Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2020, diễn ra chiều 27/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT) TS.Nguyễn Bích Lâm cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 tăng trưởng 3,82%, mức tăng này giảm mạnh so với cùng kỳ và thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%.
Trên góc độ tiêu dùng chỉ tăng 3,07%; trong đó, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư chỉ tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,2%, thấp nhất kể từ năm 2013; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%. Các mức tăng thể hiện sự ngưng trệ trong việc cung ứng hàng hóa và nguyên vật liệu trong 3 tháng đầu năm do ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch COVID-19.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản.
Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I/2016 trong giai đoạn 2011 - 2020; ngành lâm nghiệp tăng 5,03%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2020 tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, chỉ cao hơn mức tăng 4,38% và 5,97% của cùng kỳ các năm 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011 - 2020. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,18% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,9%. Ngành xây dựng tăng 4,37%, cao hơn mức tăng 0,35% và 1,18% của quý I năm 2011 và năm 2012 trong giai đoạn 2011 - 2020.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh chóng, ngày càng nghiêm trọng, thì đây là mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định, công nghiệp chế biến, chế tạo tuy tăng thấp nhưng vẫn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước; an sinh xã hội được đảm bảo...”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói.
Theo lãnh đạo TCTK, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 - 2020.
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành kinh tế duy trì được đà phát triển của quý IV/2019 và giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Đó là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,97%; ngành thông tin truyền thông tăng 7,78%.
Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,91%. Các ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải kho bãi, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ đều tăng trưởng âm với mức giảm lần lượt là 11,04%; 0,9% và 3,5%.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế. Theo báo cáo của Nikkei, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2/2020, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm xuống 49 điểm trong tháng 2, báo hiệu sự suy giảm trong các điều kiện kinh doanh và giảm nhu cầu hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian. Đây là lần đầu tiên giảm trong 4 năm qua và là mức giảm đáng kể trong lịch sử chỉ số. Tình trạng nhu cầu giảm khiến các doanh nghiệp sản xuất phải giảm hoạt động mua hàng vào thời điểm giữa quý I/2020.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, cả hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong "cuộc chiến" đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời vẫn đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn TTO