Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Ðiệp khởi kiện ngân hàng và ông Vân ra toà với yêu cầu trả lại giấy chứng nhận QSDÐ nêu trên. Toà án xác định, đây là vụ kiện “Tranh chấp về yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc sử dụng đất”. Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử ông Vân phải trả lại giấy chứng nhận QSDÐ diện tích 8.175m2 cho vợ chồng ông Ðiệp.
Hiện trạng phần đất diện tích 7.175m2 đang được ông Vân trồng lúa (ảnh chụp ngày 8.4.2021).
Cách nay khoảng 23 năm, ông Nguyễn Văn Ðiệp làm ăn thất bại, phải bỏ xứ lên Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Trước đó, ông Ðiệp đã đem thế chấp giấy chứng nhận QSDÐ diện tích 8.175m2 cho chi nhánh một ngân hàng tại huyện Gò Dầu để vay vốn với số tiền 6 triệu đồng, nhưng sau đó không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trước nguy cơ phần đất bị phát mãi để thu hồi nợ. Bị mất đất, lại ảnh hưởng đến uy tín gia đình vì đây là đất do cha để lại, nên ông Nguyễn Văn Vân (em ruột của ông Ðiệp, ngụ ấp Cẩm Long, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) mới chạy vạy lo tiền đóng cho ngân hàng để lấy “sổ đỏ” về.
Sau khi thế chấp “sổ đỏ” tại ngân hàng, ông Ðiệp và vợ là bà Trần Thị Bé còn lập giấy tay thế chấp đất cho ông Nguyễn Văn Hạt (cùng ngụ tại địa phương) được quyền canh tác trên đất với giá 4,5 chỉ vàng 24K và 300.000 đồng. Ông Vân cũng là người đứng ra trả tiền, vàng cho ông Hạt từ năm 1997 để lấy lại đất và quyền canh tác nông nghiệp trên phần diện tích 7.175m2 (còn lại 1.000m2 đất đã được các anh em trong gia đình cất nhà ở) cho đến nay.
Bất ngờ, mới đây, ông Nguyễn Văn Ðiệp về đòi lại giấy chứng nhận QSDÐ, xảy ra tranh chấp với ông Vân. Ông Ðiệp khởi kiện ngân hàng và ông Vân ra toà với yêu cầu trả lại giấy chứng nhận QSDÐ nêu trên. Toà án xác định, đây là vụ kiện “Tranh chấp về yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc sử dụng đất”. Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử ông Vân phải trả lại giấy chứng nhận QSDÐ diện tích 8.175m2 cho vợ chồng ông Ðiệp.
“Nếu lúc đó tôi không thay vợ chồng anh Ðiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho ngân hàng và ông Hạt, ngân hàng đã khởi kiện ra Toà và phát mãi tài sản để thu hồi nợ từ lâu rồi, chứ đâu còn đất để hơn 23 năm sau khi đất lên giá thì anh Ðiệp quay về đòi “ngang” như vậy mà không đề cập gì đến việc hoàn trả số tiền tôi đã trả nợ thay anh. Tôi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nếu anh Ðiệp muốn lấy lại QSDÐ thì phải hoàn trả số tiền tôi đã chuộc đất thay anh, tính theo giá đất hiện nay”- ông Vân trình bày.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11 ngày 12.3.2021 của TAND huyện Gò Dầu, Toà án nhận định: xuất phát từ việc ông Ðiệp không trả nợ đúng hạn, nên ngân hàng đã giải quyết khoản nợ vay cùng tài sản thế chấp thông qua 2 người em của ông Ðiệp là ông Nguyễn Văn Vân và ông Nguyễn Văn Dò.
Ðối với giấy chứng nhận QSDÐ, mặc dù đại diện ngân hàng có bút phê “... đồng ý cho anh em trong gia đình ông Ðiệp bán đất ruộng của ông Ðiệp với giá 6,5 triệu đồng để trả nợ vay ngân hàng”. Sau đó, ông Vân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho ngân hàng. Ngân hàng giao trả lại giấy chứng nhận QSDÐ cho một đồng nghiệp của ông Dò (do người này đi nhận giấy thay ông Dò), tiếp đến là ông Dò giữ giấy và đưa lại cho ông Vân giữ đến nay.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ðất đai qua các thời kỳ, một trong các điều kiện để thực hiện việc “bán” (chuyển nhượng) đất là “người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận QSDД. Tức ông Vân (kể cả ông Dò) đều không có quyền chuyển nhượng 8.175m2 đất trong khi ông Ðiệp đang đứng tên trên “sổ đỏ”. Mặt khác, QSDÐ diện tích 8.175m2 không mặc nhiên chuyển từ ông Ðiệp sang ông Vân chỉ với một căn cứ duy nhất là ông Vân trả nợ thay cho ông Ðiệp. Vì việc này không thoả mãn các điều kiện để thực hiện việc chuyển nhượng như nhận định vừa nêu trên.
Toà án xét thấy, việc ông Vân giữ giấy chứng nhận QSDÐ của ông Ðiệp đã gây cản trở, xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của vợ chồng ông Ðiệp theo quy định tại các điều 12, 166 và 167 của Luật Ðất đai. Về việc khi ông Vân trả nợ thay ông Ðiệp, ngân hàng trả lại giấy chứng nhận QSDÐ của ông Ðiệp cho ông Vân là chưa đúng đối tượng khi giải chấp. Lẽ ra, ngân hàng phải trả lại giấy cho ông Ðiệp là chủ sử dụng đất, cũng là người đứng tên thế chấp khi vay tiền.
Hiện tại, ngân hàng không còn giữ giấy chứng nhận QSDÐ của ông Ðiệp, người đang giữ giấy là ông Vân. Nếu buộc ngân hàng trả giấy này theo yêu cầu của ông Ðiệp thì sẽ không có khả năng thi hành án trên thực tế. Vì vậy, HÐXX không chấp nhận yêu cầu này của ông Ðiệp là phù hợp.
Ðối với việc ông Vân đã trả nợ ngân hàng thay ông Ðiệp số tiền 6,5 triệu đồng tại thời điểm tháng 7.1997, do ông Vân không có yêu cầu nên HÐXX không đặt ra giải quyết, khi nào có tranh chấp sẽ được giải quyết trong vụ án khác.
TAND huyện Gò Dầu quyết định, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Ðiệp về yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc sử dụng đất; buộc ông Vân có nghĩa vụ trả lại ông Ðiệp và bà Bé giấy chứng nhận QSDÐ diện tích 8.175m2.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ðiệp về việc yêu cầu ngân hàng có nghĩa vụ trả lại cho ông giấy chứng nhận QSDÐ đang đề cập; đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Ðiệp đối với yêu cầu ông Vân và ông Dò có nghĩa vụ trả lại ông quyền sử dụng phần đất 8.175m2 (do ông Ðiệp rút yêu cầu khởi kiện nội dung này); đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Vân đối với yêu cầu công nhận cho ông được đứng tên quyền sử dụng phần đất 7.175m2/8.175m2 (do ông Vân rút yêu cầu phản tố đối với nội dung này)...
Như vậy, theo như bản án trên, ông Vân chưa có yêu cầu Toà án giải quyết việc ông Ðiệp phải hoàn trả số tiền mà trước đó ông đã trả thay cho vợ chồng ông Ðiệp, để lấy “sổ đỏ” về cất và giữ gìn phần đất đến nay.
Qua trao đổi, ông Vân cho hay hiện đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên, với yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm giải quyết tuyên buộc ông Ðiệp phải hoàn trả lại “nghĩa vụ tài chính” mà ông Vân đã thực hiện thay vợ chồng ông Ðiệp vào năm 1997, trong trường hợp ông Ðiệp muốn lấy lại đất và giấy chứng nhận QSDÐ.
Ðồng thời, ông Vân còn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận QSDÐ diện tích 8.175m2 đã cấp cho ông Nguyễn Văn Ðiệp đứng tên vào ngày 16.5.1994, để phân chia di sản thừa kế. Vì theo ông Vân, phần đất này là di sản của cha để lại cho các con trong gia đình (có 4 anh em là ông Nguyễn Văn Ðiệp, Nguyễn Văn Biển, Nguyễn Văn Dò, Nguyễn Văn Vân) nhưng ông Ðiệp đã tự ý đi kê khai và được cấp giấy chứng nhận QSDÐ như trên, trong khi chưa được sự đồng thuận của các anh em còn lại (có kèm theo đơn và chữ ký xác nhận của các anh em liên quan).
Minh Quốc
Ý kiến về vấn đề này, Luật sư Võ Hướng Dương, Công ty Luật BML nêu quan điểm:
Ðược biết, vụ án đã được xét xử theo thủ tục sơ thẩm và phía bên bị đơn là ông Vân (em ruột ông Ðiệp) đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Hiện TAND tỉnh đang thụ lý và giải quyết vụ án này theo thủ tục phúc thẩm, nên trong trường hợp này, tôi xin phép không khẳng định “ai đúng, ai sai”. Bởi vì, ngoài các dữ kiện mà tôi được tiếp cận, còn phải xem xét các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án mới có thể đánh giá một cách khách quan.
Tuy nhiên, dựa trên thông tin bài báo, tại thời điểm phát sinh các mối quan hệ trên, các quan hệ tranh chấp này chịu sự điều chỉnh của các văn bản sau: Bộ luật Dân sự năm 1995, Luật Ðất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản trên cũng như căn cứ vào yêu cầu khởi kiện và lời trình bày của các bên, có thể xác định được các quan hệ dân sự phát sinh trong tranh chấp này gồm có: quan hệ vay tài sản, quan hệ thế chấp - xử lý tài sản thế chấp, quan hệ mua bán tài sản và quan hệ về đòi tài sản.
Xuất phát từ việc nguyên đơn thông qua hợp đồng vay đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất tại ngân hàng nhưng khi đến hạn lại không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, dẫn đến hậu quả là ngân hàng xử lý tài sản thế chấp này cho một người khác là bị đơn, việc phát mãi tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp mà nguyên đơn đã ký với ngân hàng. Do vậy, theo tôi khi xét xử, Tòa án chắc chắn sẽ phải xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm để làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với quan hệ tranh chấp thì Toà án sẽ làm rõ việc giữ giấy CNQSDÐ trên có đúng là hành vi “cản trở trái pháp luật đối với việc sử dụng đất” hay không?
Thứ hai, việc ông Vân giữ giấy CNQSDÐ trên là thông qua giao dịch nào? Có phải là do mua lại tài sản khi ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp, hay là do giữ gìn và quản lý thay cho ông Ðiệp, hay là từ việc chiếm giữ khác mà không có căn cứ theo quy định của pháp luật?
Và giả sử trong trường hợp ông Ðiệp là người đi vay nhưng khi đến hạn thanh toán mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì có được xoá thế chấp hay không, cũng như có được quyền đòi lại tài sản thế chấp khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ hay không?
Ngoài ra, Toà án sẽ làm rõ mối quan hệ giữa ông Vân và ngân hàng trong việc thanh toán tiền vay và giao trả lại giấy CNQSDÐ cho ông Vân là dựa vào căn cứ nào.