Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Áp dụng một số quy định đối với tội phạm tham nhũng
Thứ hai: 12:14 ngày 18/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 30/12/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 đối với tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Ảnh minh họa

Theo đó, nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14  về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ; xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra; xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm.

Cụ thể, nghị quyết đã giải thích với một số từ ngữ có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Đơn cử, như: “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.

Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác. Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô.

“Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”  là sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án…

Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội, Nghị quyết cũng giải thích rõ nhiều khái niệm. Cụ thể: “Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 các Điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi tham ô số tiền 500.000 đồng nhưng 06 tháng sau, A lại thực hiện hành vi tham ô số tiền 1.500.000 đồng. 

Trường hợp người có hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật, sau đó lại bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về chính hành vi này thì việc bị xử lý kỷ luật trước đó không bị coi là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”. Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, sau đó A lại bị xem xét khởi tố về chính hành vi tham ô này thì không được áp dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” đối với A.

“Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện. Ví dụ: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. A chỉ được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vẫn ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: Nguyễn Văn A là Trưởng phòng TNMT huyện B đã thực hiện hành vi trái công vụ, trình lãnh đạo UBND huyện B ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai… 

Nguồn phapluatplus

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh