Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Anh nông dân đam mê sáng tạo
Chủ nhật: 05:18 ngày 18/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó là anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1966), ở ấp Cao Su, xã Long Giang (Bến Cầu) - tác giả sáng chế máy gặt đập liên hợp.

(BTNO)- Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 7 (2010-2011) có 6 đề tài khoa học đạt giải nhì (không có giải nhất). Đáng lưu ý trong đó có một đề tài của tác giả là một nông dân trình độ học vấn chưa qua bậc tiểu học. Đó là anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1966), ở ấp Cao Su, xã Long Giang (Bến Cầu) - tác giả sáng chế máy gặt đập liên hợp.

Anh Dũng bên chiếc máy gặt đập liên hợp do chính anh sáng chế

Anh Dũng cho biết, do hoàn cảnh gia đình nghèo, lại mồ côi cha từ lúc 6 tuổi nên mới học đến lớp 3 là anh phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm sống. Lúc mới lập gia đình, anh cũng tiếp tục đi làm mướn, còn vợ anh thì nấu rượu, nuôi heo. Bán heo, vợ chồng anh gom góp mua được 1 mẫu ruộng ở cánh đồng Rừng Nhum. Vừa làm ruộng, vừa nấu rượu nuôi heo, vợ chồng anh tích lũy dần, đến nay gia đình anh đã có trong tay 5,5 mẫu ruộng. Điều đáng quý ở anh Dũng chính ở chỗ không chỉ là một nông dân siêng năng cần cù, mà anh còn là một nông dân luôn thích sáng tạo, cải tiến máy móc trong lao động sản xuất. Ngay từ năm 1998, nhận thấy cày bằng trâu cực quá, mà năng suất thấp, anh quyết định mua máy xới tay. Sau đó anh mua máy phóng lúa thủ công (máy phóng tay) để vừa làm lúa nhà vừa đi làm thuê. Khi có máy phóng tay rồi anh tự nghiên cứu chế tạo máy cắt dãy (cắt lúa để theo từng dãy). Có máy phóng tay, máy cắt dãy là một bước tiến lớn về cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa. Tuy nhiên để máy phóng tay hoạt động được thì phải tốn nhiều công lao động ôm lúa, trong khi lao động nông thôn ngày càng khan hiếm và ngày công lao động ngày càng tăng. Từ năm 2004, anh Dũng đã có ý tưởng là làm cách nào đó để chế tạo ra chiếc máy vừa cắt, vừa phóng lúa luôn. Từ ý nghĩ đó, những lúc rỗi, anh thường ngồi suy nghĩ để “thiết kế” mô hình chiếc máy tự cắt tự phóng (gặt đập liên hợp). Sau thời gian khá dài suy tính, đầu năm 2007 chiếc máy gặt đập liên hợp của nông dân Nguyễn Văn Dũng bắt đầu vận hành thử nghiệm trên đồng ruộng. Tuy nhiên lúc đầu chiếc máy gặt đập liên hợp của anh Dũng cũng bị trục trặc kỹ thuật ở thùng phóng lúa. Thế là anh tiếp tục nghiên cứu sửa chữa lỗi kỹ thuật ở thùng phóng mất thêm 20 ngày nữa. Từ đó đến nay máy vận hành tốt.

Còn đây là chiếc máy cắt lúa xếp thành dãy do anh sáng chế

Ngoài việc thu hoạch lúa nhà, anh Dũng còn nhận làm thuê cho nhiều nông dân khác. So với máy Trung Quốc, máy gặt đập liên hợp của anh Dũng sáng chế đơn giản và có nhiều điểm khác hơn so với máy Trung Quốc sản xuất. Máy do anh Dũng sáng chế hoạt động được từ lúc sáng sớm (còn máy Trung Quốc có nhược điểm phải chờ cho lúa ráo sương mới phóng được); lúa ngã đổ vẫn thu hoạch được; máy không cho ra rơm cọng nên tỷ lệ thất thoát lúa ít hơn. Độ bền của máy cao, ít sửa chữa. Tiêu hao nhiên liệu ít, khoảng 15 lít dầu/ha (máy Trung Quốc khoảng 25 lít dầu/ha). Mỗi ngày máy thu hoạch được 3,5ha đến 4ha lúa. Năm 2009 đã có hai nông dân ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) đến đặt hàng anh Dũng 2 chiếc máy gặt đập liên hợp giống như chiếc của anh đang dùng. Mỗi chiếc máy anh tính giá hơn 190 triệu đồng. So với thời điểm đó, giá một chiếc máy của anh rẻ hơn 35 triệu đồng so với một chiếc máy của Trung Quốc.

Thêm một điều đáng quý ở gia đình anh Dũng nữa là dù vợ chồng anh lao động hết sức vất vả nhưng vẫn quyết chí cho con đi học. Không phụ lòng cha mẹ, cả hai con trai của anh lần lượt đậu vào đại học. Hiện con trai lớn Nguyễn Tấn Sĩ đang học năm thứ tư Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, còn cậu trai út Nguyễn Phước Bạc đang học năm thứ hai Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM.

D.H

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục