Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mười năm qua, ấp Hoà Bình luôn giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hoá” và hiện đang được Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Trảng Bàng (ngày 1.9), ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh cho biết, trong những năm qua phong trào của huyện có nhiều điển hình tiên tiến được biểu dương khen thưởng cấp toàn quốc như Ấp Văn hoá Hoà Bình (xã An Hoà). Ấp được công nhận “Ấp Văn hoá” đầu tiên của tỉnh. Trong mười năm qua, ấp này luôn giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hoá” và hiện đang được Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, trong hội nghị tổng kết 10 năm phong trào trong cả nước sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.
![]() |
Đường vào Ấp Văn hoá Hoà Bình |
Ấp Hoà Bình là vùng nông thôn, giáp với thị trấn Trảng Bàng, có 447 hộ, với 1.712 nhân khẩu, gồm 14 tổ dân cư tự quản. Từ năm 1997, ấp đã thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, (nay là cuộc vận động TDĐKXDĐSVH). Đến tháng 9.1999, ấp đăng ký xây dựng “Ấp Văn hoá”. Một năm sau ngày đăng ký, tháng 8.2000, ấp Hoà Bình được công nhận “Ấp Văn hoá”. Đây là ấp văn hoá đầu tiên của tỉnh và trong suốt 10 năm qua ấp Hoà Bình luôn giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng danh hiệu này. Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nơi đây rất ổn định. Hiện nay trong ấp có 180 hộ được xếp loại hộ giàu (trên 40%); 256 hộ khá (trên 57%); 8 hộ (1,76%) trung bình và 3 hộ nghèo (0,67%); 422 hộ gia đình có nhà ở bền vững, trong ấp không còn nhà tranh tre lá; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia (tăng 200% so với năm 1999). Hằng năm có 100% hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Bà con trong ấp thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ tết. Về đời sống văn hoá tinh thần 100% hộ có phương tiện nghe nhìn; 99% hộ có điện thoại (cố định và di động); 100% hộ dân có xe gắn máy. Ấp xây dựng được tủ sách tại văn phòng ấp, với trên 200 đầu sách và thành lập được các đội bóng đá, bóng chuyền, đờn ca tài tử. Tất cả hộ dân trong ấp đều sử dụng giếng khoan và đều có các công trình vệ sinh. Tình hình an ninh trật tự trong ấp luôn được giữ vững. Nhân dân trong ấp tích cực tham gia thực hiện mục tiêu “4 giảm” của UBND tỉnh. Đáng lưu ý là suốt trong 10 năm qua chưa có người dân nào trong ấp bị chết vì tai nạn giao thông. Ban hoà giải của ấp đã tham gia hoà giải thành hơn 60 vụ tranh chấp trong nhân dân, như tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự và các mâu thuẫn khác. Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, bà con trong ấp tích cực tham gia xây dựng hạ tầng. Trong 10 năm qua, nhân dân trong ấp đã tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng 9 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 5.940 mét, trong đó có 3.650 mét đường đổ sỏi đỏ. Tổng kinh phí làm đường 560 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 280 triệu đồng (chưa tính tiền đất đai, cây trái bị ảnh hưởng khi mở rộng đường mà nhân dân không nhận tiền bồi thường giải toả, trị giá khoảng 500 triệu đồng). Ngoài ra bà con trong ấp rất nhiệt tình đóng góp ủng hộ các cuộc vận động từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Thời gian qua, nhân dân ấp Hoà Bình đã đóng góp chăm lo cho gia đình chính sách, thông qua quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 35 triệu đồng; đóng góp xây tặng 3 căn nhà đại đoàn kết cho 3 hộ nghèo diện Trung ương trong ấp, trị giá 45 triệu đồng. Ngoài ra bà con trong ấp còn ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” nộp về xã 45 triệu đồng. Hằng năm nhân dân trong ấp đóng góp ủng hộ từ thiện xã hội khoảng 5 triệu đồng. Ban vận động ấp đã vận động nhà tài trợ theo chủ trương “xã hội hoá” được 70 triệu đồng để xây dựng văn phòng ấp, tường rào văn phòng ấp và hai cổng chào ấp văn hoá. Thời gian qua, Nhà nước đầu tư 1 tỷ đồng, nhân dân trong ấp đóng góp đất trị giá trên 400 triệu đồng để nạo vét tuyến kênh tiêu khu vực Bàu Tre, chống ngập úng được 120 ha đất nông nghiệp trong ấp và các khu vực lân cận. Từ đó số diện tích đất này đã tăng vụ và tăng năng suất. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp ở đây, từ 20 triệu đồng/ha/năm (năm 1999) đã tăng lên được 80 triệu đồng/ha/năm (năm 2010).
Bài học kinh nghiệm để xây dựng và giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hoá” của Ban vận động ấp Hoà Bình: Trước hết là ưu tiên phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện cho nhân dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, với phương châm: “Dân giàu thì nước mới mạnh”. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng gia đình văn hoá. Gia đình là tế bào xã hội. Mọi thành viên trong gia đình sống có trách nhiệm với chính gia đình mình, và thực hiện lối sống văn hoá, văn minh sẽ đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh. Chi bộ Đảng và đảng viên trong ấp là hạt nhân lãnh đạo các phong trào. Các đảng viên trong ấp luôn đi đầu các phong trào, luôn đoàn kết nội bộ tốt. Chi bộ mạnh dạn góp ý phê bình, kiểm điểm các cá nhân vi phạm về quản lý tài chính, các biểu hiện tham nhũng, trục lợi đối với các loại chế độ chính sách mà nhân dân được hưởng. Chi bộ, ban quản lý ấp luôn công khai, minh bạch các khoảng đóng góp của nhân.
Trong 10 năm qua, ấp Hoà Bình đã 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hoá” 5 năm (giai đoạn 2000-2005 và giai đoạn 2005-2010). Cùng với việc giữ vững danh hiệu “Ấp Văn hoá”, 10 năm qua, chi bộ Đảng của ấp luôn đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
D.H