Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Áo dài trong đời sống người dân Tây Ninh
Thứ hai: 09:25 ngày 20/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Áo dài từ lâu đã gắn liền trong đời sống của người Tây Ninh và cả nước- từ áo dài truyền thống đến áo dài cách tân xuất hiện trong các lễ hội, ngày tết. Áo dài còn thường được thấy ở các trường học hay Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, các thánh thất địa phương...

Áo dài trong đám cưới ở Trảng Bàng năm 1958.

Theo ông Lê Thành Tánh- Trưởng Ban Khánh tiết đình An Hoà (thị xã Trảng Bàng), xưa, các vị hương chức, ông chủ, ông cả, thầy đồ, các cụ ở đình làng hay những bậc trí thức thường vận áo dài, chủ yếu là áo dài đen khi đi ra đường, đi làm việc hay vào các dịp cúng đình, miếu, đám tiệc...

Phụ nữ thường mặc áo dài đen làm ruộng với mục đích khi cấy lúa, cắt lúa khom người xuống thì áo dài che thân. Còn khi đi buôn bán họ thường mặc áo dài đen hoặc trắng. Áo dài đen thời ấy thường được gọi là áo dài thâm hay áo thâm bởi người dân Tây Ninh kỵ huý bà Đen- tức Linh Sơn thánh mẫu.

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh giới thiệu về áo dài ngũ thân truyền thống đến giới trẻ trong Ngày hội Văn hoá dân gian.

Trong câu chuyện kể của nhà thơ bán hàng rong Lê Nguyên, đến những năm thập niên 1950, 1960, trong đám cưới, cô dâu, chú rể, thông gia, gia đình, họ hàng và cả những người đi mừng cưới đều vận áo dài, khăn đóng. Cô dâu thường vận áo dài màu đỏ, mận, hồng...

Được biết trong những năm này còn có hủ tục khi cô dâu về nhà chồng, trong ngày rước dâu không được trang điểm, cài hoa bởi người xưa cho rằng trang điểm là “mang mặt giả về nhà chồng”. Cô dâu còn phải đi chân đất để không “đi guốc trong bụng mẹ chồng”... Tất nhiên, những quan niệm không đúng này đến nay đã không còn.

Áo dài cách tân nữ.

Hình ảnh áo dài trong dân gian Tây Ninh còn hiện diện trên các tượng thờ xưa ở các cổ tự, đình làng. Như ở đình Thái Ninh (thành phố Tây Ninh) có tượng thờ đức ông Huỳnh Công Giản- được tạo tác trong trang phục áo dài tay thụng (còn gọi là áo tấc), trên áo có hoa văn chữ thọ, đầu vấn khăn xếp (khăn đóng), có dây vải thắt lưng của người nhà võ.

Ở chùa Phước Thạnh (chùa Bàu Lớn, thị xã Trảng Bàng) có tượng thờ hai cô hầu bên cạnh Linh Sơn thánh mẫu trong trang phục áo dài ngũ thân truyền thống tay thụng, đầu búi tóc đặc trưng của người phụ nữ Tây Ninh xưa.

Áo dài trong thực hành tín ngưỡng dân gian.

Xin nhắc lại một chút về áo dài xưa- áo dài ngũ thân, ra đời năm 1744, sau cuộc cải cách trang phục Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xem là tiền thân áo dài ngày nay. Áo dài ngũ thân ở nam và nữ có sự tương đồng, áo được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải trong thân thứ nhất.

Áo có 5 nút (thường làm bằng đồng) tượng trưng cho ngũ thường (nhân - lễ - nghĩa - trí - tín) hay ngũ luân (quần thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Mặc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người. Hiện áo dài ngũ thân không còn được sử dụng phổ biến và cũng không còn người may ở Tây Ninh. Những năm gần đây, chiếc áo dài này đã trở lại với giới trẻ trong các đám cưới, lễ hội truyền thống, chụp ảnh theo phong cách xưa...

Trong 2 lần tổ chức Ngày hội Văn hoá dân gian năm 2023, 2024 của Đoàn phường Gia Bình và Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Trảng Bàng), Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh- người trẻ có niềm đam mê với áo dài đã giới thiệu về áo dài ngũ thân truyền thống đến các bạn trẻ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Thợ may Võ Thị Mỏng may áo dài bằng máy may xưa.

Áo dài cũng là đạo phục của tín đồ đạo Cao Đài. Đó là áo dài trắng. Nam giới thì đội khăn đóng màu đen, phụ nữ búi tóc củ tỏi gọn gàng. Áo dài trắng là trang phục bắt buộc khi tín đồ tham gia các nghi lễ tôn giáo, sinh hoạt đạo sự cộng đồng bởi họ quan niệm màu trắng là màu của đạo, tượng trưng cho sự tinh khiết, vô tội. Lễ phục của chức sắc Cao Đài hầu hết được chế tác dựa trên nền tảng áo dài truyền thống có kết hợp các yếu tố áo, mão, cân, đai. Hiện ở xung quanh Toà thánh Cao Đài Tây Ninh (thị xã Hoà Thành) có nhiều nhà may, tiệm may chuyên áo dài và lễ phục đạo Cao Đài.

Áo dài cách tân của nam còn 2 thân, vẫn giữ lại 5 nút cài, thường được dùng trong các dịp cúng đình, miếu, đám cưới, mừng thọ, ngày tết hay các hoạt động truyền thống. Các tiệm may áo dài nam hiện nay ở Tây Ninh không nhiều, chủ yếu tập trung ở thị xã Hoà Thành và khu vực Toà thánh. Áo dài cách tân của nữ cũng còn 2 thân nhưng phong phú kiểu mẫu và được sử dụng phổ biến trong cuộc sống.

Thợ may Đặng Phúc Duy may áo dài bằng máy may hiện đại.

Áo dài cách tân của người Việt còn được các cô bóng kết hợp cùng với chiếc váy xoè- có nguồn gốc từ người Chăm tạo nên nét đặc trưng và độc đáo khi thực hành diễn xướng bóng rỗi. Trang phục của các nghệ nhân đã cho thấy sự giao thoa văn hoá và tôn vinh nét đẹp dân gian Tây Ninh.

Trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống của người dân xưa và cả nay, chiếc áo dài đã kể nên những câu chuyện dân gian, trở thành niềm tự hào, góp thêm hương sắc cho quê hương Tây Ninh.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục