Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã khiến không ít ngành nghề bị ảnh hưởng, trong đó dịch vụ kinh doanh nghành nghề ăn uống có thể xem là một trong những ngành nghề bị thiệt hại nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Tại Tây Ninh thời gian qua, tỉnh đã có nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đến thời điểm hiện tại tỉnh đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các quán kinh doanh cà phê chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua như treo băng rôn với nội dung “ quán chỉ phục vụ 20 người cùng một lúc”
Với tình hình dịch bệnh xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong nước, việc tỉnh tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được người dân đồng tình hưởng ứng, nhằm chung tay cùng chính quyền phòng, chống dịch.
Riêng đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, với quy định hiện tại được tỉnh áp dụng là các quán kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn được kinh doanh nhưng không được phục vụ quá 20 người cùng lúc, bảo đảm giữ khoảng cách, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn các ngành chức năng.
Qua tìm hiểu các dịch vụ kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành, chúng tôi nhận thấy phần lớn đều chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch. Các địa phương ngoài việc tuyên truyền các chủ quán thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh, còn thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý kịp thời những người cố tình vi phạm.
Từ khi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, các quán kinh doanh ăn, uống đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, có quán tạm ngưng kinh doanh. Những quán nếu còn kinh doanh đều có treo băng rôn với nội dung như : quán chỉ phục vụ cùng lúc không quá 20 khách; xin quý khách không ngồi lâu…Có thể thấy việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở tỉnh ta tương đối nghiêm túc.
Tuy nhiên, việc kinh doanh với số lượng khách hạn chế ảnh hưởng ít nhiều đến các chủ cơ sở. Nhất là các cơ sở phải thuê mặt bằng kinh doanh, vì phần lớn các hợp đồng thuê mặt bằng của một số chủ quán ký với chủ đất đều có nội dung rất sơ sài. Do đó khi xảy ra dịch bệnh, các chủ quán chỉ trông chờ vào sự “ cảm thông” của chủ đất đối với giá thuê mặt bằng.
Anh S, một chủ hệ thống quán cà phê có tiếng tăm nằm trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành chia sẻ, phần lớn các mặt bằng anh thuê để mở quán kinh doanh là hợp đồng chỉ hai bên ký với nhau bằng giấy tay, cho dù số tiền thuê hàng tháng đến hàng chục triệu đồng tùy theo vị trí.
Anh S cho biết, khi chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, anh đã liên hệ với các chủ nhà thương lượng xin giảm giá thuê mặt bằng. Tuy nhiên, có chủ đất “cảm thông” đồng ý không lấy tiền thuê mặt bằng hàng tháng trong thời gian này, riêng một số chủ đất thì chỉ bớt vài triệu chứ không bớt nhiều.
Một quán kinh doanh đặc sản bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng ( tại phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) mở cửa phục vụ nhưng chỉ phục vụ đúng 20 người cùng một thời điểm.
Theo anh S, khi quán kinh doanh hạn chế, ngoài việc giảm doanh thu, chủ quán phải sắp xếp hợp lý cho các nhân viên hoạt động xen kẻ, chứ không thể cho nhân viên nghỉ hẳn, vì các nhân viên cần phải có thu nhập duy trì cuộc sống. Hơn nữa nếu cho nhân viên nghỉ thì khi được cho phép kinh doanh lại bình thường rất khó kiếm người. Ngoài ra, đối với những nhân viên xa nhà, chủ quán vẫn phải lo cơm nước, chổ ở...như trước đây.
Trái ngược với anh S, anh H, chủ một điểm kinh doanh vui chơi, giải trí ở huyện Hòa Thành cho biết, do mặt bằng thuê lớn, giá thuê hàng tháng cao và thời gian thuê dài nên anh và chủ đất đã thống nhất hợp đồng thuê mặt bằng được 2 bên ra phòng công chứng ký kết với các điều khoản chặt chẽ. Trong đó, hợp đồng thuê mặt bằng có ghi rõ về điều kiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh…thì chủ đất không lấy tiền thuê mặt bằng.
Vì vậy khi khu giải trí tạm ngưng để thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của tỉnh, anh H không phải trả tiền thuê mặt bằng cho đến khi hoạt động vui chơi giải trí được phép hoạt động lại. Tuy nhiên nếu không nói việc tạm dừng kinh doanh không gây thiệt hại gì thì không đúng, bởi dù sao việc ngưng kinh doanh thì chủ quán không có thu nhập, bên cạnh đó, dù không kinh doanh nhưng anh H vẫn phải trả 50% lương cho nhân viên để chia sẻ khó khăn với họ trong thời gian nghỉ dịch.
Một chủ quán kinh doanh bánh canh tại phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng cho biết, anh có 3 quán kinh doanh bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng với thương hiệu của quán được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, với việc hiện nay không được phục vụ hơn 20 người trong cùng 1 thời điểm. Anh quyết định đóng cửa 2 quán, chỉ chừa 1 quán kinh doanh cầm chừng theo quy định để phục vụ đặc sản địa phương cho khách khgi đến Tây Ninh.
Theo chủ quán bánh canh này, việc kinh doanh trong tình trạng như thế thì nói gì đến lợi nhuận, rất may là mặt bằng của gia đình nên anh không phải lo chi phí thuê. Giờ kinh doanh theo kiểu cầm chừng chỉ để có một phần chí phí trả cho nhân viên. Chứ hiện nay khu vực thị xã Trảng Bàng, phần lớn các điểm kinh doanh bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng đều tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.
Do đó có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn, uống. Tuy nhiên với sự ý thức được việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cũng như sự chỉ đạo của tỉnh, các điểm kinh doanh ăn, uống trong tỉnh đều chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, qua đây cũng có thể nhận thấy vấn đề thuê mặt bằng kinh doanh từ lâu nay không được người đi thuê mặt bằng chú trọng thực hiện ký hợp đồng thuê mặt bằng có công chứng để bảo vệ mình, mà vẫn chọn cách hai bên thỏa thuận lập hợp đồng bằng thuê mặt bằng giấy tay.
Do đó, khi xảy ra những tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, những người kinh doanh có thuê mặt bằng chỉ trong chờ vào sự “ cảm thông” của chủ đất, đây là điều hết sức bất lợi cho người đi thuê khi đã gặp không ít khó khăn thì lại thêm khó khăn hơn.
Thiên Tâm