Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ấp 6 Cầu Sập-từng bước trở mình
Chủ nhật: 16:23 ngày 31/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trải qua bao nhiêu năm lao động không biết mệt mỏi, cùng với sự sát cánh của chính quyền địa phương, ấp 6 Cầu Sập ngày nay đã hoàn toàn thay đổi diện mạo.

Quăng chài lưới cá trên dòng Tha La. Ảnh: Lê Văn Hải

Cho đến nay, tôi đã có hơn mười năm gắn bó với xã Suối Dây. Vì làm công tác giảng dạy, tôi có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều với bà con trong các ấp để nắm tình hình, hoàn cảnh, việc học tập của con em. Nhưng duyên nợ nhiều nhất thì phải kể đến ấp 6 Cầu Sập. Vì là ấp xa xôi nhất của xã, năm nào cũng vậy, cứ gần đến mùa tựu trường thì tôi lại vào đây để vận động, thăm gia đình học sinh, nên mọi sự thay đổi của nơi này tôi biết khá rõ.

Nếu tính từ chợ Suối Dây, muốn vô ấp 6 phải chạy qua ấp Chăm và mất ít nhất là nửa giờ đi xe gắn máy. Xã Suối Dây có 8 ấp, ấp 6 là một trong hai ấp sinh sau đẻ muộn nhất. Xã Suối Dây xưa kia vốn chỉ là một khu kinh tế mới, đến năm 1979 mới thành lập xã, lúc ấy thuộc Tân Biên. Năm 1982, xã thuộc về huyện Dương Minh Châu.

Năm 1989, khi huyện Tân Châu được thành lập, Suối Dây được chuyển về Tân Châu cho đến ngày nay. Và cũng cần nói thêm, khi xã Suối Dây mới thành lập thì ấp 6 cũng chưa ra đời mà nó thuộc về ấp 5, gọi là ấp 5 Cầu Sập. Mãi đến sau này vì giao thông ấp 5 bị chia cắt bởi sự phình ra của dòng Tha La. Để dễ sinh hoạt, quản lý dân cư nên ấp 6 mới ra đời. Cho đến nay, ấp 6 vẫn là ấp thuộc vùng sâu vàng xa, khó khăn nhất của xã Suối Dây.

Với vị trí địa lý hiện nay, quan sát trên bản đồ tỉnh Tây Ninh (tỉ lệ 1: 70.000), dễ dàng thấy ấp 6 Cầu Sập gần như một hòn đảo, ba mặt giáp suối Tha La và hồ Dầu Tiếng, chỉ một phần đất giáp ấp Chăm và đó cũng là con đường độc đạo duy nhất từ ấp ra trung tâm xã. Ấp 6 Cầu Sập nói riêng và Suối Dây nói chung là địa danh trang sử bi hùng của thời kỳ đầu kháng Pháp.

Theo tài liệu Lịch sử địa phương tỉnh Tây Ninh và cuốn “Chống xâm lăng” của GS Trần Văn Giàu: sau khi Trương Định qua đời, con trai ông là Trương Quyền tiếp tục noi gương cha lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Trương Quyền đã lên Tây Ninh, liên kết với nhà sư Pôkumpô và lập căn cứ ở rừng Suối Dây. Cuối tháng 7 năm 1866, Pôkumpô đưa quân về Campuchia chiến đấu.

Tháng 6 năm 1867, thực dân Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Tây, phong trào kháng chiến ở nhiều nơi đã bị dập tắt hay làm cho suy yếu, nên quân Trương Quyền vừa thiếu thốn nhiều mặt vừa lâm cảnh thế cô. Vì thế, ông phải đưa quân rút vào rừng sâu ở Suối Dây, một nơi nghèo nàn, dân thưa, lúa ít ở phía Bắc rừng Tây Ninh.

Ngày 28 tháng 7 năm 1867, quân Pháp bất ngờ mở cuộc tấn công vào Suối Dây. Nghĩa quân kháng cự quyết liệt, nhưng trước vũ khí mạnh của đối phương, Trương Quyền đành phải chia lính ra từng toán nhỏ, vừa đánh vừa rút lui, để bảo toàn lực lượng…Nếu quay lại đoạn phim lịch sử này, thì hơn 150 năm trước, Suối Dây chỉ là rừng hoang vu, hoàn toàn chưa có hệ thống giao thông như bây giờ.

Vậy nghĩa quân của Trương Quyền - Pôkumpô vào Suối Dây bằng con đường nào? Có thể thấy rằng, nếu tính từ thành Xăng-đá, nghĩa quân chỉ có thể men theo hướng núi Bà Đen vào khu Tân Hưng, rồi qua suối Tha La vào rừng Suối Dây mà thôi. Vì suối Tha La xưa kia chỉ là con suối nhỏ, ít nước nên cũng rất dễ vượt qua.

Và vùng đất này trước đây người dân còn phát hiện nhiều dấu vết của căn cứ xưa như bếp lò, vũ khí, một số vật dụng của binh sĩ… Rất tiếc là hiện nay chúng tôi đi khảo sát thì không còn một mảy may dấu vết gì, hoạ ra nó chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên ở xứ này mà thôi.

Ấp 6 trước đây rất khó khăn, dân cư thưa thớt, bà con chủ yếu sống tập trung trên khu gần điểm phụ của Trường tiểu học Suối Dây B và vùng bán ngập. Con đường từ xã vào ấp là đường đất đỏ, đầy ổ gà, nắng bụi mưa lầy. Giao thông không thuận tiện, đời sống của bà con ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hoặc làm thuê làm mướn.

Chính vì vậy, các em học sinh học hết bậc tiểu học, ra học cấp 2 là cả một vấn đề. Nhưng bù lại, bà con ấp 6 đa số hiền lành, chịu thương chịu khó. Học sinh ấp 6 tuy hoàn cảnh đa phần là khó khăn, nhưng lại học rất tốt, chăm ngoan. Hơn 95% học sinh ấp 6 ra Trường THCS Suối Dây học đều đạt khá giỏi, rất nhiều em vượt khó, học đến nơi đến chốn, sau này có việc làm ổn định.

Phải nói rằng, trải qua bao nhiêu năm lao động không biết mệt mỏi, cùng với sự sát cánh của chính quyền địa phương, ấp 6 Cầu Sập ngày nay đã hoàn toàn thay đổi diện mạo. Con đường từ trung tâm xã vào ấp đã được trải nhựa. Nhiều hộ gia đình được di dời khỏi khu bán ngập lên khu tái định cư khang trang, sạch sẽ. Điểm phụ Trường tiểu học Suối Dây B và trường mẫu giáo được xây dựng, sửa chữa lại khá tốt để phục vụ cho việc học của con em ở đây.

Ấp 6 bây giờ với hơn 400 hộ và hơn 1.000 nhân khẩu đang sinh sống không còn cảnh những ngôi nhà tranh thưa vắng nằm giữa những đám rẫy u buồn như trước nữa. Tất cả nhà cửa đã được xây cất khang trang. Bà con giờ chủ yếu trồng mía mì và cao su.

Cùng với sự hỗ trợ nhiều mặt của các ban ngành đoàn thể xã, những chính sách kinh tế đúng đắn mà đời sống của người dân ở đây được nâng lên rõ rệt. Học sinh không còn cảnh dậy từ 5 giờ sáng để đạp xe đi học, nay có xe buýt đưa đón. Nhờ vậy, tình trạng bỏ học giữa chừng của học sinh ấp 6 là rất ít.

Bến đò Cầu Sập ấp 6.

Điểm sáng đặc biệt của ấp 6 hiện nay là khu vực nhà máy điện mặt trời đang trong giai đoạn xây dựng. Đây là một công trình tầm cỡ quốc gia, được ưu tiên sử dụng nguồn nhân công địa phương. Dự án này cũng sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực ấp 6, nhất là hệ thống giao thông. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu không nhỏ vào ngân sách ở địa phương, nâng cao đời sống người dân. Ven suối Tha La thuộc khu vực ấp 6, tạo điều kiện cho thu hút khách du lịch đến tham quan, tạo điểm sáng cho cả một vùng quê.

Có thể nói ấp 6 Cầu Sập trước đây là một vùng quê nghèo ít ai biết tới. Trải qua bao năm tháng cưu mang của chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực hết mình của người dân đã xoá đói giảm nghèo và vươn lên, ấp 6 ngày nay đã thực sự trở mình...

Ghi chép: ĐÀO THÁI SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục