BAOTAYNINH.VN trên Google News

Anh, Mỹ gây khó Ecuador vì cấp quy chế tị nạn cho Assange

Cập nhật ngày: 25/08/2012 - 05:14

Mối quan hệ giữa Anh và Ecuador đang rơi vào bế tắc sau khi Ecuador chính thức cấp quy chế tị nạn cho người sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange.

Mối quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu rạn nứt kể từ khi Julian Assange chạy vào ẩn náu trong sứ quán Ecuador tại London nhằm tránh bị dẫn độ sang Thuỵ Điển, và sau đó có thể là đến Mỹ. Chính phủ Anh đã phản ứng dữ dội khi Ecuador cho phép ông Assange ở lại sứ quán, thậm chí còn cho ông chủ WikiLeaks hưởng chế độ tị nạn chính trị.

Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange phát biểu trước các phóng viên từ cửa sổ sứ quán Ecuador tại London trong khi cảnh sát Anh chực chờ bắt giữ. Ảnh: Reuters

Anh tuyên bố là sẽ không bao giờ cấp giấy thông hành để Assange rời khỏi nước này, đồng thời đe doạ sẽ đột nhập vào sứ quán Ecuador tại London để bắt ông Assange, cũng như từ chối đảm bảo an toàn cho ông này lên đường đến Quito. Tuy nhiên, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã đáp trả bằng tuyên bố cho rằng: “Nếu Anh xâm phạm lãnh thổ Ecuador, thì đấy sẽ là hành động tự sát, bởi sau đó các đại sứ quán Anh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng sẽ bị xâm phạm". Ông Correa gọi đây sẽ là bước đi "tồi tệ, tạo tiền lệ xấu". Nhắc lại ý kiến của các chuyên gia pháp lý, ông coi việc Anh đe doạ tiến hành bắt giữ Assange là vi phạm các hiệp ước về ngoại giao.

Trong vụ việc này, Ecuador đã nhận được sự ủng hộ của các nước Mỹ Latin, thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nam Mỹ (UNASUR) ngày 19.8 còn ra tuyên bố lên án việc chính phủ Anh đe doạ dùng vũ lực bắt nhà sáng lập WikiLeaks tại toà Đại sứ Ecuador ở London. UNASUR bày tỏ sự đoàn kết đối với chính phủ Ecuador trước sự doạ nạt trên và nhấn mạnh quyền của Ecuador được cấp quy chế tị nạn cho ông Assange, cũng như yêu cầu London tôn trọng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao được quy định tại Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó, Mỹ cũng bắt đầu lên tiếng về vụ việc này và động thái mới nhất để chống việc Quito cấp quy chế tị nạn cho người sáng lập trang mạng WikiLeaks là “doạ cắt những ưu đãi thuế quan” cho Quito trong khuôn khổ Luật thúc đẩy thương mại các nước vùng Andes và triệt phá ma tuý (ATPDEA).

Từ năm 1991, Washington áp dụng ưu đãi thương mại cho các nước vùng Andes, theo đó phần lớn hàng hoá khi xuất sang Mỹ được miễn thuế nhập khẩu, để khuyến khích những quốc gia này hợp tác trong cuộc chiến chống buôn lậu ma tuý.

Phản ứng trước đe doạ của Mỹ, Tổng thống Ecuador Rafael Correa tố cáo Mỹ dùng ATPDEA như công cụ doạ nạt. Trong cuộc gặp các phóng viên nước ngoài tại thủ đô Quito, nhà lãnh đạo này nêu rõ Mỹ đã mâu thuẫn khi tuyên bố vụ Assange là việc nội bộ giữa Ecuador và Anh.

Được biết, bản thân Tổng thống Rafael Correa đã từng huỷ kế hoạch ký kết một thoả thuận thương mại với Mỹ; cấm quân đội Mỹ sử dụng một căn cứ không quân trên bờ biển Thái Bình Dương của Ecuador trong các hoạt động chống buôn lậu ma tuý và trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi nước này do bất đồng về một chương trình viện trợ. 

Ông Assange ấn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6.2012 sau khi thất bại trong cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh dẫn độ ông sang Thuỵ Điển - nước đang muốn thẩm vấn ông về cáo buộc xâm hại tình dục mà ông phủ nhận.

WikiLeaks là trang mạng tại Thuỵ Điển, chuyên đăng tải nội dung các thông tin ngoại giao mật. Trang mạng này đã nhiều lần tiết lộ tài liệu mật của Mỹ gây chấn động dư luận thế giới. Sau vụ tiết lộ 250.000 điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ ngày 28.11.2010, WikiLeaks liên tục bị tấn công và phải thay tên miền để tiếp tục hoạt động.

TRINH DƯƠNG

Tổng hợp