BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Ấp đảo” Phước Giang: Muôn vàn khó khăn, vẫn gắng sức xây dựng “Ấp văn hoá”

Cập nhật ngày: 27/02/2011 - 11:10

Đường về ấp Phước Giang.

Sáng hôm nay 28.2.2011, cán bộ và nhân dân ấp Phước Giang, xã Phước Lưu (Trảng Bàng) vui mừng làm lễ công nhận “Ấp Văn hoá”. Trước đó hai ngày chúng tôi đã đến thăm Phước Giang. Đường về ấp Phước Giang vẫn là bờ đê bao gồ ghề, nhỏ hẹp, người cầm lái xe gắn máy không vững có thể rơi xuống kênh, rạch. Ở đầu ấp, cổng chào “Ấp Văn hoá Phước Giang” còn rất mới được cắm xuống bờ đê bao, cũng là đường giao thông chính ra vào ấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng ấp và ông Nguyễn Văn Bích, Trưởng Ban Mặt trận, kiêm Trưởng Ban vận động khu dân cư ấp Phước Giang cho biết, Phước Giang là ấp vùng sâu, miền sông nước, nằm cặp bờ hữu sông Vàm Cỏ Đông, hiện có 210 hộ dân, với 862 nhân khẩu, phân bố trên diện tích tự nhiên 378 ha, trong đó có đến 304 ha là ruộng độc canh cây lúa. Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng, một số ít buôn bán nhỏ lẻ, gần đây có một số lao động trẻ đi làm công nhân ở các nơi khác. Dù là địa phương triền miên gặp khó khăn do địa hình cách trở, trong năm 2010 và nhiều năm qua cán bộ và nhân dân ấp Phước Giang ra sức phấn đấu xây dựng và đã được cấp trên công nhận “Ấp Văn hoá”.

Về kinh tế, năm vừa qua ấp Phước Giang có bước phát triển đáng kể. Đời sống người dân ngày càng ổn định, trong năm có thêm 7 hộ dân trong ấp xây nhà tường, nâng tổng số nhà xây trong ấp lên được 94 căn (chiếm tỷ lệ 44,76% số căn nhà trong ấp). Đến nay trong ấp có 60 hộ được xếp loại giàu (tỷ lệ 28,58%), 130 hộ khá (tăng 7 hộ so với năm 2009). Tuy nhiên ấp cũng còn đến 20 hộ nghèo liền kề và hộ nghèo Trung ương. Một hình ảnh mới rất dễ nhận ra là ở ấp này gần 2 năm nay, từ khi có hệ thống đê bao tiểu vùng, mặt đê trở thành đường giao thông nối từ trong giồng ra đến ngoài sông, bà con ấp Phước Giang bắt đầu sắm xe gắn máy. Đến nay trong ấp có đến 197/210 hộ có xe gắn máy. Mặc dù có xe gắn máy, nhưng hầu như hộ dân nào ở đây cũng còn giữ lại hoặc mua sắm thêm xuồng và ghe máy. Về đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh. Hiện trong ấp đã có 203 hộ có phương tiện nghe nhìn. Những năm trước đây, khi Phước Giang gần như một “ấp đảo”, phương tiện di chuyển chỉ có ghe xuồng, thì hầu hết các em học sinh học hết bậc tiểu học là ở nhà làm ruộng. Gần đây, khi  giao thông đường bộ thuận lợi hơn, con em người dân Phước Giang mới có nhiều điều kiện theo đuổi việc học hành. Từ đó hầu hết các em trong độ tuổi đều học lên cấp hai, cấp ba. Hiện nay trong ấp đã có 75 em học tiểu học, 27 em học THCS, 14 em học THPT, đáng mừng là còn có 3 em đang học đại học. Ấp có tổ y tế cộng đồng phụ trách việc quan tâm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, lại còn có đội bóng chuyền với 15 cầu thủ, thường xuyên tham gia thi đấu giao hữu. Tình hình an ninh trật tự trong ấp luôn ổn định. Nạn bạo hành trong gia đình và tình trạng ngược đãi ông bà, cha mẹ, con cái không xảy ra. Về vệ sinh môi trường trong ấp có 182/210 hộ gia đình thực hiện tốt 3 công trình vệ sinh. Số còn lại do ở vùng đất thấp, còn phải làm nhà vệ sinh trên đầm nước. Hướng tới ấp động viên các hộ này sẽ cố gắng khắc phục.

Đời sống vật chất ổn định, đời sống tinh thần ngày càng phong phú người dân Phước Giang luôn thực hiện đúng theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đặc biệt là trong năm 2010, lãnh đạo ấp đã vận động đóng góp cho quỹ “Vì người nghèo” được 31,5 triệu đồng, đạt đến 558,51% so với chỉ tiêu trên giao. Đây là việc chưa hề có từ trước đến nay…

Trường tiểu học Phước Giang

Hiện nay, tuy đã được công nhận “Ấp Văn hoá”, nhưng so với các ấp khác trong huyện, trong tỉnh, ấp Phước Giang vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do đặc điểm địa hình vùng sông nước, đời sống của bà con nơi đây chủ yếu độc canh cây lúa, nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt cá, nuôi heo và nuôi vịt đàn… Nhìn chung kinh tế phát triển rất chậm. Những năm gần đây giá lúa lên xuống bất thường, trong khi giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao, khiến cho nông dân thường xuyên gặp khó khăn. Ngoài sông rạch, cá, tôm ngày càng cạn kiệt. Những người sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản thu nhập ngày càng kém hơn. Cá nuôi trong ao, trong bè giá cả cũng rất bấp bênh và luôn bị nguồn nước ô nhiễm đe doạ. Về chăn nuôi, trong đợt dịch heo tai xanh vừa qua, nhiều hộ dân trong ấp bị lỗ nặng. Nuôi vịt đàn cũng có người “đứt vốn” vì vịt bị dịch bệnh chết sạch bầy. Về giao thông, tuy đã có đường bộ nhưng chỉ là những đường đê bao nhỏ hẹp, gồ ghề làm bằng đất đen móc từ kênh rạch lên, chỉ có xe đạp và xe gắn máy lưu thông được nhưng tình trạng người đi xe phải… nhào xuống “tắm kênh” cũng là việc thường xuyên, còn các loại xe tải, xe ô tô không thể ra vào ấp được. Về giao thông thuỷ, ấp có 3 kênh, rạch chính, nhưng thường xuyên bị lục bình bủa vây, nên việc lưu thông cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đường thuỷ và đường bộ đều gặp khó khăn, nên giá cả nông sản của bà con ở ấp Phước Giang thường phải bán thấp hơn nhiều nơi khác do bị thương lái ép giá…

Theo các cán bộ ấp Phước Giang, cấp trên đã có quy hoạch làm một con đường bộ nối từ trong giồng đi ngang qua ấp Phước Giang ra đến bờ sông Vàm Cỏ Đông, chiều dài con đường này khoảng 1.800 mét. Rất mong các cấp lãnh đạo sớm đầu tư xây dựng con đường này. Có đường bộ giao thông thuận tiện, xe hơi xe tải vào ra dễ dàng, ấp Phước Giang mới có điều kiện vươn lên và giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hoá”.

D.H