Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ao nước trước chùa Khedol
Chủ nhật: 21:35 ngày 19/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lâu nay khi nói đến văn hoá Khmer, các nhà nghiên cứu thường chú ý đến các vấn đề như văn hoá lễ hội và các quần thể kiến trúc mỹ thuật như chùa tháp, tranh tượng, ít ai chú ý đến yếu tố nước. Ðặc biệt là ao nước trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Khmer.

Ao nước ở Khedol.

Từ thành phố Tây Ninh theo trục lộ 785, qua núi Bà Ðen đến ngã ba Khedol rẽ phải chừng năm mươi mét sẽ thấy một ao nước khá to trước cổng chùa Botum Kiri Rangsay. Ao nước này tồn tại từ rất lâu đời, nó song hành với đời sống lao động của bà con Khmer ở đây. Trước đây có vài doanh nghiệp tìm đến, có ý hỏi mua lại phần đất này và lấp ao để xây dựng, nhưng người dân không đồng ý và ao nước vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ðiều đó cho thấy yếu tố nước và ao nước quan trọng thế nào đối với người dân tộc Khmer ở đây!

Như chúng ta đã biết, trước khi người Khmer tiếp nhận Phật giáo nguyên thuỷ (Theravada) từ Nam Ấn truyền sang thì họ đã tiếp nhận văn hoá Bà La môn của xứ này từ thuở rất xa xưa. Khi Phật giáo trở thành tôn giáo chính của người Khmer, ít nhiều yếu tố văn hoá Bà La môn vẫn còn tồn tại trong tâm thức họ. Chính vì vậy, ta thấy trong các ngôi chùa Nam tông Khmer có rất nhiều vị thần và linh vật của Bà La môn được chạm khắc tôn thờ. Và ao nước cũng là một yếu tố không thể thiếu.

 Trong đời sống tâm linh của người Khmer, ao nước tượng trưng cho Biển Sữa trong văn hoá Bà La môn. Nơi mà các vị thần đã chiến thắng các thế lực ác ma và cũng là nơi sinh ra nguồn nước từ vũ trụ ban phát cho trần gian. Trong Ramayana mà người Khmer tiếp thu có kể rằng: “Ngày xưa, các vị thần tổ chức tiệc mừng và mời đạo sĩ dưới trần gian lên dự, đạo sĩ mang theo món quà tặng cho các vị thần. Khi mở quà các thần chế nhạo vì thấy không giá trị. Vị đạo sĩ tức giận để lại lời nguyền: các thần dù có phép nhưng rồi cũng chỉ sống và chết như người phàm. Các vị thần hoảng sợ tìm đến thần Vishnu. Thần Vishnu cho biết có một loại thuốc trường sinh dưới Biển Sữa, nếu khuấy cạn sẽ tìm được thuốc trường sinh.

Các vị thần chung sức cùng loài quỷ dữ dùng rắn thần Naga và núi Meru để làm điểm tựa khuấy Biển Sữa trong một ngàn năm. Khi Biển Sữa gần cạn, núi Meru lún dần, thần Vishnu hoá thân thành rùa chống núi lên. Biển Sữa cạn dần, nữ thần sắc đẹp Lakshmi nổi lên đầu tiên, thần Vishnu liền nhận nàng làm vợ. Sau đó đến các linh vật như ngỗng thần Hamsa, bò thần Nandin, chim thần Garuda, voi ba đầu Airavan, tiên nữ Apsara... cũng lần lượt nổi lên từ Biển Sữa.

Khi ấy có một con quỷ hoá thân thành một vị thần chính là thần gió Rehu, chờ cơ hội khi các thần khác đang ngắm Apsara, liền lén chộp lấy lọ thuốc trường sinh uống, giọt nước thần mới chảy đến cổ họng con quỷ, thần Vishnu phát hiện ra và lấy vòng lửa phóng đứt đầu con quỷ. Vì vậy, con quỷ chỉ trường sinh bất tử có cái đầu, nên gương mặt thần gió Rehu trên các mảng điêu khắc trông rất dữ tợn, nhưng đã được trường sinh bất tử. Các vị thần được thần Vishnu phân phát và uống nước thần, từ đó có sức mạnh và trở nên trường sinh, mới đủ sức tiêu diệt hết các loài quỷ dữ…”.

Và ngày nay đến các ngôi chùa Khmer, ta thấy trên mặt dựng của chùa thường chạm phù điêu Rehu rất lớn, miệng ngậm dòng nước phun ra hướng về ao nước hay bàu nước trước chùa. Với ước nguyện nguồn nước được ban phát đều đặn trong năm để phục vụ cho mọi mặt của đời sống.

Hơn thế, người Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất, có mặt trong vũ trụ từ rất sớm. Nước kết hợp với đất, lửa và gió tạo nên vạn vật trong đó có cả con người. Nước còn là biểu tượng của sự tinh khiết, trong trắng, hiền hoà, tự do. Chính vì thế, người phụ nữ trong cách nhìn của người Khmer được xem như một biểu tượng của nước. Trong truyền thuyết Pres Thong - Neang Neak, công chúa con vua Thuỷ Tề là tổ mẫu của người Khmer. Chính yếu tố nước đã mang lại cho dân tộc Khmer tri thức và nhiều yếu tố tạo nên nền văn hoá Khmer sau này.

Người Khmer phân chia nước thành ba loại. Ðó là nước của tầng trời, nước của trần gian và nước của ma quỷ. Nước của tầng trời là loại nước thiêng, nước của thánh thần. Loại nước này mang sự mầu nhiệm, chỉ dành cho các Tê veak đa sử dụng. Nó có thể làm cho con người trường sinh bất tử, chết đi sống lại, xấu xí trở nên xinh đẹp, yếu đuối trở nên mạnh mẽ… Nước của trần gian là nước trong thế giới tự nhiên ban tặng cho con người, như nước mưa, nước sông suối, nước ngầm…

Trong đó, nước mưa là thứ nước tinh khiết, trong sạch, thường được dùng làm lễ vật dâng cúng cho chư Phật, và cũng là phương tiện để thanh tẩy cơ thể, sinh hoạt hằng ngày. Nước của thế giới ma quỷ là thứ nước dơ bẩn nơi cống rãnh, đầm lầy… Thứ nước này tượng trưng cho hình phạt với những kẻ xấu ác nơi ngạ quỷ.

Nói chung, nước không chỉ hiện diện trong nền văn hoá truyền thống dân tộc mà nó còn luôn chiếm vị trí hàng đầu trong mọi thứ vật chất. Thiếu nước, con người và các loài của thế giới tự nhiên sẽ phải đối mặt với cái chết. Trong sách Chân Lạp Phong Thổ ký của Chu Ðạt Quan ở thế kỷ XIII có đoạn viết “Ðất ấy khổ vì nóng nực, mỗi ngày không tắm vài lần không được. Ðến đêm cũng không khỏi một hai lần. Trước kia không có phòng tắm hay các thứ vò, thùng, nhưng mỗi nhà có một cái ao, không thì cũng vài ba nhà chung nhau một cái ao…” (bản dịch của Hà Văn Tấn, trang 65-66 phần Tắm gội). Qua phần sử liệu hiếm hoi trên, ta thấy nước và ao nước đã gắn liền với đời sống của người Khmer từ rất sớm và duy trì cho đến tận ngày nay.

Có thể nói, nước là dạng vật chất hết sức cần thiết với con người. Con người không thể nào sống mà thiếu nước. Chính lẽ quan hệ mật thiết đó mà nước tự nhiên đi vào đời sống tinh thần của con người. Ngày nay, nguồn nước sạch đang dần bị khan hiếm và luôn đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Ðòi hỏi chúng ta phải chung tay bảo vệ bằng những hành động thiết thực. Ðối với người Khmer nói riêng, nước luôn là một thứ gần gũi, thân thiện. Nước song hành với đời sống nông nghiệp và chỉ có nước mới mang lại sự sống cho con người, mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc và ngày càng phát triển.

Ð.T.S

Tin cùng chuyên mục