Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Áo dài ngày khai giảng…
Thứ sáu: 23:10 ngày 02/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khai giảng đầu tiên của đời sinh viên, nghe nhà trường thông báo: sinh viên đi dự khai giảng tất cả phải mặc áo dài! Khổ rồi! Nói thiệt tình, cái thế hệ 8x của nó so với thời thế cũng không phải quá ư… lạc hậu.

Ảnh minh hoạ: Đặng Hoàng Thái

1. Nó thi đậu vào cao đẳng Sư phạm. Mừng như sắp bước… lên tiên ngày nhận được giấy báo. Vậy là xong; chào nhé cái viễn cảnh lấy chồng sinh con, suốt đời làm nông dân như những đứa bạn học hành dang dở chốn quê! Càng mừng hơn bởi nhà nó nghèo, mẹ cha lam lũ một nắng hai sương cũng chỉ đủ sức cho mình nó học hành “tới nơi”, được cái danh hiệu “sinh viên” đầu tiên của gia đình, mà không, của cả xóm…

Khai giảng đầu tiên của đời sinh viên, nghe nhà trường thông báo: sinh viên đi dự khai giảng tất cả phải mặc áo dài! Khổ rồi! Nói thiệt tình, cái thế hệ 8x của nó so với thời thế cũng không phải quá ư… lạc hậu. Áo dài hả? Ui, chuyện nhỏ. Tao còn tới ba bộ sẵn. Hàng hiệu không á, may chi? Con Lan dân phố hùng dũng tuyên bố tự tin.

Con Kim dân huyện nhưng nhà ở trung tâm thị trấn có tiếng “đại gia” trề môi: có “hiệu” cũng cũ rồi. Khai giảng đầu đời sinh viên ai đi mặc đồ cũ. Tao sẽ quất luôn một lượt… hai bộ mới! Cả phòng xanh mắt, không đứa nào còn dám bạo gan ra miệng. Nó lại càng không. Chưa lăn đùng ra xỉu khi nghe lời phán của các “cõi trên” là đã quá may.

Ngôi trường cấp 3 của nó là trường vùng sâu, tứ thời bát tiết gái cũng như trai đi học toàn đóng thùng quần tây xanh sơ mi trắng tới lúc ra trường luôn, làm gì biết tới áo dài? Mà nói thật, nó cũng không thích mặc áo dài. Nhà khổ, không có tiền may một phần; nhưng khốn nỗi bộ dạng nó hơi “hột mít”, lại chậm phát triển: lên tới lớp 12 rồi vẫn ngực không mông không, nhìn toàn cảnh “phom” (form) người thấy bề dọc… sém sém bề ngang, không tha thướt gì hết ráo! Nó cũng biết muốn mặc áo dài đẹp thì dáng dấp phải yểu điệu thướt tha. Chuyện này nó đâu có cửa nên thôi, cứ áo trắng quần xanh gọn gàng cho chắc chuyện.

Vậy nhưng lần này thì hết phép!

2.

Mẹ, con phải có bộ áo dài để đi khai giảng. Trường bắt buộc…

Ừ.

Tiếng ừ của mẹ sao lơ đãng, nhẹ hều. Lẽ nào mẹ nghe chưa rõ?

Mẹ, là bộ ÁO DÀI đó, không phải sơ mi quần tây…

 Biết! Áo dài chớ gì. Tao nghe rồi. Để mai ra chợ mua vải rồi đem qua cô Bốn…

Trời ạ, nghe mà bắt chán mứa. Không, không phải chán mứa, chính xác phải gọi là… khủng hoảng! Vải may áo dài mua chợ Xổm bên nhà thì tìm đâu ra vải đẹp. Vậy nhưng, điều ấy vẫn chưa “kinh hoàng” bằng chuyện “đưa cô Bốn”. Cô Bốn tốt bụng, tận tâm, điều ấy nó chắc chắn. Nhưng nghiệp vụ may áo dài của cô thì, ôi thôi, rất ẹ! Nói chính xác, cô may đồ bộ, đồ bà ba coi cũng tạm.

Nhưng cái áo dài đòi hỏi “nghiệp vụ cao”, phải chuyện giỡn đâu. Vậy nhưng tính khí cô Bốn thì nó biết rồi; rất chi điếc không sợ súng. Nó từng chứng kiến cảnh cô hùng dũng tuyên bố: áo dài hả, đồ quỷ dễ òm chớ gì; tao chỉ cần tháo cái áo cũ ra, nhìn học theo là may được! “May được” thật; cái áo thành phẩm đầu tiên của cô cũng đủ tà đủ vạt như áo dài người ta; có điều cô mặc vô trông nó “hổng giống ai”; vậy mà cô cứ đứng trước gương quay tới quay lui, chắt hít khen quá đẹp! Như chưa yên tâm, cô còn quay hỏi khán giả bất đắc dĩ là nó (cháu cũng thấy đẹp mà, phải không??) khiến nó không biết trả lời sao, đành đối phó cho qua bằng cách nở một nụ cười… méo xẹo!

Vậy nhưng đây là ý mẹ. Mẹ đã quyết cái gì thì đừng hòng cãi. Muốn áo dài thì áo dài đây. Có mặc là tốt. Đẹp xấu chút đâu quan trọng gì. Mày đi học chớ đi đàn đúm na? Biết thừa, nó mà to gan ý kiến ý cò sẽ được nghe ngay “bài vọng cổ” cũ mèm trên. Thôi kệ, số trời đã định, nó sinh phải cửa nhà nghèo nên luôn phải xài của rẻ.

Mẹ một đời tằn tiện chắt chiu, tiêu pha cái gì cũng nhăm nhăm theo tiêu chí “lấy… rẻ làm gốc”. Vải chợ Xổm rẻ, chắc rồi. Cái chợ quê nhỏ xíu, bán hàng cao cấp ai đâu đủ tiền mua? Công may cô Bốn tính cũng rẻ (có khi còn… cho không). Mấy đời của rẻ mà ngon, chuyện đương nhiên thôi. Ráng cầm lòng vậy đi. Chỉ mong “trời thương” cho bộ áo cô may đỡ đỡ - nghĩa là tạm mặc được chứ không đến mức xấu hem là đã quá phước.

Vậy nhưng “cầm lòng” không có nghĩa là không buồn bực. Cái áo dài đầu tiên của đời con gái; lại là ngày đầu tiên chính thức thành tân sinh viên; toàn những cái mốc trọng đại không thể nào quên. Nó không thể tự dối lòng rằng không thấy tủi thân, lại còn thấy… hơi giận mẹ! Bậy, nó lắc đầu, cố xua đi cảm giác biết rõ là không đúng đó. Mình hư quá, mẹ vất vả nuôi mình bao năm ăn học đã đủ tốn kém, khổ sở lắm rồi…

3.

Chính xác là ông trời không thương nó!

Cầu khấn miết mà bộ áo dài cô Bốn may xong vẫn cứ xấu đau xấu đớn. Xấp vải cát mẹ mua đã khiến nó khổ tâm lắm; bởi không thấy ai mang vải cát đi may áo dài. Không nhung hay lụa thì ít ra cũng phải gấm in hoa chìm như áo mấy đứa học sinh cấp ba trường huyện. Vậy là “khiêm tốn” lắm; chớ lẽ ra sinh viên rồi thì phải xài hàng cao cấp hơn…

 Vậy nhưng giờ thì chuyện vải vóc đâu còn ý nghĩa. Cái áo cô Bốn may đủ vạt đủ tà thiệt nhưng xỏ vô… tức rực. Đường chít cách eo một đoạn xa lắc khiến nó mặc vào chẳng thấy eo đâu. Thêm cái cổ cao nghều, cứng đơ đơ. Trời ạ, cổ nó ngắn nên muốn cài móc cổ áo buộc phải vểnh cái cằm lên.

Mà không, đâu chỉ vểnh cằm, cứ phải hất hết mặt mày lên thì móc mới trôi và khi đã móc vô xong thì mặt bị cái cổ dựng đứng kê ngang cằm, không cúi xuống được vì nghẹt thở! Tới cái quần càng đau khổ: cô may sao mà ôm khít cái mông và bó tức ngang đùi; kiểu quần mặc xong chỉ đứng chứ không thể (và cũng không dám) ngồi.

Ngồi căng quá, nó bứt chỉ đường may thì “đổ nợ”. Đứng thử đồ tại tiệm may cô Bốn mà nó dở cười dở khóc. Cô Bốn thì săm trước soi sau, luôn mồm khen đẹp. Vừa như in luôn á. Sao, cổ hơi cao hử? Áo dài phải cổ cao, cổ đứng mới đẹp chớ con? À, có cái quần hơi bó phần mông. Chắc tại hổm rày mày nghỉ ngơi, ăn uống hơi nhiều nên mập ra đây. Không sao; vài bữa con đi học cực, nó ốm lại là vừa….

Tính nó vốn nhát, cho kẹo cũng không dám mở mồm nói trái ý bà cô nổi tiếng là hung; đành ôm bộ áo dài mới may nói cảm ơn (như mếu) rồi lếch thếch ra về, vừa đi vừa nước mắt ngắn dài. Lẽ nào ngày đầu tiên của đời sinh viên mình thật sự phải trình làng bộ áo dài “hổng giống ai” này trước bao nhiêu cặp mắt na trời. Cái đầu nó thật sự giờ đang ngổn ngang trăm mối; mối nào mối nấy rối tinh như canh hẹ. Nghĩ mãi không thông. Thôi kệ; quá lắm thì mình cáo ốm, “trốn” dự khai giảng vậy. Đau lòng thiệt đó, nhưng đâu còn cách nào…

4.

Nè, áo dài bạn đâu? Sao không lấy ủi rồi treo lên cho thẳng?

Áo mình may… chưa kịp. Mình mượn đỡ áo bà cô mà mặc… hông vừa, khổ ghê…

Đâu, bạn lấy thử mình coi? Mình là “chuyên gia” áo dài nè. Con Hoa, chung giường tầng dưới phán rất tự tin.

Bộ áo dài giấu kỹ tận đáy ba lô được nó ngượng nghịu lôi ra. Hoa thành thạo xổ thẳng, hết nhìn người lại nhìn áo, săm soi.

Không ổn thiệt, Hoa phán.

Thì mình đã bảo mà…. Nó nói, như sắp khóc.

Nhăn trán nghĩ ngợi một hồi con Hoa “hiến kế”:

Giờ chỉ còn có cách này: cổ áo cao bạn chịu khó ngước lên vậy. Còn che lỗi nơi vị trí chít eo thì mình cho bạn mượn cái áo khoác…

Kế này kể cũng không tệ. Nhưng khai giảng vào ngày nắng đẹp mà tự dưng đi mặc áo khoác trông giống… con khùng dữ?? Không đâu, áo khoác ngắn tay, mặc rất sành điệu - con Hoa biết ý trấn an. Được, vậy thì nó sẽ sẵn lòng “chấp nhận thương đau”, mặc bộ áo dài cổ quái của bà cô may đi dự khai giảng sinh viên. Vậy nhưng nó sực nhớ: còn cái quần bó mông bó vế chật cứng, làm sao??

Nàng Hoa lại phải một phen nhíu trán nhăn mày loay hoay nghĩ kế. Điên đầu thật, nàng thở ra, thôi, vụ này mình thua, hết cách…

Đám bạn cùng phòng vẫn lao xao nói cười, giúp nhau cùng ủi, treo lên những bộ áo dài đủ sắc. Chúng còn xắng xở chuẩn bị các “phụ kiện” giày cao gót, trâm cài đầu, nơ buộc tóc và vân vân. Tuyệt vọng, nó ngồi phịch xuống giường, nước mắt ứa ra. Con Hoa nhìn nó với đôi mắt bất nhẫn, vẻ nghĩ ngợi rất lung. Hít một hơi dài, nó đột ngột đứng phắt dậy, bặm môi:

Thôi, bạn đừng khóc, mình cho bạn mượn bộ áo dài của mình; mai mặc mà dự khai giảng…

Trời, vậy áo đâu bạn mặc??

Không sao, mình còn một bộ dự phòng. Nhà mình gần, mình sẽ chạy về lấy. Ngay đêm nay…

Y.N

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục