Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vụ mía 2020-2021:
Áp dụng nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật
Thứ ba: 09:36 ngày 19/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các chế phẩm chuyên dùng cho mía như Root Booster, Grow Booter, Amino, BiO-Team, CCS Booter và chất ức chế sinh trưởng… đã được nghiên cứu phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây, cung cấp dinh dưỡng, tăng hệ vi sinh vật có lợi cho đất, nâng cao sức đề kháng giúp cây mía có năng suất và chữ đường cao.

Phun chế phẩm phân bón lá ở Nông trường mía Biên Hoà-Thành Long.

Lâu nay, theo tập quán canh tác, nông dân đơn thuần chỉ dùng phân bón vào đất cho cây mía hấp thu qua rễ. Biện pháp này có ưu điểm cung cấp cho cây trồng hàm lượng lớn chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của cây nhưng có hạn chế là tỷ lệ thất thoát cao, phân bón dễ bị đất hấp thu, rửa trôi, bay hơi hoặc cây trồng không sử dụng được. 

Đẩy mạnh việc đưa các chế phẩm phân bón lá cho mía

Trong các vụ mía gần đây, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-BH) và Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC) đã khảo nghiệm và từng bước đưa vào sử dụng chế phẩm phân bón lá cho cây mía. Đây là biện pháp khoa học kỹ thuật mới, đột phá của TTC-BH, nhằm phát huy hiệu quả phân bón và tiềm năng của cây mía. 

Các chế phẩm chuyên dùng cho mía như Root Booster, Grow Booter, Amino, BiO-Team, CCS Booter và chất ức chế sinh trưởng… đã được nghiên cứu phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây, cung cấp dinh dưỡng, tăng hệ vi sinh vật có lợi cho đất, nâng cao sức đề kháng giúp cây mía có năng suất và chữ đường cao. Các kết quả khảo nghiệm cho thấy mía phun xịt chế phẩm và ức chế sinh trưởng đã cho chữ đường tăng 0.5 - 1.12 CCS so với không xịt, ngoài ra còn giúp mía chín sớm, đều để chủ động trong việc thu hoạch mía.  

Ông Trần Tấn Việt- Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công cho biết, thực tế áp dụng tại Tây Ninh, Bình Dương, Phan Rang, Ninh Hoà và Campuchia cho thấy cây sinh trưởng rất khoẻ, đẻ nhánh nhiều.

Để đáp ứng nhu cầu phun chế phẩm phân bón lá cho vùng nguyên liệu với diện tích hàng ngàn hecta và phun cho mía lớn mà hiện nay chưa có phương tiện đáp ứng, TTC-BH đang kết hợp với đối tác để đưa máy tầm xa về phun cho mía.

Với tầm phun xa 120m-150m và công suất lớn, máy giúp mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nông dân và các nông trường. Với kết quả ban đầu đáng khích lệ như vậy, hiện nay, chương trình phun xịt chế phẩm cho mía đang được bà con nông dân và các nông trường trồng mía thuộc công ty quan tâm và hưởng ứng.

Anh Phạm Quốc Tuấn, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ (huyện Châu Thành) cho biết, gia đình anh trồng mía với diện tích 11 ha, vụ mía năm nay anh bắt đầu áp dụng chế phẩm phân bón lá cho cây mía, sản phẩm anh đang dùng là Root Booster.

Chế phẩm phân bón lá có tác dụng tăng khả năng nhảy rễ, nở bụi (phát triển con), giúp điều hoà sinh trưởng, làm cây phát triển. Trên ruộng mía của gia đình, anh sử dụng chế phẩm này vào giai đoạn mía bắt đầu được 2-3 lá, sau thời gian sử dụng anh thấy cây nở con nhiều hơn, phát triển tốt. 

Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long cũng đang sử dụng chế phẩm phân bón lá cho mía vụ 2020-2021. Anh Nguyễn Trọng Hoà- Giám đốc Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long cho biết, diện tích mía của nông trường khoảng 800 ha. Ban đầu nông trường thử nghiệm trên 100 ha, sau đó thấy hiệu quả nên đã tiếp tục sử dụng cho các diện tích còn lại.

“Ưu điểm của sản phẩm này là cây tăng lên rất nhiều, cây to, khoẻ làm cho mật độ kín cây tốt, so với không sử dụng chế phẩm thì tăng được khoảng 15%-20% số cây hữu hiệu, đặc biệt thấy rõ rệt nhất trên diện tích có tưới. Khi không sử dụng thì mía đẻ nhánh không nhiều nên năng suất thấp và không đồng loạt, cây non chữ đường thấp”, anh Hoà chia sẻ.

Theo Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà, với mục tiêu khi phun chế phẩm tối thiểu phải cho tăng năng suất 5 tấn/ha và chữ đường 0.5 CCS, công ty đã có chương trình hỗ trợ cho nông dân 50% tiền mua chế phẩm, tương đương 910.000 đồng/ha và với diện tích 700 ha cho vùng nguyên liệu mía Tây Ninh. 

Ươm mía một mắt mầm dạng stump bầu.

Ươm mía một mắt mầm dạng Stump bầu để trồng giặm vụ mía 2020-2021

Để chuẩn bị nguồn mía giống cho vụ trồng mới và trồng giặm vụ 2020-2021, SRDC và TTC-BH đã triển khai sản xuất số lượng lớn mía stump bầu một mắt mầm với giá thành rẻ cung cấp cho khách hàng, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tự làm giảm chi phí vận chuyển, chủ động được nguồn cây giống tốt, hiệu quả phục vụ cho cánh đồng mía.

Mía stump bầu đã được làm từ khá lâu, nhưng do trước đây áp dụng phương pháp làm bầu túi nylon, dùng giá thể đất trộn nên tốn nhiều vật tư và nhân công, tốc độ làm chậm, dẫn đến giá thành cao, không đáp ứng được số lượng lớn nên chưa được áp dụng nhiều.

Ông Trần Tấn Việt- Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công cho biết, áp dụng kỹ thuật làm stump bầu mới trên khay nhựa, dùng giá thể xơ dừa trộn sẵn để ươm bầu của SRDC giúp giảm vật tư và nhân công, tốc độ làm nhanh và đáp ứng được số lượng lớn cho nhu cầu trồng mới và giặm mía.

Cùng với việc đưa các chế phẩm Root booter và Amino vào chăm sóc stump bầu đã kích thích mía ra rễ, đẻ nhánh ngay trong quá trình ươm bầu, giúp cây khoẻ và rút ngắn thời gian trong vườn ươm.

So với hom mía, trồng mía stump bầu có lợi thế là tiết kiệm hom giống. Một ha mía stump bầu cần khoảng 2-3 tấn mía giống nên phù hợp cho các giống mía mới cần phát triển nhanh diện tích. Trồng hoặc giặm mía stump bầu cây lên nhanh, tiết kiệm thời gian nảy mầm so với trồng bằng hom. Mía giặm thu hoạch được ngay năm đầu tiên do phát triển kịp với mía gốc.

Chi phí sản xuất stump bầu chủ yếu là công lao động, việc thực hiện khá đơn giản và dễ làm nên khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình phát triển. Với giá thành khoảng 800 đồng/cây đã giảm rất nhiều so với trước đây (từ 3.000 - 5.000 đồng/bầu). Ngoài việc sản xuất đại trà ở SRDC, hiện nay, SRDC cùng cán bộ nông vụ, Khuyến nông đã hướng dẫn nông dân làm vườn ươm bầu có chất lượng tốt giá thành hợp lý. 

Anh Nguyễn Phi Hùng, ngụ ấp Đông Tiến, xã Tân Đông (huyện Tân Châu) cho biết, anh thuê đất trồng mía ở Campuchia với diện tích hơn 100 ha. Anh đang ươm khoảng 100.000 bầu để phục vụ trồng giặm cho vụ tới bảo đảm tiến độ thời vụ, mía phát triển kịp với mía gốc.

Ông Việt cho biết thêm, để trồng mới bằng mía stump bầu, tiền giống và công trồng (bằng máy) trên diện tích 1 ha khoảng từ 16-17 triệu đồng, cao hơn trồng bằng hom từ 4-5 triệu đồng nên nông dân còn phải tính toán cho có hiệu quả.

Vì vậy, trước mắt nên trồng mới bằng stump bầu cho các giống mía mới, mía trồng nhân giống để có hiệu quả kinh tế. Nhưng việc giặm bằng stump bầu cho hiệu quả cao vì giảm công lao động, ruộng mía bảo đảm mật độ và phát triển đều, trồng giặm hằng năm còn giúp kéo dài thời gian lưu gốc.

Giang Hà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục