp khẩn cấp đều không có Thủ tướng tham dự", Gove nói. Những cuộc họp "được dẫn dắt bởi các bộ trưởng liên quan ở lĩnh vực liên quan", ông cho biết thêm.
Gove giải thích rằng ai chủ trì những cuộc họp trên không quan trọng, sự có mặt của Thủ tướng là không thật cần thiết và các cuộc họp như vậy thường do các bộ trưởng liên quan điều hành, mọi nội dung đều được báo cáo lên Thủ tướng Johnson. "Thủ tướng nắm rõ về mọi quyết định và cũng đích thân đưa ra nhiều quyết định", ông nói.
Gove nhấn mạnh ông Johnson là người "chèo chống" trong suốt giai đoạn phản ứng đầu tiên với Covid-19. Đây cũng là lời khẳng định của Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson trong cuộc họp báo tối 19/4 tại số 10 phố Downing.
Tuy nhiên, những lời giải thích này không làm hài lòng những nhà phê bình, khi họ khẳng định Anh đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất từ Thế chiến II, chứ không phải một trận lụt mùa đông ở vùng Midland.
Chính phủ Anh đã bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và đánh giá thấp mối đe dọa từ Covid-19. Đến tận ngày 23/3, ông Johnson mới ra quyết định phong tỏa toàn quốc, yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Lệnh phong tỏa này dự kiến kéo dài đến tháng 5.
Nữ bác sĩ Meenal Viz cầm bảng biểu tình bên ngoài số 10 phố Downing, London, ngày 19/4. Ảnh: AP.
Bình luận viên Trevor Kavanagh của Sun cho rằng sau khi đại dịch qua đi và các cuộc điều tra được tiến hành, Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông chắc chắn phải trả lời nhiều câu hỏi hóc búa về phản ứng với Covid-19. Tuy nhiên, Kavanagh cũng chỉ ra rằng là người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Johnson không thể biết hết mọi thứ, và ông sẽ phải dựa vào đội ngũ cố vấn y tế để xây dựng cách ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Thế nhưng các chuyên gia y tế tại Cơ quan Y tế Công cộng Anh lúc đó đều đưa ra lời khuyên rằng Covid-19 không nghiêm trọng hơn một đợt cúm mùa thông thường. Họ phản đối chính sách xét nghiệm diện rộng kiểu Đức, và khi tình hình vượt tầm kiểm soát, lại từ chối sự giúp đỡ của các phòng thí nghiệm tư nhân để tiến hành xét nghiệm.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh cũng không xây dựng được kho dự trữ thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, dù một cuộc diễn tập năm 2016 cho thấy đây phải là ưu tiên khi ứng phó với đại dịch.
Cơ quan này khăng khăng rằng người Anh cần được bảo vệ bằng chính sách "miễn dịch cộng đồng", để 60% dân số bị lây nhiễm sớm để đạt được khả năng miễn dịch trong thời gian ngắn. Anh chỉ từ bỏ quan điểm này khi giáo sư Neil Ferguson công bố nghiên cứu cảnh báo rằng 250.000 người sẽ chết nếu "thả lỏng" Covid-19.
"Anh sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ sau khi Covid-19 qua đi. Sự thay đổi đó phải bắt đầu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh", Kavanagh nhấn mạnh.
Nguồn VNE