Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Anh sẽ trưng cầu dân ý lần hai về Brexit?
Thứ năm: 21:29 ngày 20/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hai năm sau khi cử tri bỏ phiếu ủng hộ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn là Brexit, các nhà chính trị Anh vẫn chưa thể thống nhất về thỏa thuận Brexit với EU. Giờ đây, nhiều nghị sĩ ở nước này đang kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, có thể đảo ngược kết quả của lần thứ nhất, theo tờ The Wall Street Journal.

Cuộc vận động trưng cầu dân ý về Brexit lần hai đang mạnh dần lên ở Anh. Ảnh: Getty

150 nghị sĩ ủng hộ trưng cầu dân ý mới về Brexit

Khoảng 150 nghị sĩ Anh đang ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit bao gồm các thành viên của đảng Bảo thủ, Công đảng và phe chủ nghĩa dân tộc Scotland. Con số này vẫn còn kém con số 320 lá phiếu cần thiết để quốc hội Anh thông qua một kiến nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit.

Một lá phiếu trưng cầu dân ý lần hai về Brexit có thể hỏi cử tri rằng liệu họ có muốn đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý tán đồng Anh rời EU vào năm 2016; hoặc hỏi họ có ủng hộ các điều khoản để Anh rời EU mà Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được sau quá trình đàm phán căng thẳng hay không; hoặc họ muốn Anh rời EU mà không cần bất cứ thỏa thuận nào?

Ngày càng có nhiều nghị sĩ Anh tin rằng một cuộc trưng cầu dân ý mới là điều cần thiết để phá vỡ thế bế tắc ở quốc hội Anh vốn đang không thể nhất trí về bất kỳ thỏa thuận “ly hôn” nào với EU.

Thủ tướng Anh Theresa May, người nhiều lần bác bỏ ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit, cho rằng điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền dân chủ Anh. Phát biểu trước quốc hội hôm 17-12, bà nói: “Tổ chức trưng cầu dân ý tiếp sẽ gây rủi ro chia rẽ đất nước một lần nữa”.

Những người ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Brexit nói rằng cử tri Anh đã không biết Brexit sẽ dẫn đến hệ lụy gì khi họ bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU vào năm 2016. Giờ đây, các điều khoản về việc Anh rời EU đã rõ ràng hơn, vì vậy, họ cần phải được yêu cầu bỏ phiếu lại.

“Đây không phải là một Brexit như hứa hẹn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một cuộc trưng cầu dân ý khác”, Jo Johnson, một nghị sĩ đảng Bảo thủ nói. Ông Johnson đã từ chức Quốc vụ khanh đặc trách giao thông hồi tháng 11 để phản đối thỏa thuận Brexit mà bà May đang đàm phán với EU. Ông cho rằng thỏa thuận này sẽ làm đất nước suy yếu về kinh tế vì không có tiếng nói trong các quy định của EU mà Anh phải tiếp tục tuân thủ. Bà May đang ưu tiên một thỏa thuận cho phép Anh duy trì cơ chế tự do giao thương hàng hóa sau khi rời EU nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ khiến London phải tuân thủ các quyết định của Brussels dù không còn quyền đóng góp ý kiến.

Ông Johnson cảnh báo thỏa thuận Brexit sẽ đẩy nước Anh đến bên bờ vực cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Công luận Anh đã thay đổi?

Ông Johnson là người đã bỏ phiếu ủng hộ Anh ở EU trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào năm 2016 với kết quả 52% cử tri bỏ phiếu tán thành rời EU và 48% bỏ phiếu ủng hộ ở lại. Giờ đây, theo kết quả sáu cuộc khảo sát gần nhất do trang web What UK Thinks thống kê, có 53% cử tri muốn Anh ở lại EU. Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức khảo sát cũng lưu ý rằng không nên kết luận đã có sự thay đổi rõ ràng trong ý kiến công chúng vì hầu hết các cuộc khảo sát đều có biên độ sai sót từ 3-4 điểm phần trăm.

Thủ tướng Theresa May, người đang nỗ lực để kiếm thêm các nhượng bộ từ Brussels về các điều khoản Anh rời khỏi EU, sẽ trình dự luật Brexit ra quốc hội để các nghị sĩ bỏ phiếu vào giữa tháng 1-2019.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng nếu các nghị sĩ Anh không còn phương án nào về Brexit, họ sẽ phải ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý khác để tránh viễn cảnh Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào quản lý các điều khoản về mối quan hệ kinh tế giữa Anh với đối tác thương mại lớn nhất là EU.

Hiện tại, cuộc vận động tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận Brexit mang tên People’s Vote đang thu hút sự ủng hộ của những nhân vật nổi tiếng bao gồm nhà văn J.K. Rowling, tác giả của bộ truyện Harry Potter và ba trong số bốn cựu Thủ tướng Anh gồm John Major, Tony Blair và Gordon Brown. Song con đường để dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit sẽ rất phức tạp.

Một phương án khác là các nghị sĩ Anh có thể yêu cầu bổ sung sửa đổi vào dự luật Brexit. Kịch bản cuối cùng là nếu quốc hội Anh bỏ phiếu không thông dự luật Brexit của bà May vào tháng 1 tới, một liên minh các nghị sĩ Anh có thể kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới để tránh viễn cảnh Anh rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Nếu được các nghị sĩ Công đảng đối lập ủng hộ, quốc hội Anh sẽ có đủ số phiếu cần thiết thông qua kiến nghị tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit lần hai. Các chuyên gia ở Đại học London ước tính sẽ phải có 22 tuần để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác dù một số nghị sĩ cho rằng có thể được tiến hành nhanh hơn. Các quan chức EU nói rằng các chính phủ EU khác có khả năng đồng ý hoãn thời hạn Anh rời EU vào ngày 29-3 như dự kiến để cho phép một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở nước này.

Sẽ có ba sự lựa chọn có thể được ghi trên lá phiếu trưng cầu dân ý: ủng hộ Anh rời EU với thỏa thuận Brexit của bà May hoặc ủng hộ Anh rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với EU và không ủng hộ Anh rời EU. Chưa có cuộc trưng cầu dân ý nào ở Anh có hơn hai sự lựa chọn vì vậy khó bảo đảm rằng sẽ có sự lựa chọn ở lại EU trong lá phiếu trưng cầu dân ý lần hai về Brexit.

Nguồn thesaigontimes

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục