Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Áo bà ba, vẻ đẹp thuần hậu

Cập nhật ngày: 09/12/2010 - 09:43

Nếu chiếc áo dài, biểu tượng của hình ảnh phụ nữ Việt Nam nói chung, mang nhiều sắc thái khác nhau, khi duyên dáng thướt tha, khi sang trọng, đài các, khi tinh khôi, nền nã, khi đằm thắm, dịu dàng thì chiếc áo bà ba lại mang một vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm, đảm đang. Bởi lẽ, nó thường được người phụ nữ Nam Bộ vận khi làm đồng, khi lao động.

Trong khi, các trang phục truyền thống khác thường có sự tương xứng theo cặp nam và nữ: áo tứ thân đi với áo the, khăn xếp; áo dài đi với comple... Riêng áo bà ba thì cả nam nữ đều chung một kiểu. Cũng bởi bà ba không cầu kỳ, người Nam Bộ ưa mặc nó vì sự tiện dụng, mặc được cả khi làm đồng, khi đi chợ, đi chơi. Áo bà ba giản dị như thế, nhưng nó luôn có một vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng. Đặc biệt, không biết từ bao giờ, chiếc áo bà ba kết hợp với khăn rằn, nón lá đã trở thành một biểu trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ.

Áo bà ba giản dị, không có cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, dải khuy cài khít từ cổ áo chạy xuống, tà xẻ vừa phải ở hai bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, ôm gọn gàng lấy thân hình người phụ nữ. Áo kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân, làm đẹp thêm vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại. Áo là biểu tượng, là tâm hồn của quê hương xứ sở, là hồn Việt trải qua mấy trăm năm kể từ khi cha ông ta khai phá mảnh đất phương Nam.

Gần gũi với cuộc sống lao động

Về nguồn gốc, có người cho rằng chiếc áo bà ba Nam Bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hoá. Cụ thể hơn đó là kiểu trang phục của người "BaBa"- một nhóm người Hoa sống trên đảo Pinang thuộc Malaysia ngày nay. Có người lại cho rằng, áo bà ba là sự chuyển đổi từ chiếc áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Áo bà ba thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây.

Vải để may áo bà ba luôn là loại vải mềm, mát để phù hợp với khí hậu Nam Bộ nóng ẩm, với hai mùa mưa nắng. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long xưa thường mặc bà bà đen khi lao động, khi đi làm đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt. Áo lại được xẻ tà ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to, tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như tiền bạc, gim băng... Áo bà ba được phụ nữ Nam Bộ mặc cả lúc đi làm, đi chợ, hay diện đi chơi. Lúc đi chơi, họ thường chọn những màu sáng sủa như màu trắng, màu xám tro. Còn đối với các cô, các bà giàu có thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền như the, lụa.

Những cách điệu trên áo bà ba

Áo bà ba bắt đầu được cách điệu vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Một thời gian, thành thị miền Nam phổ biến kiểu áo bà ba ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.

Chiếc áo bà ba ngày nay tinh tế và thanh nhã hơn và vẫn thường được may theo kiểu chiết eo khít lấy thân người, tà xẻ sâu hơn một chút, tôn lên đường cong duyên dáng, mềm mại, dáng vẻ thướt tha, uyển chuyển của người phụ nữ. Cổ áo thì nhiều kiểu, nhưng phổ biến nhất là cổ tim và cổ tròn.

Dù vậy, ngày nay ít thấy áo bà ba xuất hiện trên đường phố, ngay cả khi về các vùng quê, khi mà các kiểu thời trang công sở, dạ hội, dạo phố, muôn màu muôn vẻ, chiếc áo bà ba mang một nét quê mùa, mộc mạc, tuy rất đỗi thân thương, nhưng dường như không còn phù hợp lắm với nếp sống hiện đại nữa. Thường chỉ còn các bà, các mẹ là vẫn còn chung thủy với nếp áo thân thương ấy.

Khi mà chiếc áo dài tha thướt vẫn hiện hữu tại các buổi lễ hội, vẫn tung bay duyên dáng trên đường phố, thì chiếc áo bà ba lại nép sâu vào ký ức một thời. Nếu cách tân đối với áo dài dễ dàng hòa hợp hơn với các sắc màu, hoa văn, các kiểu dáng, các chất liệu, thì áo bà ba chỉ chung thủy với một kiểu dáng, một gu màu sắc, và một kiểu chất liệu, tất cả đều phải mộc mạc, nền nã, giản dị, không thể khác được. Có lẽ chính điều đó khiến cho áo bà ba khó thích hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng cũng chính điều đó đã làm nên một nét đẹp riêng, một cái duyên riêng, không pha lẫn của áo bà ba.

Chiếc áo bà ba có lẽ đẹp nhất khi nó gắn với hình ảnh người con gái Nam Bộ với vóc dáng nhỏ nhắn vươn mình đẩy mái chèo cho con thuyền lướt nhanh trên dòng nước. Trong chiến tranh lửa đạn, tà áo bà ba ấy đã in sâu trong ký ức của biết bao người dân Việt, nó gắn bó với hình ảnh các mẹ, các chị Nam Bộ bất khuất, kiên cường.

“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh, nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ, Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”. Ai đã từng ngồi trên những con xuồng nhỏ xuôi dòng Hậu Giang, lắng nghe câu hò, điệu lý Nam Bộ ngọt ngào, ngắm tà áo bà ba mềm mại bay trong gió, chắc chắn sẽ còn mãi trong lòng những dư vị không quên.

K.D (st)