BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ảnh mới Duy Hậu

Cập nhật ngày: 11/04/2011 - 07:51

Là một hội viên trẻ nhất của Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) Tây Ninh nhưng Duy Hậu đã mau chóng bứt phá vươn lên để trở thành một thương hiệu uy tín: Ảnh Duy Hậu.

Còn nhớ, năm 2010, trong 10 bức ảnh trao giải đồng hạng của Hội NSNA trong Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có một bức của Duy Hậu. Tấm ảnh ấy anh chụp một lớp học người Chăm ở xã Suối Dây (Tân Châu). Điều đặc biệt ở đây không phải là ở các em bé Chăm (còn bé tý) với trang phục dân tộc – thể hiện rõ nét bản sắc mà lại ở ông thầy giáo. Ông là người khuyết tật với đôi chân bị liệt nên phải ngồi trên chiếc bàn cao giảng bài. Vậy nên cái bàn giáo viên ở gần cửa sổ chan hoà ánh sáng lại là một khoảng trống, trắng lạnh người. Dù cho các em học sinh khăn áo sắc màu ấm nóng, tư thế nghiêm trang ngay ngắn đã làm khoả lấp các khoảng màu trắng lạnh ấy; thì người xem vẫn cứ nhận ra để khâm phục người thầy “tàn nhưng không phế” vượt lên số phận này.

Ảnh “Hành quân” của Duy Hậu

Sang quý đầu năm 2011, Duy Hậu lại vừa có tin vui: theo thông báo của Hội NSNA Việt Nam, tháng 3 vừa qua anh có 2 ảnh được chọn triển lãm về kết quả 3 năm Cuộc vận động sáng tác đề tài học tập và làm theo lời Bác. Cũng không phải vừa đâu. Cả nước chỉ chọn 56 bức. Và Tây Ninh, chỉ có mỗi ảnh của Duy Hậu. Đấy là bức “Hành quân” anh chụp cảnh Đại đội I, Tân Châu đang hành quân ra bãi tập. Con đường đi giữa rừng cây xanh ngút những keo, tràm. Bố cục 1/3 chuẩn, đường vàng… nên hàng bộ đội hành quân thành một dãy trung tâm, với điểm nhấn là lá cờ và tấm băng rôn đỏ thắm. Bức còn lại mang tên “Vòng xoáy công nghiệp” trong băng tải dây chuyền công nghiệp Nhà máy Xi măng FICO, cũng ở ngay trên đất Tân Châu (xã biên giới Tân Hoà). Thì cũng vòm mái cong, băng tải, công nhân áo xanh, nón trắng… nhưng khuôn hình đã nhấn mạnh đến những vòng ánh sáng trên kết cấu vòm, để tạo nên một nhịp điệu những đường cong ánh sáng. Đối lập với nó là những đống nguyên liệu vừa chuyển đến lại có màu xanh đen mịn như nhung. Tất cả đã mô tả, bắt được cái hồn của một dây chuyền chỉ toàn máy móc và khô cứng.

Để có được những thành quả kể trên, cũng nên nhắc tới sự khổ luyện của Duy Hậu và cả… vợ con anh. Thì những lúc bí quá, anh phải chở cả vợ con theo những chặng dài gió bụi để làm “người mẫu”. Đấy là chưa kể những chuyến tự đi một mình, hoặc theo chân các đoàn NSNA lặn lội đến mọi miền đất nước. Như tháng 3 năm ngoái, anh ra ngoài Bắc chụp được chùm ảnh rất đẹp ở các huyện phía Bắc, bên kia cầu Long Biên Hà Nội. Tiện chân, lại ngược tàu xe ba bốn trăm cây số để lên chụp ruộng bậc thang và đời sống bà con dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Ngắm các dãy ruộng bậc thang chen với những nhà sàn lênh khênh trong sương khói, hoặc các bà, các chị người Tày, người Dao của anh thì thật sung sướng về quê hương Việt Nam mình lắm. Đố hoạ sĩ nào mô tả cho được những khung cảnh thiên niên, con người kỳ ảo ấy. Vừa hay, Bộ VH-TT&DL đang mở cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật về di sản. Biết đâu chùm ảnh tuyệt vời của Duy Hậu lại chẳng lọt vào mắt xanh của các vị giám khảo?

NGUYỄN