Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: Gia tăng giá trị nông nghiệp
Thứ hai: 22:52 ngày 28/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tháng 5/2015, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Kết quả triển khai kế hoạch đến nay cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

Áp dụng công nghệ, thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tại vùng sản xuất rau xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Năng suất cây trồng tăng từ 10 - 50% 

Theo thống kê, diện tích cây trồng cạn hiện đang áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt khoảng 276.100ha (tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai kế hoạch). Hầu hết các tỉnh, TP đã áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Trong đó, các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mạnh mẽ nhất là Đông Nam Bộ (117.000ha), Tây Nguyên (78.000ha), Đồng bằng sông Cửu Long (46.000ha), Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ (24.000ha).

Có 10 tỉnh đứng đầu danh sách áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (với diện tích áp dụng trên 10.000ha) theo thứ tự là: Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kon Tum, An Giang. Đáng chú ý, TP Hà Nội chỉ xếp thứ 40 trong số 63 tỉnh, TP về diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với trên 116 ha. 

Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, việc áp dụng công nghệ, thiết bị tưới đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ làm tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10 - 50% mà còn giúp tiết giảm từ 20 - 50% công lao động.

Công nghệ này cũng tiết kiệm từ 20 - 40% lượng nước so tới phương thức tưới truyền thống, đồng thời, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm từ 5 - 30% lượng phân bón trong canh tác. 

Kiện toàn chính sách hỗ trợ

Những kết quả trên có được một phần quan trọng là nhờ vào các cơ chế, chính sách thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của Chính phủ, cũng như sự vào cuộc chủ động của các bộ, ngành, địa phương.

Trong ba năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và mới đây nhất là Nghị định số 77/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiết kiệm nước.

Đặc biệt, gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã giúp 6.400 khách hàng được vay tổng cộng 36.000 tỷ đồng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, 23/63 tỉnh, TP cũng đã ban hành những chính sách riêng nhằm khuyến khích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong canh tác cây trồng cạn.

Dù vậy, mục tiêu tới năm 2020, có 500.000ha cây trồng cạn chủ lực trên cả nước được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn nhiều thách thức.

Đơn cử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Hiện, vẫn thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong khi ưu đãi về vốn và thuế chưa đủ sức hấp dẫn các DN, hợp tác xã tham gia đầu tư…

Chia sẻ của đại diện nhiều tỉnh, TP cũng chỉ ra rằng, giá thành các sản phẩm công nghệ, thiết bị tưới hiện còn cao là rào cản đối với việc tiếp cận. Việc nhân rộng các mô hình nhìn chung còn chậm. Thực tế, diện tích áp dụng công nghệ, thiết bị tưới hiện mới chiếm khoảng 5% tổng diện tích cây trồng cạn cả nước…

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả những chính sách hỗ trợ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã được Chính phủ ban hành. Các địa phương chủ động quy hoạch vùng chuyên đổi sản xuất. Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm, từ đó, nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng tưới tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện cụ thể.

Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, rà soát, tiến tới có thể giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn cụ thể cho từng địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng

Nguồn kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục